Kinh nghiệm mua nhà ở dự án để vừa túi tiền nhưng vẫn tránh rủi ro: Cần nghiên cứu kỹ các yếu tố này
Bên cạnh mức giá phải chăng, nhà ở dự án vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với người mua. Vậy người trẻ cần lưu ý gì khi muốn đứng tên một bất động sản này?
Mua nhà ở dự án phù hợp tài chính
Cách đây 5 năm, gia đình Minh Tuyến (30 tuổi) - Nhật Quang (31 tuổi) đã quyết định mua căn hộ riêng sau thời gian dài sống trong khu tập thể cũ có điều kiện sống thấp. Họ chốt mua căn nhà dự án nằm tại quận Định Công (Hà Nội), với giá tiền 1,7 tỷ đồng. Căn nhà có diện tích khoảng 70m2, gồm 2 phòng ngủ và 2 phòng vệ sinh.
Theo Minh Tuyến, họ chọn mua căn nhà vì 3 lý do: "Đầu tiên vẫn là giá tiền, tiếp theo là vị trí địa lý. Khi tìm hiểu nhà, chồng mình biết gần đó có một dự án đường vành đai đi qua nên chắc chắn căn hộ sau này sẽ tăng giá. Ngoài ra, căn hộ này gần bến xe nên vợ chồng tiện đi về quê, bởi thời đó chúng mình chưa có ô tô. Thêm vào đó, căn hộ cách nhiều bệnh viện lớn chỉ khoảng 1-2 km thôi.
Cuối cùng là yếu tố nội thất. Thời điểm bàn giao, nhà mình sẽ có sẵn một vài thứ cơ bản như trần thạch cao, sàn gỗ, thiết bị vệ sinh liền tường, đường ống, điều hoà… Do đó, chúng mình không cần mất thêm tiền và thời gian lắp đặt thiết bị mới nữa", cô nàng chia sẻ.
Khi chọn mua nhà dự án, họ cũng có lo lắng về loại hình bất động sản này. "Nhà ở dự án có nhiều rủi ro chẳng hạn chủ đầu tư chậm tiến độ, bỏ dở dự án không xây nữa hoặc tình trạng xây nhà không đúng thiết kế và quy hoạch dẫn đến không cấp được sổ đỏ. Tuy nhiên, do chồng đã tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư từ trước nên chúng mình vẫn tin tưởng bỏ tiền vào đây", Tuyến nói.
Tính toán xong xuôi, vợ chồng Tuyến quyết tâm chốt mua căn hộ. Theo chia sẻ từ chính chủ, họ đã dành tiền tích góp và bán hết vàng cưới được khoảng 200 triệu đồng. Còn thiếu bao nhiêu, cặp đôi mượn từ người thân và vay thêm từ ngân hàng 70% giá trị căn hộ.
Những ngày đầu tiên mua nhà, cặp đôi mang 30 triệu đi đặt cọc và khoảng 150 triệu để ký hợp đồng mua nhà. Sau đó, cặp đôi trả theo tiến độ dự án và đến cuối năm 2019, họ đã có thể dọn vào nhà mới. Thời điểm nhận bàn giao nhà, vợ chồng Tuyến vẫn còn nợ ngân hàng khoảng 800 triệu đồng, tức 50% giá trị căn hộ.
Chỉ sau đó 2 năm, cặp đôi đã trả hết nợ ngân hàng nhờ biết cách quản lý chi tiêu nghiêm ngặt. Tuyến chia sẻ thêm, do những năm đầu chưa có con nên họ không cần chi quá nhiều tiền, từ đó việc tiết kiệm tiền cũng thuận lợi hơn. Thời điểm còn nợ ngân hàng, cặp đôi đã dành đến 50% thu nhập hàng tháng để phục vụ mục đích trả nợ.
Nhà của Minh Tuyến - Nhật Quang
Một trường hợp khác, Trinh Võ (SN 1995, làm trong lĩnh vực Marketing) đã mua căn hộ dự án ở quận 7 (TP.HCM) cách đây 5 năm, tức khi đó mới 23 tuổi. Căn hộ rộng 65m2 với giá trị 1,7 tỷ đồng. Sau đó cô trả theo tiến độ dự án và vừa mới nhận nhà vào cuối năm 2022.
Cô mua nhà không cần vay nợ vì ký hợp đồng từ lúc dự án chưa có gì ngoài một bãi đất trống. Cô đánh giá giá nhà ở mức ổn, chủ đầu tư chia thành nhiều đợt thanh toán trong khoảng 3 năm nên cô không có áp lực phải trả tiền cùng lúc. Thời điểm mua nhà, cô đã tìm hiểu rất kỹ về độ uy tín của chủ đầu tư, phương án thanh toán, tham khảo ý kiến của bố mẹ rồi mới quyết định mua căn hộ này.
Được biết vốn dĩ ý định ban đầu khi cô bạn mua căn hộ là để đầu tư lướt sóng, kiếm một khoản sinh lời nhanh. Tuy nhiên sau khi xem xét về lợi ích - nhược điểm, điều khoản thanh toán và luôn có nỗi niềm nung nấu sở hữu 1 nơi ở để "an cư lạc nghiệp" nên Trinh Võ quyết tâm theo đuổi dự án này đến cùng.
Để thành công trả hết tiền mua nhà, Trinh Võ cố gắng tích góp, tiết kiệm hơn trong chi tiêu, mua sắm, du lịch. Đồng thời, cô cũng phấn đấu đa dạng nguồn thu nhập nhờ vào việc kiếm thêm công việc tay trái và tìm kiếm sự hỗ trợ của gia đình vào những đợt cần thanh toán khoản tiền lớn.
Cho đến khoảng đầu năm 2021, Trinh Võ đã không còn cần nhờ đến sự hỗ trợ từ gia đình. May mắn là thời gian thanh toán dự án này kéo dài nên cô nàng có thời gian để chuẩn bị tài chính.
Đối với Trinh Võ, mọi người chỉ nên mua một ngôi nhà khi họ thực sự cần nó. Đó là điều đầu tiên và quan trọng nhất vì khi "thực sự muốn" người ta sẽ có động lực lên kế hoạch về cuộc sống, tài chính để đạt được mục tiêu đó. Có nhiều người nghĩ điều quan trọng là tài chính, cô bạn đồng ý nhưng nó không phải là yếu tố tiên quyết. Bởi vì có rất nhiều trường hợp tài chính tốt nhưng nhu cầu chưa phải là ổn định, phương án đi thuê sẽ phù hợp hơn.
Nhà của Trinh Võ
Lời khuyên khi mua nhà ở dự án để phòng ngừa rủi ro
Với vợ chồng Minh Tuyến - Nhật Quang, họ khuyên bạn nên mua căn nhà dự án khi đã tìm hiểu kỹ về chúng. "Đầu tiên về chủ đầu tư. Chẳng hạn họ là ai, các dự án từng xây dựng, chất lượng và tiến độ của dự án, tính pháp lý có chuẩn không để hạn chế rủi ro sau này.
Tiếp theo nữa là yếu tố danh mục nội thất khi bàn giao. Điều này đặc biệt quan trọng với gia đình có tài chính hạn hẹp, muốn càng tiết kiệm nhiều càng tốt. Ngoài ra, mình khuyên bạn nên đi xem trước các căn hộ mẫu, để xem thiết bị vệ sinh, trần, sàn mà chủ đầu tư sẽ dùng và lắp đặt cho căn hộ của mình, đánh giá chúng có đảm bảo chất lượng hay không", Tuyến chia sẻ.
Trong khi đó, Trinh Võ nhận định chính sách chia thành nhiều đợi thnah toán của nhà ở dự án giúp cô thoải mái và đỡ áp lực. Theo cô nàng, khi chọn chung cư cần có 3 yếu tố cần lưu ý là chủ đầu tư uy tín; giá cả và chính sách thanh toán; vị trí, an ninh và tiện ích của khu vực đó.
Ảnh: NVCC