KTS Lê Quang Thạch: "Tôi xem việc thiết kế một cái ghế cũng quan trọng như thiết kế một toà nhà"
Lê Quang Thạch - vị kiến trúc sư trả lời mọi câu hỏi, thắc mắc của khách hàng bằng bản vẽ thay vì ngôn từ.
Sinh ra và lớn lên tại Vinh, từng là học sinh chuyên Lý tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu, chọn thi Đại học khối V, ngành Kiến trúc vì học không tốt môn Hóa, Lê Quang Thạch cũng ít ngờ rằng, đó lại chính là cơ duyên để anh đến với nghề kiến trúc sư.
Từ cơ duyên đến bước ngoặt cuộc đời, hành trình 17 năm gắn bó với nghề của kiến trúc sư Lê Quang Thạch đã giúp anh gặt hái được nhiều thành công và trải nghiệm không ít bài học.
Họ và tên: Lê Quang Thạch.
- Năm 2006: Anh tốt nghiệp khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội.
- Năm 2012: KTS Lê Quang Thạch sáng lập Công ty cổ phần Nội thất Avalo.
Một số dự án/công trình nổi bật: Nhà nuôi cây (Giải thưởng Kiến trúc xanh 2017); Lộ - triển lãm Kiến trúc và nghệ thuật đương đại; Pavilion Cổng kết nối - Lễ hội thiết kế sáng tạo TP Hà Nội; Rạp chiếu phim phong cách Vũ trụ; Ghế Kungfu chair - ghế chống gù lưng; Ghế ZenT Chair - ghế Yoga;...
1. Nếu mô tả phong cách thiết kế của mình bằng 3 từ, anh sẽ dùng những từ nào? Lý do vì sao?
Cân bằng động.
Cân bằng động là cách tôi tiếp cận một công trình, quan sát hoàn cảnh, lắng mình xuống để hiểu rõ nguồn cội của vấn đề thực sự mà kiến trúc cần giải quyết. Từ đó đưa ra những ý tưởng. Giải pháp đầu tiên là đúng nhất, rồi đến tốt nhất và sau là phù hợp nhất. Cái đúng ở đây cũng phải “cân bằng động”. Đúng công trình, đúng bối cảnh, đúng nhu cầu, đúng chủ đầu tư và đúng thời điểm lịch sử. Do đó mà trong những lần đầu gặp chủ đầu tư, tôi thường rất ít nói và trả lời câu hỏi bằng bản vẽ thay vì ngôn từ. Song, cũng vì thế mà rất nhiều hợp đồng đã đi tong ngay từ buổi nói chuyện đầu tiên.
2. Anh đã bén duyên với nghề này như thế nào? Chặng đường này đã được bao nhiêu năm rồi?
Từ bé tôi đã thích vẽ, gặp cái gì cũng vẽ, có giấy thừa là vẽ. Từ vẽ lại những thứ nhìn thấy, đến vẽ những thứ trong tưởng tượng. Có thời gian còn lân sang việc tự vẽ truyện tranh. Người lớn nhìn đều bảo, giỏi vẽ như thế này chắc lớn lên sẽ làm kiến trúc sư.
3 từ "kiến trúc sư" đã hằn vào đầu tôi theo cách đó từ ngày còn là học sinh lớp 1 - dù ngày ấy thậm chí còn chưa hiểu nghề nghiệp là gì chứ đừng nói hiểu về công việc của kiến trúc sư hay không.
Bước ngoặt có lẽ là vào cuối năm lớp 12. Thời ấy thiệt thòi là không có hướng nghiệp, nên hầu như cả lớp tôi đều đăng ký thi vào Bách khoa, Xây dựng hay 1 trường nào đó khác.
Ngày ấy tôi học trường chuyên nên toàn trường có áp lực chung rất lớn về việc phải chắc chắn đỗ Đại học. Tự thấy mình học chuyên Lý mà kém môn Hoá, nên lựa chọn duy nhất của việc thi Đại học là khối V, ngành Kiến trúc. Do đó tôi đã vào học trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Rất may là khi học Kiến trúc thì tôi cảm thấy vô cùng thích thú với nghề này. Ở trường, dù môn học nào tôi cũng được vẽ cả ngày mà không bị thầy cô la mắng. Sau khi ra trường - cũng như bao KTS khác, tôi chuyển nhiều công ty để chọn môi trường phù hợp cho đến ngày tự lập văn phòng tư vấn của riêng mình. Tính đến nay thì thời gian hành nghề Kiến trúc dưới vị trí kiến trúc sư cũng đã trên dưới 17 năm.
3. Nguyên tắc nghề nghiệp của anh là gì? Có điều gì từng là nguyên tắc trong nghề nghiệp của anh nhưng rồi thay đổi không?
Tôi là người có quan tâm tới lịch sử. Tôi thích đọc về sự phát triển của loài người, sự hình thành và tàn luỵ của các nền văn minh, các đế chế, các triều đại phong kiến. Tôi thích đọc về lịch sử tôn giáo. Nó cho mình thấy cái hay cái tích cực cái ý nghĩa mà các tôn giáo mang lại cho loài người. Từ đó cũng ngẫm lại ý nghĩa của đời người, rồi thấy cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn.
Tuy không theo một tôn giáo nào cụ thể, song cảm thấy Phật giáo là tôn giáo gần gũi nhất đối với xã hội thu nhỏ mà mình đang sống. Có lẽ vì thế mà những suy tư của bản thân luôn có sự đồng cảm từ đạo Phật. Xét trong việc hành nghề, tôi nghĩ kiến trúc cũng là một Pháp, sinh ra là để phổ độ. Hành nghề là để khai sáng cho xã hội về sự kỳ diệu của Kiến trúc mang lại. Mặc dù thực tế, tôi thấy người dân cũng không xem trọng việc đó lắm. Nếu mình nhắc đến triết lý Kiến trúc phổ độ, chắc chủ đầu tư họ đứng dậy đi về hết mất.
Bản thân là người thực tế nhưng không thực dụng. Tôi luôn đặt giá trị kiến trúc, giá trị của công trình lên cao nhất. Sau đấy mới là cái gật đầu của chủ nhà và chi phí nuôi sống công ty. Có lẽ tôi đúng, vì nhìn quanh thì kiến trúc sư phần lớn là người nghèo (vật chất). Có một số người bạn khuyên tôi thay đổi, phải tư bản hóa kiến trúc, nhưng có lẽ cái duy nhất tôi đón nhận là sự chân thành của họ.
4. Hành trình tìm ra phong cách kiến trúc cá nhân của anh có khó khăn không? Và điều gì sẽ là chìa khóa giúp anh xác định được phong cách thiết kế chủ đạo?
Ngày còn là sinh viên, tôi được học về lịch sử kiến trúc, bên cạnh những triết lý thiết kế và trào lưu kiến trúc thì rất ấn tượng với nhiều kiến trúc sư lỗi lạc với phong cách thiết kế của riêng họ. Lúc đó, tôi đặt mục tiêu số 1 là phải nghĩ ra cho mình một phong cách thiết kế thật riêng, thật khác biệt, thật - là - tôi. Nhưng khi bước chân vào con đường hành nghề, càng thiết kế nhiều, càng thêm trải nghiệm thì cái mục tiêu ngày ấy càng bị lu mờ. Có quá nhiều điều tốt đẹp một kiến trúc sư cần phải hoàn thành tốt trước khi đi tìm phong cách thiết kế cho bản thân.
Trong bài hát về 5 thầy trò Đường tăng của phim Tây du ký 1986, tên là “Hỏi đâu là đường chúng ta đi” (Cảm vấn lộ tại hà phương). Có 1 câu điệp khúc mà tôi rất ấn tượng là: “Đường ở dưới chân ta đó!”. Tôi nghĩ việc tìm ra phong cách kiến trúc của bản thân cũng vậy. Cứ tập trung làm những điều mình nghĩ tốt đẹp nhất, phong cách sẽ tự hình thành. Phong cách là hệ quả chứ không phải nguyên nhân. Do đó nó hữu hình nhưng vô ý. Cũng như thân xác mình vậy, người khác nhìn thấy nhưng bản thân thì không (cảm ơn người La Mã đã phát minh ra gương soi thủy tinh). Có lẽ vì thế mà tôi không biết phải gọi tên phong cách kiến trúc của bản thân ra làm sao?
Nhưng nếu phải cho một cái tên, thì chắc tôi sẽ gọi nó là: Cân bằng động.
5. Thông thường anh mất bao nhiêu lâu để hoàn thành 1 bản thiết kế?
Tôi xem việc thiết kế một cái ghế cũng quan trọng như thiết kế một tòa nhà. Đều mất nhiều thời gian để cân bằng động. Lập một nhiệm vụ thiết kế đúng, để hiểu rõ nhu cầu của công trình và dự án là yếu tố tối quan trọng, nó là cốt lõi để hình thành ý tưởng thiết kế. Nó không đơn thuần là nhu cầu mà chủ đầu tư yêu cầu, còn nhiều yếu tố ẩn mà chính họ cũng chưa hình dung được. Đúng thôi, việc giúp chủ đầu tư hiểu rõ hơn mình cần gì là trách nhiệm của Kiến trúc sư mà.
Tôi từng mất 3 ngày để có ý tưởng cho 1 dự án 2.400m2, nhưng mất tới 3 tuần để có ý tưởng cho 1 dự án có quy mô chỉ bằng 1/30 con số ấy (80m2).
Vẽ ra một bài toán đúng là quan trọng nhất, bởi bước giải toán sẽ dễ hơn và kết quả sẽ đúng nhất với điều chủ đầu tư mong muốn, với cái xã hội đang cần. Lúc đó thì sự cân bằng giữa 4 tiêu chí hàng đầu trong thiết kế cũng trở nên thuận hơn: Công năng thích dụng, tính bền vững, mức đầu tư và giá trị thẩm mỹ.
6. Thiết kế của anh được sáng tạo nhờ nguồn cảm hứng nào?
Trong việc tư duy thiết kế tôi vốn không cố chấp vào hình thức, mặc dù tôi rất muốn nó đẹp và khác biệt. Ở giai đoạn hình thành và nghiên cứu nhiệm vụ thiết kế của chủ đầu tư, là giai đoạn cảm hứng nhất đối với tôi. Đấy là giai đoạn những ý tưởng xuất hiện liên tục, cái nào tôi cũng thấy hay và tràn đầy năng lượng cho tới khi tôi thấy nó không đẹp như mình nghĩ. Để rồi đến lúc chỉ còn 1 cái cuối cùng rõ nét trong đầu. Nó đẹp thực sự vì trả lời được mọi câu hỏi. Đấy là giai đoạn hằng đêm trước khi đi ngủ, tôi sẽ đi dạo 1 lượt quanh công trình trong tưởng tượng để ngày mai sẽ vẽ nó ra cho chủ đầu tư xem.
Việc hình thành ý tưởng ấy xuất phát vô thức từ dữ liệu có sẵn trong đầu kèm với yếu tố then chốt trong nhiệm vụ thiết kế. Có lẽ vì thế tôi nghĩ bản thân phải đọc, nghiên cứu thật nhiều và rất nhiều để làm dày lên kho cảm hứng tiềm ẩn trong thân, chờ ngày được một minh chủ dụng tới.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!