Khủng hoảng nặng nề trong vụ nhét kim khâu vào dâu tây ở Úc
Thời gian gần đây, cư dân Úc xôn xao vấn đề kim khâu được nhét trong dâu tây Úc. Chiều 11-11 (theo giờ địa phương), cảnh sát nước này đã bắt giữ bà My Ut Trinh, một phụ nữ sinh sống ở bang Queensland, bà bị cáo buộc là một trong những người đứng sau sự việc này.
Khủng hoảng lan rộng trên khắp đất nước
Theo thông tin từ truyền thông Úc, bà My Ut Trinh, 50 tuổi, sinh sống tại thị trấn Caboolture, phía bắc bang Queensland, còn sử dụng một tên gọi khác là Judy.
Nghi phạm My Ut Trinh sẽ phải đối mặt với mức án tối đa 10 năm tù giam
Sau khi bị bắt giữ, bà My hiện đang phải đối mặt với mức án tối đa 10 năm tù giam với tội danh gây nhiễm độc thực phẩm. Sự việc bà nhét kim khâu vào dâu tây đã gây ra một cuộc khủng hoảng trên toàn nước Úc.
Giới chức Úc cho biết, nghi phạm My Ut Trinh từng làm công việc giám sát công nhân hái dâu tại trang trại Berry Licious/Berry Obsession, bang Queensland. Sau đó bà gặp vấn đề với chính những người chủ của mình và ấp ủ kế hoạch trả thù.
Có nhiều nhân chứng kể lại, bà Trinh từng nói với họ rằng bà muốn hạ bệ công việc kinh doanh của Berry Licious/Berry Obsession và khiến những người chủ cũ phá sản. Những điều này đã trở thành bằng chứng chống lại bà My Ut Trinh tại tòa án.
Các công tố viên cho hay kế hoạch phạm tội trên dường như được chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt nhiều tháng. Người ta cũng phát hiện ADN của bà Trinh trên cây kim trong một hộp dâu tây.
Chủ trang trại dâu tây Berry Licious/Berry Obsession, ông Kevin Tran, đã buộc phải tiêu hủy tổng cộng 40 tấn dâu, ước tính thiệt hại lên tới 500.000 USD.
Dù đã bắt được nghi phạm đứng sau, tuy nhiên cảnh sát Úc vẫn cho rằng vụ án này chưa thể khép lại dễ dàng như vậy.
Hôm 13-11-2018, Clare Bonser, chuyên viên trang điểm làm việc với đài truyền hình Úc ABC News Breakfast cho hay, cô tìm thấy một chiếc kim nhọn khi đang ăn lê. May mắn, người phụ nữ này đã không bị thương.
Cô Bonser kể lại: “Khi ấy, tôi đang ăn lê và may mắn để ý thấy có vật gì đó bên trong trái lê này. Tôi đặt nó xuống và phát hiện ra đó là một chiếc kim khâu. Thật đáng sợ”.
Theo lời Clare Bonser, cô đã mua trái lê đó tại siêu thị Woolworths, phía đông nam thành phố Melbourne. Đại diện siêu thị Woolworths cho biết đang điều tra vụ việc sau khi được thông báo.
Sự việc này lại một lần nữa khiến giới chức Úc đau đầu khi cuộc khủng hoảng đã lan từ dâu tây sang cả những mặt hàng nông sản khác. Điều này gây bất lợi vô cùng lớn tới ngành trồng trọt tại đất nước này.
Hiệp hội trồng dâu Queensland (QSGA) cho biết họ hoan nghênh việc cảnh sát bắt giữ và xét xử nghi phạm My Ut Trinh, nhưng kêu gọi tiếp tục điều tra để bắt thêm những kẻ khác hùa theo bà Trinh gây ảnh hưởng nặng tới ngành công nghiệp dâu tây.
Theo CNN, bà Trinh chỉ liên quan đến 6-7 hộp dâu tây tại trang trại Berry Licious/Berry Obsession ở phía Đông Nam bang Queensland, các vụ việc khác hiện vẫn chưa rõ thủ phạm.
Vụ bê bối trên được phát hiện từ hôm 9-9-2018, sau khi một người tiêu dùng tại bang Queensland phải nhập viện vì đau bụng sau khi ăn dâu tây của hãng Berry Licious/Berry Obsession. Nghi phạm My Ut Trinh sẽ phải ra hầu tòa vào cuối tháng 11 này, đó cũng là lúc bà nhận mức án chính thức cho hành vi phá hoại của mình.
Thiệt hại nặng nề
Ngành công nghiệp dâu tây lớn tại Úc trị giá tới 116 triệu USD đã bị chấn động mạnh từ hồi tháng 9 vừa qua, với gần 200 lời phàn nàn đến từ người tiêu dùng khi phát hiện kim khâu được nhét vào trong mỗi quả dâu.
Những hộp dâu tây chứa kim khâu khiến nhiều người hoang mang
Vụ khủng hoảng trên đã lan ra khắp 6 tiểu bang của Úc, thậm chí người ta còn tìm thấy kim khâu trong một số loại trái cây khác. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng bang Queensland buộc phải khuyến cáo người dân cắt nhỏ trái dâu trước khi ăn để đảm bảo an toàn.
Không chỉ trong nội địa Úc, tại New Zealand, người ta cũng phát hiện kim khâu được nhét vào trong hộp dâu tây nhập khẩu. Chuỗi siêu thị lớn Countdown (New Zealand) đã phải rút một thương hiệu dâu tây của Úc khỏi kệ hàng sau khi sự việc trên được phát giác.
Nạn nhân thật sự trong sự việc này không ai khác chính là những người nông dân trồng dâu tây. Tuy vậy, ở một mức độ nào đó, những người trồng và xuất khẩu các loại trái cây khác của Úc cũng đang bị ảnh hưởng nặng bởi những thông tin trên. Những người nông dân đổ lỗi 1 phần do truyền thông đã làm lan rộng vụ bê bối.
Các siêu thị lớn tại Úc cũng gặp khủng hoảng tương tự khi người tiêu dùng quay lưng lại với các mặt hàng trái cây. Điều này đã khiến nhiều trang trại nông sản tại Úc có nguy cơ bị phá sản khi lượng tiêu thụ giảm mạnh.
Chính quyền bang đã phải dùng ngân sách 1,5 triệu AUD (đôla Úc) để hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, họ còn tổ chức chiến dịch truyền thông trên diện rộng, kêu gọi người tiêu dùng hãy ủng hộ nông dân bằng cách tiếp tục mua hàng thay vì quay lưng lại với họ.