Kính râm chống chói: Chưa đủ bảo vệ mắt
Kính râm không những được đeo theo thời trang mà người ta còn sử dụng vì mục đích chống nắng. Tuy nhiên...
... thực chất đa số các loại kính râm bán trên thị trường hiện nay chỉ có thể giảm độ chói, chống lóa mắt, chứ không thể bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia UV.
Tác hại của ánh sáng tới mắt
ThS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt TW cho biết, việc tăng thời gian phơi nhiễm với sáng mặt trời luôn tỷ lệ thuận với khả năng mắt bị nhiễm độc với các loại tia sáng có hại. Loại bước sóng có hại nhất trong phổ ánh sáng của mặt trời là: Tia cực tím (còn gọi là tia tử ngoại hay tia UV) và ánh sáng xanh. Đậm độ của 2 loại sáng độc hại trên cao nhất ở đỉnh trưa, lớn hơn mười lần so với vài giờ trước và sau đó. Giác mạc, kết mạc và các phần phụ của nhãn cầu đều có nguy cơ bị sang chấn trực tiếp do ánh sáng.
Mặc dù cấu tạo cơ thể người cũng có một số cơ chế bảo vệ tự nhiên chống lại tác hại của ánh áng chiếu trực tiếp vào mắt, nhưng bệnh lý do nhiễm độc ánh sáng vẫn rất nhiều, ví dụ như viêm kết mạc do nắng, bệnh lý giác mạc dạng giọt có liên quan đến khí hậu, mộng mắt, giả mộng, u của mắt hay bộ phận phụ thuộc như ung thư liên bào đáy, tăng sản và ung thư tế bào vảy...
Không phải cứ tối màu là chống nắng
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại kính râm, từ hàng bình dân với giá vài ba chục ngàn cho đến những loại kính hàng hiệu đắt tiền. Tuy nhiên, đa số người mua chỉ thường chú ý đến khía cạnh thẩm mỹ mà bỏ qua tác dụng bảo vệ mắt của kính râm hoặc lại nhầm lẫn giữa khả năng chống chói loá đơn thuần với khả năng chống tác hại của tia UV.
Ở một số cửa hàng kính mắt giá rẻ trên phố Lương Văn Can (Hà Nội), khi chúng tôi hỏi về tác dụng chống tia tử ngoại của kính râm, người bán hàng đều tư vấn rằng nên chọn loại tối màu thì sẽ che nắng tốt hơn. Thậm chí ở các cửa hàng kính mắt "xịn" hơn trên phố Tràng Tiền, Giảng Võ, việc giải thích của các nhân viên bán hàng về tác dụng chống nắng của kính râm vấn "lơ mơ" giữa chống chói loá và chống tia tử ngoại.
Ths. BS Hoàng Cương giải thích rằng, "kính râm" là khái niệm chúng ta thường dùng để chỉ những loại kính đeo mắt giúp tránh nắng. Tuy nhiên, cần phân biệt rằng không phải loại kính râm nào cũng có tác dụng chống lại tác dụng có hại của tia cực tím hoặc ánh sáng xanh mới có tác dụng bảo vệ mắt khỏi tác hại của những loại tia này. Đa phần các loại kính rẻ tiền chỉ có thể giúp chống bụi, và chống chói phần nào, chứ không thể có tác dụng bảo vệ mắt khỏi tia cực tím. Những loại kính này đặc biệt không nên dùng cho trẻ em vì độ quang học của kính không chuẩn nên có thể gây chóng mặt và làm giảm thị lực.
Theo tài liệu hướng dẫn sử dụng kính chống nắng của Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ, màu sắc và độ tối của mắt kính không nói lên điều gì về khả năng bảo vệ mắt khỏi các tác hại của tia cực tím. Thậm chí, những loại kính đen thông thường, không có lớp bảo vệ chống tia UV thì không những không bảo vệ được mắt mà còn có tác hại hơn khi không đeo kính. Lý do là vì các loại kính này chỉ có tác dụng giảm độ chói của ánh sáng tới mắt, làm tối các cảnh vật trong tầm mắt, con ngươi khi phản xạ với cảnh vật tối sẽ mở to hơn bình htường, như vậy càng làm tăng nguy cơ con ngươi của mắt hấp thụ nhiều tia UV có hại hơn.
Theo KH&ĐS