Không liên quan đến các phương pháp giáo dục, muốn con hạnh phúc, người mẹ trước tiên phải làm được điều này
Nhiều người mẹ quên mất bản thân, dành hết tình yêu thương cho con cái, nhưng không phải bao giờ cũng nhận được sự thấu hiểu và kết quả như mong muốn.
Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh ở Trung Quốc, người mẹ nọ tạm gọi là A. đã kể lại câu chuyện làm dấy lên cuộc tranh luận. Chị kể, một lần đi đón con gái tan học, tình cờ gặp vị phụ huynh gần nhà, tạm gọi là B. nên tranh thủ trò chuyện.
"Con không ngoan ngoãn chút nào, học kém, hay cãi lại, không chịu cho mẹ đi họp phụ huynh..." - đó là những điều chị B. chia sẻ. Trong khi, trong mắt bạn học cùng lớp, con trai chị B. tuy hơi thiếu tập trung nhưng rất nhiệt tình và hiểu biết.
Chị B. có một gia đình bề thế, nhưng từ bỏ sự nghiệp của mình để chăm sóc con cái tốt hơn. Chị còn không trang điểm, nước da sạm đen, ăn mặc xuề xòa, ngày nào cũng chạy đua với thời gian để phục vụ chồng con. Thậm chí đôi khi đến đón con, chị còn vội đến mức khoác mỗi bộ đồ ngủ khiến con xấu hổ.
"Cô ấy là một người mẹ tốt, nhưng lại quên mất rằng ngoài vai trò làm mẹ, cô còn từng là một người yêu đời, thích du lịch, biết múa hát, dịu dàng và đáng yêu. Một phụ nữ đầy ước mơ với đôi mắt sáng. Đặt hết mọi kỳ vọng vào con cái, gia đình, đến khi không nhận lại kết quả như mong muốn khiến cô trở nên bực bội, đầy năng lượng tiêu cực", chị A. chốt lại vấn đề.
Hầu hết phụ nữ sau khi có con, cuộc sống của họ chỉ xoay quanh những vấn đề của gia đình. Con có phát triển tốt không? Học hành có tiến bộ không? Nhà cửa có gọn gàng, ngăn nắp hay ti tỉ vấn đề khác liên quan đến chồng, thậm chí cả cha mẹ chồng... Tuy nhiên, trong vòng tròn quan tâm ấy, thông thường thiếu vắng chính bản thân họ.
Những người mẹ đã quên mình dành hết tình yêu thương cho con cái, nhưng không phải bao giờ cũng nhận được sự thấu hiểu và kết quả như mong muốn. Họ cảm thấy đau khổ và kiệt sức. Đáng sợ hơn nữa là trong mắt chồng con, họ dần trở thành một người bực dọc, suốt ngày thích kiểm soát.
Có một điều đơn giản mà nhiều phụ nữ bỏ qua. Đó chính là phụ nữ chỉ có thể dành cho con mình tình yêu thương tốt nhất nếu bản thân họ, trước tiên, thỏa mãn được nhu cầu yêu thương chính mình. Chăm con không có nghĩa là từ bỏ nhu cầu của bản thân.
Người mẹ nên yêu thương bản thân như thế nào?
Tại nước ngoài có một câu ngạn ngữ nổi tiếng nhà nhà đều biết là: "Happy wife happy life", nghĩa là "Vợ vui lòng, cuộc sống vui vẻ". Nếu để ý bạn sẽ thấy, ở những gia đình mà người phụ nữ hạnh phúc, con cái thường cũng rất hạnh phúc vui vẻ. Một đứa trẻ vui vẻ hạnh phúc thì đó chính là nền tảng tuyệt vời cho sự phát triển cả về thể lực cũng như tâm trí.
Tiểu Dung (Trung Quốc) là một bà mẹ hai con. Cô nghỉ việc ở nhà, toàn tâm lo cho con cái. Mặc dù tài chính của gia đình do chồng đảm nhiệm, nhưng Tiểu Dung không ngừng trau dồi kiến thức. Ngoài thời gian chăm con, chị còn tự học thêm một số khóa học như: Khóa học làm cha mẹ, khóa học tâm lý… Bởi vì cô quan niệm, chăm sóc một đứa trẻ không chỉ là nuôi dạy nó khôn lớn mà còn là giáo dục con trở thành một người tử tế.
Bước đầu tiên của một nền giáo dục tốt là cha mẹ. Cha mẹ giàu kiến thức có thể xây dựng một tương lai đáng tin cậy cho con cái họ. Và quá trình học tập này không chỉ có thể giúp cho bộ não linh hoạt mà còn có ý nghĩa đối với việc duy trì hạnh phúc cả gia đình.
Sự rực rỡ mà người phụ nữ tỏa ra cũng chiếu sáng cho những người khác. Con cái cũng nhờ đó mà phát triển tích cực. "Một người vợ hạnh phúc hơn cả trăm cuốn sách giáo dục trẻ" là vì vậy.
Người mẹ nên yêu thương bản thân ra sao?
1. Học cách thể hiện nhu cầu và quản lý cảm xúc của mình một cách hợp lý, thay cho những lời buộc tội và phàn nàn. Nhờ vậy, bạn có thể trở thành một người mẹ mẫu mực, ổn định về mặt cảm xúc và lạc quan.
2. Học cách buông tay và cho mình chút không gian. Buông bỏ công việc gia đình một cách phù hợp, chấp nhận sự không hoàn hảo và hãy để những thành viên trong gia đình quản lý công việc theo cách họ muốn. Dành không gian của riêng bạn, sắp xếp đi làm đẹp, tiệc tùng, tập thể dục, du lịch, làm cho cuộc sống trở nên phong phú.
3. Học cách lạc quan và phát triển sở thích. Tìm những thứ quan tâm, nuôi dưỡng sở thích của bản thân, chẳng hạn như âm nhạc, đọc sách, viết lách, cắm hoa, vẽ tranh, yoga, v.v.
4. Đừng đòi hỏi từ người khác mà hãy thỉnh thoảng tự thưởng cho mình: Tiết kiệm được xem là một phương cách tốt để bảo đảm cho tương lai, tuy nhiên cũng đừng để việc tiết kiệm trở thành thứ kiểm soát và "chèn ép" những sở thích cá nhân. Thỉnh thoảng hãy tự thưởng cho mình những món quà, thay vì chờ đợi người khác rồi thất vọng, bực bội.