Khủng hoảng vì hàng trăm cuộc điện thoại đòi nợ người khác vay
Liên tục bị các tổ chức tín dụng gọi điện khủng bố đòi nợ vì mang mác “người thân”, “bạn bè” của người vay nợ, thậm chí bị nhầm là “người vay”, nhiều người bị gây áp lực tới mức khủng hoảng tinh thần.
Ngày 14/12, anh D.V.C. (Hà Nội) đang làm việc tại văn phòng thì bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại. Mở đầu cuộc gọi, anh nhận được một lời ra lệnh: “Yêu cầu anh A trả tiền... 5 phút sau, người ở đầu dây bên kia gọi lại với thái độ bề trên: “Đã nhắn tin cho A trả nợ chưa....?”
Không vay cũng bị đòi nợ bất kể ngày đêm
Anh C. cho biết, nhân viên bên bộ phận quản lý nợ của một tổ chức tín dụng giấu tên liên tục gọi vào số máy di động của anh. Dù không hề liên quan gì đến người vay nợ, anh C. bị truy đòi không khác gì “con nợ”.
Trong 3 hôm, anh C. liên tục bị quấy rầy bởi các cuộc gọi đòi nợ từ các số điện thoại không chính chủ: 0972 604 370; 0962 632 104, 0937 976 760,... Các số điện thoại này gọi bất kể giờ giấc, ước chừng lên tới hàng trăm cuộc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt của anh.
Dù anh đã giải thích nhiều lần anh không liên quan tới các khoản vay giữa tổ chức tín dụng và người bị đòi nợ, nhưng những cuộc điện thoại làm phiền vẫn không hề ngừng lại. Thậm chí, nhân viên bộ phận quản lý nợ còn cho rằng anh cùng người bị đòi nợ đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Không dừng lại ở việc gọi điện, một tài khoản facebook ảo là “Hùng Phong” còn nhiều lần bình luận vào các bài viết trên trang cá nhân của anh, yêu cầu anh nhắn cho người vay nợ thực hiện nghĩa vụ trả tiền cùng những dòng bình luận khiếm nhã khác.
Ngoài cảnh ngộ với anh C., anh L.X.T (Hà Nội) cũng là một “nạn nhân” của việc đòi nợ người khác, liên tục bị người tự xưng là làm việc tại bộ phận quản lý nợ của một tổ chức tín dụng truy đòi .
Anh T cũng bức xúc chia sẻ: "Tôi không phải người thân hay bạn bè của người vay nhưng họ vẫn lấy số tôi làm số người tham chiếu. Ngày 14/12, tôi nhận được hàng trăm cuộc gọi từ các số điện thoại không có ID, yêu cầu tôi nhắn lại cho người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của tôi bởi số máy trên tôi sử dụng để liên hệ trong công việc".
Đột ngột bị biến thành con nợ dù chẳng hề vay mượn
Không chỉ dừng lại ở việc quấy nhiễu cuộc sống thường nhật của những người không liên quan tới khoản vay nợ, bộ phận quản lý nợ của tổ chức tín dụng còn gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của những “người thân”, “bạn bè” của người vay nợ. Từ người thân, bạn bè của người vay nợ bỗng biến trở thành người vay nợ thông qua lời nói mập mờ, không rõ ràng của nhân viên bộ phận đòi nợ của tổ chức tín dụng.
Thời gian vừa qua, chiêu trò khủng bố đòi nợ qua điện thoại này đã làm không ít người cảm thấy phiền hà, thậm chí sống trong hoang mang sợ hãi bởi những hành vi uy hiếp, đe dọa bằng cả lời nói và vũ lực của nhóm đòi nợ thuê. Đây là một vấn đề nhức nhối làm cả dư luận xôn xao, bức xúc.
Theo luật sư Long Xuân Thi (Công ty TNHH Luật Bạch Long, Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra căn cứ pháp lý về hành vi nêu trên như sau: Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về Tội vu khống như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%”
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo luật sư, với hành vi bịa đặt và loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự các nạn nhân như nội dung nêu ở trên có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với tội vu khống, mức phạt tù tối đa lên tới 7 năm.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của việc “đòi nợ thuê”, ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Trong đó, kinh doanh dịch vụ đòi nợ được xếp vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo điểm h khoản 1 Điều 6.
Kể từ ngày luật này có hiệu lực (01/01/2021), các hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ chính thức bị cấm. Theo đó, các Hợp đồng dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 01/01/2021 sẽ chấm dứt kể từ khi Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực thi hành.
Khoản 5 Điều 77 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 quy định: Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện được chuyển sang nhóm ngành nghề cấm kinh doanh là minh chứng rõ ràng nhất về việc nhóm ngành nghề này có ảnh hưởng không tốt tới xã hội.
Việc yêu cầu người vay tiền trả nợ là hợp lý, chính đáng; nhưng dựa trên các hợp đồng vay của người vay và số tham chiếu có được từ những người vay nợ để làm phiền hà, gây hoang mang, bức xúc tới những người thân, bạn bè hoặc thậm chí những người không quen biết người vay đã tạo nên sự bất bình trong xã hội.
Vì vậy, để đảm bảo tính nghiêm minh trong xã hội, những tổ chức tín dụng cho vay tín chấp cần xác minh rõ hơn về thông tin cá nhân, số tham chiếu cũng như khả năng tài chính của những người vay nợ để tránh tình trạng "mất cả chì lẫn chài" và còn gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của những người khác.