Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt tiệm bánh mì Phượng

TRẦN THƯỜNG,
Chia sẻ

Sở Y tế tỉnh Quảng Nam sẽ lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với tiệm bánh mì Phượng.

Ngày 22-9, bác sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết cơ quan chuyên môn của Sở sẽ tiến hành làm việc với hộ kinh doanh bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) để lập biên bản vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt tiệm bánh mì Phượng - Ảnh 1.

Nguyên nhân ngộ độc do mẫu thịt heo xíu (thức ăn trong nhân bánh mì Phượng) dương tính với Salmonella

Sau đó, Sở Y tế sẽ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với cơ sở trên theo quy định của pháp luật.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Nam, căn cứ công văn của Viện Pasteur Nha Trang về việc thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại TP Hội An, xác định thức ăn nguyên nhân là mẫu thịt heo xíu ngày 11-9 (thức ăn trong nhân bánh mì) dương tính với Salmonella.

Thời gian xảy ra vụ ngộ độc lúc 11 giờ ngày 11-9, địa điểm tại tiệm bánh mì Phượng. Số người ăn bánh mì vào ngày 11-9 khoảng 1.900 người, có 150 người bị ngộ độc (ghi nhận từ các bệnh viện, cơ sở điều trị). Ngoài ra, Chi cục ATVSTP có tiếp nhận thông tin qua điện thoại từ một số người dân, du khách khác (khoảng 15 người có các triệu chứng sau khi ăn bánh mì Phượng). Triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc là đau bụng, đi cầu lỏng nhiều lần (trên 10 lần), nôn, sốt cao.

Được biết, vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt tiệm bánh mì Phượng - Ảnh 2.

Có ít nhất 150 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng

Vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa… Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.

Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ khoảng 8 giờ sáng 11-9, một số người dân, du khách có ăn bánh mì (pa tê, thịt xíu, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả heo) mua tại tiệm bánh mì Phượng.

z4711291159857_c9a16cbacf5d36c225e24f216f370ef7

Hơn 1 tuần xảy ra vụ ngộ độc, chủ tiệm bánh mì Phượng viết thư xin lỗi

Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Có ít nhất 150 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì đã đến các cơ sở y tế để nhập viện, điều trị. Trong ngày 20-9, chủ tiệm bánh mì Phượng đã gửi thư xin lỗi đến khách hàng bị ngộ độc.

Chia sẻ