KTS. Phạm Ngọc Thiên Ân: Một căn nhà được thiết kế bằng Art AI rất đẹp nhưng khách hàng không kham nổi tài chính sẽ giống như “hoa soi trong gương”
Theo KTS.Phạm Ngọc Thiên Ân, khi thiết kế bằng Art AI, chỉ vài phút là có thể hoàn thành concept một căn phòng. Công nghệ giúp chúng ta đưa ra hàng chục lựa chọn trong vài giờ nhưng việc thẩm định về tài chính, yếu tố nhân trắc học, ánh sáng và thông gió, sự cân bằng năng lượng, phong thủy… vẫn cần có trí tuệ của người kiến trúc sư.
Công nghệ Artifilcal Intelligent ( Art AI) tác động thế nào đến công việc thiết kế của các Kiến trúc sư thời nay, thưa anh ?
Làm kiến trúc thì không ai có thể phủ định ứng dụng của các phần mềm Sketchup, 3Dmax, nhưng để có sản phẩm đẹp và thuyết phục hơn thì các kiến trúc sư phải thành thạo từ Vray, Twinmotion đến D5 Render. Mỗi ứng dụng đều có thế mạnh riêng nên phải sử dụng tốt tất cả những phần mềm này mới tìm ra cách để tối ưu hóa quy trình cả về chất lượng bản vẽ lẫn thời gian thực hiện.
Trước đây, khách hàng diễn đạt yêu cầu của mình, kiến trúc sư cố gắng hiểu yêu cầu đó và dùng các công cụ như Sketchup, 3Dmax, UE5...để trình bày ý tưởng của mình trực quan nhất có thể, giúp khách hàng hình dung được ngôi nhà trong tương lai sẽ trông như thế nào.
Tuy nhiên, không phải lúc nào khách hàng cũng diễn đạt tốt mong muốn của mình. Đôi khi, khách hàng còn mơ hồ hoặc không rõ mình muốn gì. Trong khi đó việc dùng các công cụ vẽ để trình bày ý tưởng là một việc tốn rất nhiều thời gian và công sức. Thay vì dành thời gian để tư duy và sáng tạo thì kiến trúc sư dành nhiều sức lực cho việc vẽ, để lên concept cho một căn phòng 40m2 trung bình mất 3 ngày.
Nếu không đủ yêu và tâm huyết với nghề, người kiến trúc sư sẽ dần dần biến thành thợ vẽ. Khách hàng kêu gì vẽ đó để tránh thay đổi. Khi Art AI xuất hiện, kiến trúc sư như được chắp thêm đôi cánh và đã mạnh dạn ứng dụng để thực sự được tập trung sống trọn vẹn với công việc của mình là thấu hiểu khách hàng và sáng tạo.
Theo Anh, công nghệ có thay thế hoàn toàn người kiến trúc sư để làm việc khó?
AI có thể đưa ra các concept rất bắt mắt nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Cùng là lấy sáng nhưng cách xử lý ánh sáng ở xứ nhiệt đới gió mùa khác với cách xử lý ánh sáng ở các xứ sở ôn đới. Thực tế, AI không thể tự giao tiếp và tạo nên những sản phầm thiết kế mà chỉ là nơi lưu trữ kho hình ảnh phong cách, công cụ thể hiện hình ảnh nhanh của nhà thiết kế, để nhà thiết kế chuyên nghiệp có cơ hội diễn ý nhanh tạo mạch cảm xúc tốt nhất cho khách hàng.
Là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng Art AI vào công việc, hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ sử dụng và lạm dụng đôi khi chỉ cách nhau một chữ “tâm”. Nhìn vào bản vẽ, khách hàng chỉ có thể đánh giá được đẹp xấu nhưng không thể đánh giá được hết các yếu tố nhân trắc học trong thiết kế, bố trí ánh sáng và thông gió, công năng, sự cân bằng năng lượng, phong thủy... của ngôi nhà.
Anh có nghĩ ứng dụng công nghệ trong kiến trúc – xây dựng sẽ trở thành xu hướng của ngành nghề này trong tương lai?
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt và len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống. Ai rồi cũng phải chuyển mình theo bước tiến của thời đại nếu không muốn bị đào thải. Kiến trúc lại là một ngành tổng hòa giữa nghệ thuật và khoa học nên chúng tôi luôn đặt bản thân vào tư thế sẵn sàng đón nhận cái mới để chuyển mình cùng nhịp với nền khoa học thế giới.
Là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng Art AI vào thiết kế, công ty của A nh có gặp khó khăn gì không?
Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng Art AI vào việc lên concept thiết kế từ nửa đầu năm 2022. Ở thời điểm đó, các Art AI chưa được hoàn thiện như hiện nay nên việc ứng dụng chỉ dừng lại ở việc trình bày những ý tưởng giúp khách hàng định hình rõ ràng hơn một chút hình dáng chung, màu sắc...của ngôi nhà mong muốn.
Các hình ảnh do AI vẽ rất đẹp nhưng không thực tế và không liên quan mấy đến hiện trạng mảnh đất. Tuy nhiên, nhờ những trao đổi dựa trên các hình ảnh tham khảo này với khách hàng, đội ngũ kiến trúc sư nắm bắt được tốt hơn gu của khách hàng, hạn chế được rất nhiều việc sửa đổi khi kiến trúc sư lên bản vẽ thực. Khi các Art AI trên thị trường dần hoàn thiện hơn, chúng tôi học cách xây dựng AI riêng cho công ty mình để sản phẩm của AI bám sát hơn với hiện trạng công trình.
Việc “liên tục đón nhận cái mới”, Anh có cảm thấy như một cuộc chạy đua ?
Công nghệ thay đổi từng ngày, chỉ riêng trong lĩnh vực AI thì cứ cách vài tuần, thậm chí vài ngày lại xuất hiện AI mới, cập nhật mới...
Tôi luôn đặt câu hỏi chỉ với bản vẽ thì khách hàng có thật sự hiểu và cảm nhận được hết không gian sống tương lai của họ không? Làm thế nào để khách hàng nhìn thấy được rõ ràng hơn không gian này trước khi nó thành hình để cho ý kiến điều chỉnh kịp thời tránh việc sửa đi sửa lại gây lãng phí?
Khách hàng có phải chờ đợi quá lâu cho đến khi hoàn thiện ngôi nhà của mình không? Bằng cách nào có thể thi công nhanh hơn, hoàn thiện đẹp và bền hơn? Trên thế giới họ đang làm thế nào, sử dụng vật liệu, cách thức thi công gì?
Mặc dù không bao giờ bị ai chất vấn về những điều này nhưng đó là những câu hỏi luôn tồn tại trong tôi, thúc đẩy tôi tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Chúng tôi vẫn nghiên cứu thêm về AR, VR, MR – cũng là một trong những xu hướng công nghệ mới.
Ngoài yếu tố công nghệ, Anh nghĩ để tồn tại được, người kiến trúc sư cần phải thay đổi những gì?
Xây dựng một công trình chưa bao giờ là một khoản đầu tư nhỏ nên khách hàng không chỉ cần một đơn vị vẽ và xây. Họ cần người am hiểu về luật để hỗ trợ thủ tục giấy tờ. Họ cần người có nghiệp vụ dự toán và đưa ra tư vấn về cân đối chi phí đầu tư. Họ cần ai đó có kinh nghiệm về kinh doanh để tham vấn nên xây cao ốc văn phòng ở vị trí này hay biệt thự để cho thuê dịch vụ ở vị trí kia. Họ cần biết chắc rằng ngôi nhà sẽ bao phủ họ trong trường năng lượng tốt, an yên và giúp họ phát triển...
Kỹ năng và công nghệ là thứ không bao giờ được phép ngừng đổi mới nhưng cái tâm với nghề phải giữ mãi được với thời gian.
Xin cảm ơn Anh!