Khủng hoảng người kế nhiệm ở doanh nghiệp Nhật Bản

Kim Huệ,
Chia sẻ

Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về người thừa kế tại các doanh nghiệp nhỏ.

Nhân khẩu học từ lâu đã đặt ra những thách thức to lớn đối với thực tế dân số đang già đi và thu hẹp nhanh chóng ở Nhật Bản. Hiện nhiều doanh nghiệp lâu đời ở nước này đã, đang và sẽ đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì không có người tiếp quản. Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, mỗi năm lại có thêm 40.000 công ty nhỏ đứng trước áp lực cần tìm người kế nhiệm.

Ông Kiyoshi Hashimoto đã sáng lập ra nhà máy gần 40 năm trước. Ở tuổi của ông, đáng lẽ ông nên được nghỉ hưu để an dưỡng tuổi già, nhưng điều này chưa được cho phép. Theo đó, đến bây giờ ông vẫn chưa tìm được người kế nghiệp hay doanh nghiệp nào mua lại xưởng sản xuất của ông. Mặc dù có tệp khách hàng trung thành, công ty đang lâm vào nguy cơ "phải đóng cửa" vì không có người điều hành.

Đây là vấn đề mà Chính phủ Nhật Bản cảnh báo có thể ảnh hưởng đến 1/3 số doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh nhỏ trong nước vào năm 2025, trong bối cảnh dân số suy giảm và già hóa.

Ông Kiyoshi Hashimoto, chủ nhà máy, 82 tuổi, nói: "Ở tuổi 82 nhưng tôi vẫn còn khỏe. Tôi sẵn sàng dạy bảo thế hệ trẻ, người sẵn sàng tiếp quản công việc kinh doanh. Nhưng một khi tôi bắt đầu yếu đi, tôi sẽ không thể làm việc được nữa, kể cả có cố gắng thế nào đi nữa"

Theo chuyên gia của công ty nghiên cứu Teikoku Databank, Nhật Bản đang đối mặt với "kỷ nguyên tuyệt hậu".

Báo cáo Chính phủ Nhật Bản năm 2019 ước tính, đến năm 2025, nước này có khoảng 1,27 triệu chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh nhỏ từ 70 tuổi trở lên không có người kế nghiệp. Xu hướng này có thể làm mất đi 6,5 triệu việc làm, giảm quy mô của nền kinh tế Nhật Bản khoảng 22.000 tỷ Yen (166 tỷ USD).

Đến năm 2029, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn, khi phần lớn ông chủ của những doanh nghiệp tại Nhật Bản thuộc thế hệ "baby boomers", những người sinh ra trong khoảng từ năm 1946 - 1964, sẽ chạm đến ngưỡng tuổi thọ trung bình 81, ngưỡng tuổi mà họ khó cống hiến thêm nữa cho công việc do sức khỏe yếu đi.

Ông Kiyoshi Hashimoto cho biết: "Máy móc thiết bị sẽ thành phế thải hết, nếu tôi đóng cửa bây giờ. Thật đáng tiếc quá. Nếu bạn hỏi tôi có chịu nổi hay không, tôi sẽ nói không có cách nào cả, phải chấp nhận sự thật".

Giống nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản thường được truyền lại cho người nhà hoặc nhân viên đáng tin cậy. Tuy nhiên, tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài khiến các doanh nghiệp nhỏ không còn hấp dẫn với thanh niên.

Những công ty ở vùng nông thôn còn khó khăn hơn bởi xu hướng thích sống ở thành phố của giới trẻ và giảm dân số ở nông thôn đang gia tăng. Ngoài ra, nhiều người Nhật lớn tuổi cho rằng việc bán lại doanh nghiệp cho người ngoài là điều đáng xấu hổ. Một số người lựa chọn thanh lý tài sản công ty hơn là tìm người mua lại.

Chính phủ Nhật đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích các chủ doanh nghiệp nhỏ bán lại công ty. Nhiều ngân hàng, công ty kế toán và các nhà tư vấn tài chính khác cũng chuyển hướng làm cầu nối giữa các chủ sở hữu công ty muốn chuyển giao công việc kinh doanh của mình với người bán tiềm năng.

Chia sẻ