Kinh hãi rau muống tưới bằng xác động vật bán ở Hà Nội
Rau muống không cần chăm sóc, ngày ngày "ăn" xác động vật thối rữa, "uống" nước sông ô nhiễm trở nên mập mạp, được người dân thu hoạch bán khắp các chợ tại Hà Nội.
Vào "vựa" rau muống sông
Dọc theo hai bên bờ sông Đáy từ khu vực chân cầu Mai Lĩnh (Hà Đông) cho đến khu vực cầu Ba Thá (Ứng Hòa, Hà Nội) lâu nay được biết đến là một trong những "vựa" cung cấp rau muống sông cho các chợ đầu mối của Hà Nội khi hàng trăm hec-ta mặt nước được người dân tận dụng làm nơi thả trồng các bè rau muống sông.
Theo bà Nguyễn Thị Thu nhà ở khu vực Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội), việc thả trồng rau muống bè trên sông không tốn nhiều vốn và công sức chăm bón nhưng đem lại thu nhập cũng khá ổn định cho một số hộ dân chuyên làm nghề trồng và hái rau muống bè nơi đây."Trước tiên chỉ cần căng dây cố định trên mặt nước rồi kết bè, thả rau, sau khoảng 2 - 3 tháng là các bè rau này bắt đầu cho thu hái được rồi", bà Thu cho biết.
Khu vực sông Đáy đoạn gần cầu Mai Lĩnh (Hà Đông, Hà Nội) lâu nay được xem là một trong những "vựa" cung cấp rau muống cho các chợ đầu mối ở Hà Nội.
Rau muống sau khi cắt sẽ được bó thành những bó to, khoảng từ 2,5 - 4kg và được bán buôn với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg. Sau khi mua về, những lái buôn từ các chợ đầu mối chuyên cung cấp về rau và nông sản như chợ Long Biên (Long Biên, Hà Nội), chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội),... sẽ "chẻ" nhỏ những bó rau to như vậy thành năm hoặc bảy mớ rau như bình thường rồi đem bán lại tại các chợ cho người tiêu dùng với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/mớ.
“Rau cứ hái xong rồi dồn lại đến tầm cuối giờ chiều là lái buôn đánh xe ô tô xuống tận nơi thu mua nên đầu ra không bao giờ phải nghĩ. Chỉ sợ không có rau mà bán thôi chứ có thì bao nhiêu người ta cũng mua hết", một người trồng rau ở đây cho biết.
Ông Trần Văn S. một người đã có hơn chục năm làm nghề trồng và hái rau muống bè nơi đây cho biết bình quân mỗi ngày chỉ riêng tại "vựa" rau dọc sông Đáy đoạn qua hai phường Đồng Mai và Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội) đã cung cấp vài tấn rau với số lượng vài nghìn mớ rau muống cho người dân thủ đô Hà Nội.
Mặc dù có thể dễ dàng nhận thấy mức độ ô nhiễm của nguồn nước sông khu vực thả trồng các bè rau muống bằng mắt thường như nước sông có màu đen kịt và bốc mùi hôi, hai bên bờ là đủ các loại rác, nước thải được xả trực tiếp xuống sông.
Thậm chí, nhiều bè rau muống có xác động vật, cá chết lâu ngày bốc mùi hôi thối nồng nặc trôi dạt vào và phần lớn những người trồng rau muống bè ở đây vẫn dùng luôn nguồn nước này để tưới nước lên lá, rửa và ngâm rau sau khi thu hái xong.
Nhiều người trồng rau khẳng định rau này vẫn là "rau sạch" bởi theo họ thì dù rau có trồng trên nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng như thế thì cũng không ảnh hưởng vì rau muống này chỉ hái phần ngọn, lại không có thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón hóa học nên so với các loại rau trồng trên cạn thông thường thì còn "sạch chán" (!?).
Dù miệng nói là "rau sạch" nhưng trên thực tế, hầu hết các hộ dân trồng rau muống sông đều rất ít khi ăn, hoặc chỉ ăn trừ khi nhỡ bữa chính những mớ rau do mình làm ra với lý do rằng "rau này lá to, cọng cứng, lại hơi chát nên ăn không ngon"(!?).
Ẩn họa khôn lường
Nói về những tác hại của việc trồng, ngâm, rửa các loại rau, củ quả trên nguồn nước sông ô nhiễm đối với sức khỏe người sử dụng, Tiến sĩ Hoàng Thị Lệ Hằng - Trưởng Bộ môn Bảo quản chế biến (Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương) đánh giá: Khi sử dụng các nguồn nước ô nhiễm để trồng, ngâm hoặc rửa rau muống cũng như các loại nông sản khác thì có thể gây nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh vật, nhiễm hóa chất độc hại và có tác động rất lớn tới chất lượng sản phẩm.
Theo tiến sĩ Hằng, trong môi trường nước tại các ao hồ, sông suối,... có rất nhiều các loại vi sinh vật có khả năng gây hại khi vào trong cơ thể con người. Thậm chí, qua quá trình đun nấu, tẩy rửa thì vẫn có thể còn những nha bào, bào tử của các loại vi sinh vật này còn sót lại, gặp môi trường thuận lợi chúng sẽ sinh sản, nảy nở và gây hại tới sức khỏe con người như E.coli, Coliform,....
Đặc biệt, trong nguồn nước tại các ao hồ, sông suối mà người dân thường sử dụng để trồng và ngâm rửa như rau muống và một số loại nông sản khác thường có những hóa chất độc hại, kim loại nặng như chì, cadimi, đồng, asen, thủy ngân... theo nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp thải ra tích tụ lại.
Cùng với đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình gieo trồng, chăm sóc của người dân sẽ thấm theo nguồn nước xuống nên khi sử dụng những loại rau củ quả rửa không sạch sẽ có những tác hại khôn lường như gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn, ảnh hưởng đến tim mạch, não, thậm chí gây ung thư đối với người tiêu dùng.
"Ngoài ra, những sản phẩm như rau muống, nông sản khác là những sản phẩm rất dễ bị tổn thương trong quá trình thu hoạch, chế biến nên khi ngâm, rửa bằng nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh thì các loại hóa chất độc hại có thể thâm nhập vào các mô tế bào của sản phẩm. Khi đun nấu, sử dụng sẽ gây biến đổi đặc tính sinh lý và chất lượng của sản phẩm và có tác động không tốt tới sức khỏe của con người" – Tiến sĩ Hoàng Thị Lệ Hằng phân tích.
Theo kết quả thống kê, hằng ngày lưu vực sông Nhuệ – Đáy đang phải tiếp nhận khoảng 2,5 triệu mét khối nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi, 610 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt, 636 nghìn mét khối nước thải công nghiệp… Trong đó, thành phố Hà Nội chiếm khoảng 61% lượng nước thải; Nam Định chiếm 15%; Ninh Bình chiếm 11%; Hà Nam chiếm 9% và Hòa Bình 4%. Nước thải sinh hoạt hầu hết đều chưa qua xử lý, đổ thẳng vào lưu vực sông. Lưu vực sông Nhuệ - Đáy, có diện tích 8657,21km2, trải dài qua 5 tỉnh, thành: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là tuyến tập trung nhiều khu dân cư, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu chế xuất, làng nghề, các trung tâm y tế, bệnh viện và nhiều cơ sở với đủ các loại hình sản xuất. |