Kiều nữ chữa tật ngủ xấu trước đêm tân hôn
Nga (24 tuổi, Hải Dương) nhăn nhó nhìn 3 cái "của quý" lợn trước mặt mặc cho bà mẹ chốc chốc lại giục: “Ăn nhanh còn được lấy chồng...".
Chỉ còn hai tháng nữa Nga sẽ lên xe hoa về nhà chồng. Điều làm cô lo lắng không phải là cuộc sống mới hay mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, mà vì tật nghiến răng đã gắn với cô hơn 20 năm qua.
Nga đậm người, khuôn mặt rất xinh cùng nước da trắng trẻo. Trong mắt chồng sắp cưới người Hà Nội, cô là một thiên thần, không chỉ tính cách hòa đồng, cởi mở mà ngay đến đối nhân xử thế và việc nhà cũng đều khéo léo.
Không ít thiếu nữ mắc các tật xấu khi ngủ và lo lắng đó có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng. Ảnh: articles.software.informer.com
Nga chủ động đề nghị mẹ tìm cách chữa cho mình dứt điểm tật đó. Ban đầu, cô tập thể dục, giữ tinh thần thoải mái; sau ăn đậu đen ninh với muối nhưng kết quả cũng không mấy khả quan.
“Đến chữa mẹo mình cũng làm nhưng không được. Giờ phải ăn 'cái ấy' của con lợn, hãi lắm nhưng ngày cưới sắp đến rồi, mình sợ đến lúc anh ấy biết được quá”, cô nàng lo lắng thật sự.
Nga bị nghiến răng rất nặng, hai hàm răng đã mòn đi vì nghiến. Nhiều lần đi chơi ngủ cùng phòng với cô, các bạn vô tình thức giấc đều bị ám ảnh bởi tiếng kêu ken két không thể ngủ lại được. Còn với Nga, mỗi sáng thức dậy cô lại bị mỏi nhừ quai hàm.
Không khá hơn trường hợp trên, Thảo - sinh viên năm cuối một trường đại học ở Hà Nội cũng bị chứng nói nhảm, hay rên rỉ khi ngủ.
Thảo bị yếu thần kinh đến độ cô phải chăm chỉ gấp hai lần các bạn mới nhớ được bài. Vào kỳ thi, nhiều hôm Thảo học không nhớ nổi nhưng lúc ngủ, cô lại đọc vanh vách y chang sách giáo khoa.
Khi có nhiều áp lực, Thảo nói mơ nhiều hơn. Trong một đêm ngủ, cô nàng trở mình liên tục, nói khoảng 20 lần mà không ai hiểu gì. Không ít lần Thảo rên rỉ khiến các bạn cùng phòng phát sợ.
Có hôm, cô đột nhiên tỉnh dậy lấy sách học, rót nước uống hay đi vệ sinh nhưng sáng dậy hỏi, cô không hề biết gì.
“Trước đó em không nghe bố mẹ nói gì. Giờ các bạn phản ánh làm em thực sự lo lắng. Nếu không khỏi, không biết sau này lấy chồng, anh sẽ khiếp sợ thế nào nữa”, Thảo cho biết.
Trường hợp của Thuần (23 tuổi, Nghệ An) còn nguy hiểm hơn cả tật nghiến răng, nói nhảm. Thuần có thói quen xấu là đặt tay che bộ phận sinh dục của mình khi ngủ. Ngày còn ở ký túc xá, cô đã bị một phen xấu hổ.
“Một hôm, đám con trai trong ký túc xá đến phòng em chơi trong lúc em đang ngủ. Em hồn nhiên luồn tay vào trong quần. Lũ chúng nó tóm được cảnh đấy nói cho nhiều đám con trai trong ký túc biết. Suốt cả tháng em xấu hổ, ngoài đi học là chẳng dám ra ngoài”, Thuần đỏ mặt.
Sau một tháng "ý tứ" khi ngủ, Thuần đã bỏ được tật xấu của mình. Bây giờ bạn bè có lôi chuyện đó ra để châm chọc, cô cũng chỉ xem như một kỷ niệm vui, không còn xấu hổ nữa.
Còn với Nga, sau ngày đầu ăn 3 cái bộ phận sinh dục của lợn, cô ói vì không chịu được mùi hoi. Những lần sau, cô không dám ăn tiếp. Không còn cách nào khác, Nga đã tính đến nước nói thẳng cho chồng sắp cưới biết. “Nếu anh ấy không chê, em sẽ mua máng răng về đeo để lúc ngủ không phát ra tiếng nghiến”, Nga cho biết.
Cũng như vậy, Thảo đã đến gặp bác sĩ và biết được chứng nói mơ của mình xuất hiện là do quá căng thẳng từ kỳ thi đại học. Cô chưa cần dùng đến liệu pháp điều trị tâm lý. Hiện tại, bác sĩ khuyên Thảo học tập vừa phải, tăng cường nghỉ ngơi, luyện tập sức khỏe, có chế độ ăn hợp lý. Tránh những căng thẳng quá mức.
Còn rất nhiều bạn trẻ khác mắc các tật trong khi ngủ như ngáy to, ngủ "hỗn" hay hơi thở có mùi, chảy nước dãi... Nhiều người vốn tưởng đây chỉ là những chuyện nhỏ, không quan tâm. Tuy nhiên, nếu như trong gia đình không tìm được sự hòa hợp thì rất dễ ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng.
Đừng quá lo lắng về những tật xấu của mình khi ngủ, bởi tật xấu nào cũng có nguyên nhân và cách điều trị phù hợp của nó.
Đừng quá lo lắng về những tật xấu của mình khi ngủ, bởi tật xấu nào cũng có nguyên nhân và cách điều trị phù hợp của nó.