Không thể bỏ qua 6 món ăn đình đám được chị em tag và share chóng mặt trong tuần qua

Tổng hợp,
Chia sẻ

Cùng điểm danh các món ăn ngon đẹp mắt được chia sẻ nhiều nhất trong tuần qua nhé!

Cuối tuần đãi cả nhà món gỏi cuốn tôm thịt vừa đẹp vừa ngon mê ly – 2000 lượt yêu thích

Facebook tác giả: BossMan Bui

Group: Hội nấu ăn vì đam mê

Trong ẩm thực Việt, có lẽ chẳng món ăn nào "dễ chịu" như gỏi cuốn. Dùng làm thức ăn nhẹ cũng được, mà ăn no căng bụng cũng không ngấy!

Không thể bỏ qua 6 món ăn đình đám được chị em phát cuồng tuần qua - Ảnh 1.

Gỏi cuốn tôm thịt thanh nhẹ - món ngon mùa hè được yêu thích

Cắn một miếng gỏi cuốn, cảm nhận vị dai của bánh tráng, vị béo đậm đà của thịt ba rọi trộn lẫn vị ngọt của tôm luộc, thêm một chút mặn mà của nước chấm, cái mát lạnh, cay nồng nơi đầu lưỡi của rau sống tạo thành một bản hợp tấu làm dậy lên các cung bậc vị giác.

Bánh trung thu tông đen – nhũ vàng sang chảnh hết nấc – 1100 lượt yêu thích, 14 lượt chia sẻ

Facebook tác giả: Lê Minh Kiều Duy

Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh

Bánh trung thu hiện đại là kết tinh, cải biến, vượt lên trên bánh trung thu truyền thống, từ màu sắc của vỏ bánh đến cách trang trí bánh đầy tinh tế, nghệ thuật.

Không thể bỏ qua 6 món ăn đình đám được chị em phát cuồng tuần qua - Ảnh 2.

Bánh trung thu tông đen – nhũ vàng vừa nghệ thuật vừa sang chảnh hết nấc.

Một số lưu ý khi làm bánh trung thu tông đen – nhũ vàng như sau:

Tỷ lệ 2g bột than tre/ 1 công thức vỏ bánh 160g.

Dùng bột màu nhũ trộn với ít nước đường cho đặc đặc rồi dùng cọ phết lên bánh.

Nướng bánh lần 1 xong rồi đợi bánh nguội, quét nhũ lên hình nổi trang trí rồi mang bánh đi nướng lần 2.

Làm bánh dẻo, bánh nướng ngon đẹp chưa từng thấy theo cách thật dễ dàng – 1100 lượt yêu thích

Facebook tác giả: Le Thuy

Group: Hội nấu ăn vì đam mê

Bánh trung thu với hai loại bánh truyền thống là bánh dẻo và bánh nướng không cầu kỳ mà cũng chẳng cần bạn khéo tay. Với cách làm dưới đây bạn sẽ có được những chiếc bánh tuyệt ngon cho mùa trung thu năm nay đấy!

Không thể bỏ qua 6 món ăn đình đám được chị em phát cuồng tuần qua - Ảnh 3.

Đẹp lung linh, ngon ngất ngây bánh trung thu handmade cho mùa trung thu năm nay.

Cách làm hai loại bánh nướng – bánh dẻo như sau:

Công thức bánh dẻo:

Nguyên liệu:

150g nước đường bánh dẻo, 70g bột bánh dẻo Bắc, 4g dầu ăn, ít nước hoa bưởi

Cách làm:

Cho tất cả nguyên liệu trừ bột bánh dẻo vào âu, dùng phới lồng quấy đều sau đó cho bột bánh dẻo vào từng ít một quấy đều tay. Khi nào bột trong lấy tay nhồi đến khi bột không dính tay nữa thì chia bột ra cho nhân vào đóng bánh. Tỉ lệ bột nhân là 2:1.

Công thức bánh nướng:

Nguyên liệu:

240g bột mì Hoa Ngọc Lan, 160g nước đường bánh nướng, 30g dầu ăn, 1 lòng đỏ trứng, ít baking soda.

Cách làm:

Cho tất cả nguyên liệu trên trừ bột vào âu, rửa sạch tay dùng tay trộn đều sau đó cho từng ít bột vào âu. Trộn bột cho đều, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín để bột nghỉ 30 phút, sau 30 phút lấy ra chia bột và đóng bánh, tỉ lệ bột nhân là 1:2.

Bánh ít trần nhân tôm thịt – mộc mạc nét quê – 486 lượt yêu thích

Facebook tác giả: Trang Nguyen

Group: Bếp Việt xa xứ

Bánh ít trần là món quà vặt giản dị và ngon miệng của người dân miền Trung. Bánh có đôi phần giống như bánh nếp của người miền Bắc, nhân đậu xanh kết hợp với thịt lợn, mộc nhĩ và hạt tiêu được bao bọc bởi một lớp vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo dai. Khi ăn bánh ít trần bạn hãy nhớ dùng kèm với một bát nước mắm chấm thật cay vị ớt để cảm nhận rõ nét vị ngon độc đáo của món bánh từ miền Trung này nhé!

Không thể bỏ qua 6 món ăn đình đám được chị em phát cuồng tuần qua - Ảnh 4.

Bánh ít trần là món quà vặt giản dị và ngon miệng của người dân miền Trung.

Cách làm bánh ít trần chi tiết như sau:

Nguyên liệu:

300gr bột nếp Nhật  

 50gr bột gạo 

 1 lon nước cốt dừa 

250ml  

 70ml nước ấm  

 50ml sữa tươi 

 120gr đậu xanh không vỏ  

 150gr tôm băm nhuyễn vừa  

 150gr thịt heo (xay với ít mỡ cho ngon)  

 4 cái mộc nhĩ ngâm nở, cắt nhỏ  

 2 củ hành tím băm nhuyễn vừa 

 Tôm khô 100g ngâm nước nóng cho nở mềm  

 Hành lá 1 ít cắt nhỏ

Gia vị: 3g muối, 5ml nước mắm ngon, 5g hạt nêm rong biển, 5g đường, 2g tiêu xay, 2 muỗng cà phê dầu hào.

Cách làm:  

 Thịt, tôm băm nhuyễn vừa.

Mộc nhĩ ngâm nước sôi cho nở, xả sạch cắt nhuyễn vừa. Tôm khô ngâm mềm xong vớt ra để ráo xay nhuyễn, chia ra làm 2 phần trộn chung với thịt. Phần còn lại làm tôm chấy: Bắc chảo nóng bỏ tôm lên rang khô vừa cho 2 muỗng cà phê màu điều, chút đường và muối nêm vừa ăn, rang khô vừa để nguội.

Đậu xanh vo sạch, nấu chín cùng một ít muối. Nuớc nấu đậu không đổ quá nhiều chỉ đổ xâm xấp mặt đậu. Khi đậu chín thì tán nhuyễn.

Bắc chảo cho chút dầu bỏ hành vào phi thơm, tiếp theo cho thịt vào xào chín rồi cho tôm vào, khi tôm chín thì tiếp tục cho nấm mèo, tôm khô, đậu xanh đã tán nguyễn vào xào chung. Bỏ hết gia vị vào nêm nếm mặn, ngọt vừa miệng mỗi gia đình. Đợi hỗn hợp vừa xào trên hơi nguội thì dùng tay vo lại những viên tròn vừa ăn.

Cho bột nếp và bột gạo vào thau trộn đều.

Cho 250ml nước cốt dừa + 50ml sữa tươi + 70ml nước lọc + 1/2 muỗng cà phê muối + 1 muỗng ăn phở dầu ăn bắc lên bếp nấu cho nước vừa ấm, đổ từ từ hỗn hợp nước vừa nấu vào bột, trộn và nhồi bột cho mịn đều. Bọc bột lại để bột nghỉ thêm 15 phút.

Sau 15 phút nhồi bột lại lần nữa và chia ra từng cục bột nhỏ, ấn dẹt miếng bột ra lòng bàn tay và cho viên nhân vào vo tròn như nấu chè trôi nước.

Bắc 1 nồi nước lên bếp, khi nước sôi cho bánh vào luộc. Luộc khoảng 10 phút hoặc 15 phút tuỳ bánh lớn nhỏ, bánh chín là bánh sẽ nổi lên mặt nước. Khi bánh chín vớt bánh ra cho vào thau nước lạnh, sau đó vớt bánh ra để ráo.

Hành lá cắt nhỏ, dầu hơi nóng cho vào chén hành rồi trộn đều, cho tí muối và chút xíu đường cho mỡ hành đậm vị.

Trình bày:

Bày bánh ít trần ra đĩa lót lá chuối, rắc mỡ hành và rắc tôm chấy lên trên, ăn cùng nước mắm chua ngọt.

Chú ý: Mỗi loại bột ở mỗi nước khác nhau nên khi làm bạn nên đổ từ từ nước vào nhồi bột thấy bột mịn màng, nặn bánh không bị nhão là được nhé!

Đây là cách tự làm long nhãn ngon – bổ - rẻ ai cũng nên biết – 428 lượt yêu thích, 1 lượt chia sẻ

Facebook tác giả: Hai Yen Duong

Group: Chuyện của bếp

Long nhãn có vị ngọt, thơm mát, chứa nhiều chất dinh dưỡng và cũng là một vị thuốc. Theo Đông y, long nhãn có tác dụng làm tăng trí nhớ, giúp thêm tuổi thọ. Khi chế biến các món ăn từ long nhãn sẽ tạo nên những bài thuốc không chỉ ăn ngon mà còn có công dụng chữa bệnh.

Không thể bỏ qua 6 món ăn đình đám được chị em phát cuồng tuần qua - Ảnh 5.

Long nhãn tự làm vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh an toàn ai mà không thích.

Cùng học theo cách làm long nhãn dưới đây nhé:

Chuẩn bị:

Đầu tiên là khâu chọn nhãn. Theo như mình đã làm thì nên chọn nhãn quê, giống cũ quả nhỏ vừa phải, vỏ mỏng, cùi dày, róc hạt sẽ cho ra thành phẩm ăn thơm đậm mùi nhãn mà khi sấy cũng nhanh hơn. Các bạn chọn mua nhãn đều quả để đảm bảo khi sấy nhãn khô đều nhau. Rửa qua nhãn cho hết bụi bẩn, để ráo rồi bóc vỏ, tách hạt nhãn. (Có rất nhiều cách các bạn tham khảo trên YouTube có nhiều video hướng dẫn nhé!)

Rửa lại cùi nhãn bằng nước đun sôi để nguội cho hết đường, để ráo nước xếp nhẹ nhàng vào khay để sấy khô.

Sấy nhãn:

Cách 1: Phơi nắng hong khô tự nhiên 

 Nếu các bạn không có lò sấy, hong khô tự nhiên bằng cách phơi nắng thì sẽ lâu hơn (như mình làm phơi khoảng 3 - 4 nắng, ngày ngày chăm chỉ canh nắng mang ra mang vào). Trong ngày, chọn lúc nắng to nhất thì các bạn hãy phơi ra nhé, như thế sẽ tránh được ruồi hoặc ong, bọ xít, côn trùng... Chiều tối tắt nắng các bạn mang vào phòng điều hoà, chỗ cao ráo, thoáng mát, hoặc hong trước quạt. Hôm sau lại mang nhãn đi tắm nắng thì độ 3 - 4 ngày là nhãn khô, lên màu đẹp. Bạn nào cẩn thận có thể lấy thêm 1 miếng khăn xô hoặc vải màn để che lên phơi tránh bụi, côn trùng.

Cách 2: Sấy lò 

 Xếp nhãn vào khay đều nhau, quay đầu cùi lên trên. Bật lò 100 độ, sấy khoảng từ 3 - 4 tiếng (bước này giúp nhãn định hình thành phẩm đẹp). Chuyển nhãn từ khay lúc đầu sang khay khác, sấy tiếp ở nhiệt độ tầm 80 - 90 độ. Sấy khoảng 4 - 6 tiếng (khâu này các bạn lưu ý đảo nhãn, sang khay, đảo khay để cho nhãn nhanh khô thoát hết hơi ẩm trong cùi nhãn, long nhãn bảo quản đc lâu hơn).  Lúc này thì cùi nhãn cũng gần khô rồi, bóp thấy vẫn hơi dẻo, dính. Các bạn bật lò thấp xuống 60 - 70 độ thôi, sấy cho nhãn khô từ từ trong khoảng 3 – 4 tiếng nữa là xong.

Thành phẩm ăn dẻo, thơm, ngọt đậm dùng để: chưng yến, nấu chè, hầm canh... hoặc bạn nào hảo ngọt thì bỏ lọ thỉnh thoảng ăn kèm với nước chè nhài thì chuẩn vị. Món này ngon, làm quà tặng người thân, bạn bè cũng thích nhé!

Bảo quản: Khi long nhãn đã đạt độ khô cả trong lẫn ngoài, các bạn bỏ lọ thuỷ tinh sạch, đậy kín khi nào ăn bỏ ra dùng nhé!

Mách bạn cách làm bánh hồng – đặc sản Bình Định chuẩn vị, ăn mãi không ngán – 364 lượt yêu thích

Facebook tác giả: Vo Truc Quynh

Group: Chia sẻ nấu ăn và trồng rau

Bánh hồng Tam Quan là món bánh trứ danh của vùng đất Bình Định, rất phổ biến trong các dịp lễ tiệc, đặc biệt là lễ cưới. Bánh được làm từ nếp thơm loại ngon, đường và dừa, khi ăn có cảm giác mềm dẻo, hương vị thơm bởi nếp mới và ngọt ngào bởi nước dừa.

Không thể bỏ qua 6 món ăn đình đám được chị em phát cuồng tuần qua - Ảnh 6.

Bánh hồng dung dị nhưng ngon khó cưỡng.

 Công thức làm bánh hồng như sau:

Nguyên liệu:

1kg gạo nếp 

 700g dừa nạo sợi 

 1kg đường 

 200g bột năng

Cách làm: Gạo nếp chọn loại nếp càng dẻo càng ngon ngâm qua đêm, sau đó xay thành bột rồi cho vào cái túi vải lọc cho ráo nước.

Dừa nạo ướp với 300g đường rồi xào cho khô dẻo, sợi dừa trong là được.

Bột năng đem rang chín với vài cọng lá dứa cho thơm.

Cho 1 cái chảo lên bếp cho thêm 1200ml nước và 700g đường nấu cho đường tan hết thì nặn bột thành từng miếng mỏng thả vào. Bột thả vào hết thì dùng thìa dằm bột ra cho nhuyễn mịn, sên cho bột đến khi nào bột không còn dính chảo thì cho dừa vào sên tiếp 10 phút nữa. Tiếp theo, dùng 2 cái thìa lấy bột ra khỏi chảo rồi tiếp tục hơ trên lửa nhỏ 5 phút nữa cho bột khô và không bị nhão, vừa hơ vừa kéo như kéo kẹo kéo để bột khô đều. Sau đó cho bột ra khuôn có rắc ít bột năng, rắc thêm ít bột lên mặt nữa rồi dàn đều bột ra chờ nguội, cắt miếng vừa ăn. Nếu thích màu thì cho màu tùy thích, bánh này để qua hôm sau ăn sẽ ngon hơn nhé!

Chia sẻ