Kinh nghiệm "xương máu" từ chủ thương hiệu ký gửi đồ tại Sài Gòn cho những người manh nha ý định kinh doanh đồ second-hand: Nếu sợ ngã thì tốt nhất không nên liều!
Có thể trong mắt nhiều người chuyện khởi nghiệp bằng cách kinh doanh đồ second-hand có thể là khôn ngoan. Nhưng với Thu Vũ, người đã nhiều năm lăn lộn trong nghề cho rằng, đừng để những "bong bóng" màu hồng trước mắt làm cho bạn ảo tưởng.
Ngày nay, xu hướng sử dụng đồ second-hand ngày càng phổ biến trong cộng đồng và được nhiều chị em ưa chuộng. Với phương châm "cũ người, mới ta", cũng thúc đẩy thêm mô hình kinh doanh loại mặt hàng này.
Là founder của một thương hiệu ký gửi cao cấp khá nổi tiếng ở Sài Gòn, Thư Vũ cũng nhận định rất nhiều người đang hứng thú với mô hình kinh doanh này vì xu hướng, không cần lo vốn nhập hàng vẫn đem tới một khoản thu nhập kha khá.
Chưa kể, đây cũng có thể coi là việc làm mang tính nhân văn, tránh gây thừa thãi, lãng phí đồ đạc hàng hóa trong khi những người thực sự cần mặt hàng đó lại không được tiếp xúc. Bởi vậy, tiềm năng của loại hình kinh doanh này mang tới là rất lớn.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Thư Vũ cũng khuyên những người mới bắt đầu hoặc đã "để mắt" tới loại hình kinh doanh này cần thật sự tỉnh táo, tránh những "bong bóng" màu hồng làm bạn choáng ngợp và rơi vào những rủi ro không đáng có.
Chị Thư Vũ - founder của một thương hiệu ký gửi cao cấp khá nổi tiếng ở Sài Gòn.
Học cách tìm hiểu các thông tin về đồ second-hand
Trước khi bắt tay vào một lĩnh vực nào đó, nhất là trong kinh doanh, việc nắm kỹ thông tin và xu hướng thị trường chính là đòn bẩy giúp bạn thành công. Với ngành thời trang, điều đó càng đúng hơn cả.
Tiếp cận với việc kinh doanh đồ second-hand là cả một lĩnh vực rộng lớn. Từ thời trang, chất liệu, giá cả, tiếp cận và dịch vụ tới khách hàng.
Nếu chỉ bắt đầu làm vì sở thích bạn chắc chắn sẽ thất bại mà xem. Nếu manh nha ý định kinh doanh đồ second-hand điều đầu tiên nên bỏ chính là thời gian. Hãy đọc toàn bộ thông tin, chia sẻ của người dùng, nhà thiết kế hay những người đã và đang kinh doanh mặt hàng đồ second-hand này bởi việc thành công của bạn sẽ tới từ sự thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của khách hàng.
Cần xác định rõ vì sao lại muốn kinh doanh?
Nếu câu trả lời bạn nhận được chỉ là cảm thấy có vẻ nó sẽ vui, mọi người đang hứng thú về nó, hoặc thị trường này đang lên thì bạn nên suy nghĩ lại về việc kinh doanh của mình.
Giống như các mặt hàng khác, muốn kinh doanh thành công đồ second-hand dù cao cấp hay là không bạn cũng cần có lộ trình rõ ràng. Từ kiến thức, kinh nghiệm tới mối quan hệ và cả sự liều lĩnh nữa.
Theo Thư Vũ, đừng nên tin người gieo vào đầu mình suy nghĩ "kinh doanh vì đam mê". Bởi chẳng đam mê nào giúp bạn sinh lời. Chỉ có tài, sự thông minh, sự chăm chỉ, đọc nhiều, lăn xả nhiều thì mới mang tới sự thành công.
Tất nhiên, niềm đam mê là nên có, vì đam mê mới giữ bạn cháy được với nghề. Nhưng trước khi "nhảy bổ" vào kinh doanh thì sự trang bị nhất định cho bản thân mới giúp bạn thành công thay vì hai chữ đam mê đơn giản.
Đừng lôi việc tự kinh doanh làm lý do mua kinh nghiệm
Bước chân vào kinh doanh, đừng cho phép mình phạm sai lầm chỉ để đổi lấy kinh nghiệm. Theo Thư Vũ, đó là hành động của người thiếu hiểu biết. Nếu muốn lấy kinh nghiệm từ kinh doanh đồ second-hand, nhất là với các mặt hàng thời trang cao cấp bạn sẽ cảm thấy hối hận.
Cách tốt nhất mà Thư Vũ hướng dẫn mọi người với bước khởi điểm chính là làm trước cho một đơn vị đang kinh doanh mặt hàng mà bạn sẽ hướng tới trong tương lai. Tiếp xúc và làm việc trong môi trường lớn, bạn sẽ học được cách họ vận hành, như thế đồng nghĩa với việc bạn được trả tiền để học kinh nghiệm.
Tuy nhiên, đó chưa hẳn là hết. Khi bước chân ra kinh doanh bạn vẫn sẽ tốn một khoản học phí "kha khá" nữa vì việc tự kinh doanh sẽ không dễ dàng chút nào.
"Lúc đó, một tin nhắn phàn nàn của khách cũng đủ làm bạn mất ăn mất ngủ, một ngày không có đơn hàng nào cũng làm bạn hoài nghi về tất cả các lựa chọn của mình, một sai sót nhỏ của nhân viên cũng đẩy bạn vào tâm trạng tồi tệ cả một ngày.
Bạn là chủ thì bạn có quyền chủ động thời gian trong công việc. Nhưng sự thành bại sẽ khiến bạn không dám ngơi nghỉ. Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy cắn rứt nếu như mình không làm việc. Bởi đơn giản, bạn là người tạo ra, bạn luôn cảm thấy mình có nghĩa vụ phải chăm sóc, phải thấy nó lớn lên, xinh đẹp, và gặt hái được thành công. Khi công việc của bạn gặt hái được thành công thì bạn mới cảm thấy đam mê với nó. Thành công tưới cho đam mê lớn lên, chứ không phải ngược lại", Thư Vũ chia sẻ.
Kinh doanh đồ second-hand cao cấp là làm việc với những người thông minh, đừng bao giờ xem thường họ
Tự kinh doanh là bạn sẽ phải học cách một mình mà làm rất nhiều khâu. Trong đó, khâu tốn thời gian nhất trong kinh doanh các mặt hàng second-hand cao cấp chính là sàng lọc, xử lý và định giá đồ.
"Mình luôn xác định những người mua hàng của mình đều là những người thông minh. Họ biết cách chăm sóc bản thân, chú trọng tới hình ảnh cá nhân và tự chủ về tài chính. Không những thế, họ luôn có mục tiêu sống rõ ràng, biết rõ về những thứ mình mua. Những người khách hàng như vậy vừa là thử thách, vừa là quả ngọt nếu mình có thể chinh phục được", Thư Vũ cho biết.
Với những người như vậy, họ sẽ biết rõ về sản phẩm có khi còn hơn cả người bán, nên đừng nghĩ có thể qua mặt họ với các hình thức PR lỗi thời và giá bán phi lý cho một mặt hàng không quá giá trị. Đừng sử dụng "thương hiệu" để nói chuyện bởi họ sẽ chi tiền cho chất lượng nhiều hơn là nhãn mác của một thương hiệu thời trang có thể từng vàng son một thời nhưng bây giờ đã sập tiệm.
Khách hàng cao cấp sẽ có ít thời gian, nhưng có quá nhiều việc để làm, cùng với quá nhiều thú vui để tận hưởng. Vì vậy, việc mua được một sản phẩm tốt nhưng nếu phải khiến họ đổ mồ hôi cả ngày thì sẽ rất khó khiến họ quay lại lần sau. Bởi vì họ biết rằng trong ngần ấy thời gian họ có thể làm được vô số thứ khác hay ho hơn.
Vì vậy, việc lọc sẵn quần áo, xếp theo chủng loại, và tạo phong cách trước cho khách hàng nghe có vẻ tốn thời gian, nhưng đó là việc góp phần mang nhóm đối tượng mà bạn hướng đến tới với bạn và quay trở lại mua đồ của bạn ở những lần sau.
Biết trải nghiệm và chấp nhận
Bước chân vào kinh doanh việc gặp rủi ro thậm chí là thất bại là rất bình thường. Nó có thể là tốt nếu bạn thu nhặt về cho bản thân những bài học xương máu, từ đó có những mối quan hệ làm ăn cho những lần kinh doanh tiếp theo.
Nhưng "bài học đáng giá" chỉ đến khi bạn làm hết mình, hết sức, dấn thân, không ngại lên kế hoạch và hiện thực hoá ý tưởng khác biệt của mình.
Còn nếu chỉ làm kiểu cưỡi ngựa xem hoa, thấy người khác làm cũng làm theo, và chỉ thấy những mặt màu hồng của việc làm khởi nghiệp thì có lẽ bài học duy nhất bạn nhận được sẽ là "đáng lẽ ra mình không nên kinh doanh mới phải". Nói cách khác, nếu ngã thật đau thì mới học được bài học, còn sợ ngã thì tốt nhất không nên liều.
Ảnh: NVCC