Kinh nguyệt không đều và rong kinh kéo dài có phải do ung thư tử cung?

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Kinh nguyệt không đều, rong kinh kéo dài có thể cảnh báo bạn đang mắc các bệnh phụ khoa khác chứ không chỉ có ung thư tử cung.

Thưa bác sĩ, gần 1 năm trở lại đây, em thường xuyên bị tình trạng kinh nguyệt không đều, có tháng còn bị rong kinh kéo dài. Em đang rất lo lắng mình bị ung thư tử cung vì em tìm hiểu thấy đây là một trong số những dấu hiệu của bệnh. Em không biết phải làm gì bây giờ. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (B. Thảo)

Trả lời:

Bạn B. Thảo thân mến!

Bệnh ung thư tử cung có nhiều triệu chứng, trong đó có thể bao gồm cả kinh nguyệt không đều, rong kinh kéo dài. Tuy nhiên, 2 dấu hiệu này cũng có thể cảnh báo bạn đang có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác chứ không chỉ có ung thư tử cung.

ung thư tử cung
Tiến hành xét nghiệm pap smear (xét nghiệm phết tế bào âm đạo – cổ tử cung) có tác dụng tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả. Ảnh minh họa

Virus gây bệnh bướu gai ở người (HPV: Human Papilloma Virus) được xác nhận là thủ phạm gây ra ung thư cổ tử cung. Những người có quan hệ tình dục trước 18 tuổi, quan hệ với nhiều bạn tình, sinh đẻ nhiều, hút thuốc lá... thường có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao hơn những người có lối sống lành mạnh.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu không có các triệu chứng. Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức khi bạn gặp phải những biểu hiện bất thường như dưới đây: Chảy máu âm đạo; Đau lưng; Đi tiểu bị đau hoặc khó khăn và nước tiểu đục; Táo bón mãn tính và người bệnh luôn có cảm giác mót cầu, muốn đi đại tiện dù ruột không có gì; Đau khi quan hệ tình dục và tiết dịch âm đạo; Một chân bị sưng; Rò rỉ nước tiểu hoặc phân qua ngả âm đạo...

Ung thư cổ tử cung được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và xạ trị. Hai phương pháp chữa ung thư này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc đôi khi phải kết hợp cả hai để tăng thêm hiệu quả điều trị. Cách thức điều trị cụ thể tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.

Bạn không nên chỉ vì thấy một vài triệu chứng đó mà đã nghĩ ngay mình bị ung thư tử cung và lo lắng quá mức. Thay vào đó, bạn nên tới các bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên sản khoa để được thăm khám và chẩn đoán đúng bệnh, điều trị kịp thời. Bạn cũng nên tiến hành xét nghiệm pap smear (xét nghiệm phết tế bào âm đạo – cổ tử cung có tác dụng tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả) để nắm được tình hình sức khỏe của mình tốt hơn.

Chúc bạn vui khỏe!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.

Chia sẻ