Không GPA trên 9, không học chuyên, không giải thưởng, lại... "quá già", nữ sinh Hà Nội vẫn "ẵm" trọn học bổng toàn phần danh giá
Với profile tự đánh giá là "vô cùng bình thường", nữ sinh Hà Nội vẫn đạt được Học bổng Chính phủ Hàn Quốc (GKS-U) cho Hệ Đại học, ẵm về một học bổng đài thọ cho bản thân từ A tới Z.
Khi nghe đến "đỗ học bổng toàn phần", nhiều bạn sẽ nghĩ đến những điểm số siêu to khổng lồ, giải thưởng thành tích khủng khiếp, hay những hoạt động ngoại khóa hoành tráng. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp như của Trần Vũ Minh Tâm - Trường THPT Chu Văn An lại có profile tự đánh giá là "khá bình thường".
Tâm không GPA trên 9, không học chuyên, không giải thưởng, không đi qua trung tâm, "quá già", cô vẫn chinh phục được Học bổng Chính phủ Hàn Quốc (GKS-U) cho Hệ Đại học, ẵm về một học bổng đài thọ cho bản thân từ A tới Z (gồm tiền vé máy bay, học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm…). Minh Tâm trở thành tân sinh viên ngành Truyền thông (Media & Communication) của Trường Đại học Nữ Ewha (Ewha Womans University) - trường đại học dành riêng cho Nữ giới lớn nhất Hàn Quốc và thế giới.
Cụ thể, Minh Tâm có tổng GPA 3 năm học cấp 3: 8.8. Trong đó môn Toán còn khá "nát", với 2 kỳ dưới 7.0, 3 kỳ dưới 8.0 và có đúng 1 kỳ được 8.0 tròn trĩnh.
"Mình học trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Dù là ngôi trường chuyên chuẩn trọng điểm quốc gia khu vực phía Bắc (đã lược bớt ⅔ cái tên còn lại) nổi tiếng, song học bạ của mình khi đem đi dịch thuật công chứng thì lại chỉ ghi là "Chu Van An High School", thành ra sang quốc tế không được "hưởng tiếng thơm" là chuyên, là chọn như những bạn khác. Và lớp cấp 3 của mình cũng chỉ là lớp ban D, chứ không phải chuyên, nên học bạ của mình cũng được coi như giống với các bạn học những trường không chuyên khác.
Trừ một giải khuyến khích thi học sinh giỏi cấp cụm và một giải cũng khuyến khích một cuộc thi làm báo ảnh, mình hoàn toàn không có một giải thưởng về học thuật hay hoạt động ngoại khóa nào khác. Mình sinh năm 2000. Vào thời điểm apply, bạn bè của mình đã bước vào năm cuối đại học. Cũng có người hỏi mình là "già thế rồi sao còn apply hệ đại học mà không đợi tốt nghiệp rồi học thạc sĩ", hay có người nói thẳng rằng "già quá rồi không đỗ được đâu", nữ sinh Hà Nội chia sẻ.
Với background như vậy, đứng trước Chương trình học bổng toàn phần Hàn Quốc hot nhất cùng tỉ lệ cạnh tranh vô cùng cao, Tâm đã gạt bỏ tự ti, trang bị cho bộ hồ sơ của bản thân những điều cần thiết để có thể trở thành người được Chính phủ nước bạn "chọn mặt gửi vàng" mà tài trợ 1 tỷ 6 ~ 1 tỷ 8 cho 4 năm học, chỉ trong lần apply đầu tiên.
1. Một bài luận thật độc đáo
"Bài luận" cho HBCP Hàn Quốc thật ra chỉ là một bài giới thiệu bản thân với độ dài tối đa 2 trang A4 - đây sẽ là cái tạo được ấn tượng ban đầu với hội đồng tuyển chọn. Cùng là muốn học truyền thông, nhưng, giả sử nhé, người muốn học truyền thông để đóng góp vào công tác tuyên truyền giúp cho cộng đồng có được một cái nhìn cụ thể hơn về một vấn đề xã hội thì chắc chắn sẽ gây được ấn tượng hơn là với chục bạn viết rằng "em muốn học truyền thông để trở thành một nhà sáng tạo nội dung, em sẽ nổi tiếng, sẽ thành KOL, sẽ thành influencer" rồi.
"Bài luận độc đáo không cứ phải là những dòng đầy những từ vựng đao to búa lớn đầy học thuật mức C1 C2, cũng chẳng nhất thiết là bản liệt kê những thành tích đồ sộ những các cột mốc vĩ đại trong cuộc đời mười mấy hai mươi mấy năm. Mình quan niệm rằng cái khác biệt của bài luận giới thiệu bản thân ở mỗi người nằm ở việc họ nhìn bản thân họ như thế nào; họ thấy gì ở quá khứ, hiện tại và tương lai của họ.
Bài luận chính là sân chơi của mình, vì không ai gò nội dung của nó vào một cái khuôn nhất định. Hội đồng tuyển sinh sẽ lựa chọn ứng viên mà họ cảm nhận được qua bài luận của người ấy sự khác biệt trong quyết tâm. Và động lực apply học bổng, những thành tựu đạt được trong học tập và ngoại khóa, những kỹ năng mềm có được…, tất cả những điều này, cũng sẽ cần một sự độc đáo, để một ứng viên có thể nổi bật trong hàng trăm, hàng nghìn thí sinh khác", Tâm chia sẻ.
2. Một study plan thật kĩ càng và khoa học
Theo Tâm, study plan chính là công cụ để hội đồng tuyển sinh xác định xem bạn có thật sự hiểu rằng ngành mình chọn, trường mình chọn phải học những cái gì, làm những cái gì, mục tiêu đầu ra như thế nào.
Một study plan - kế hoạch học tập được xây dựng thật kĩ càng và khoa học (dựa trên những tìm hiểu của bản thân về chương trình học của trường định apply nữa thì càng tốt) sẽ giúp mình hiện lên trong mắt hội đồng tuyển chọn học bổng là một con người biết bản thân đang và sẽ làm gì, và đã tìm hiểu đủ kĩ về những gì bản thân sắp đón nhận.
3. Thư giới thiệu cũng rất quan trọng
Người giới thiệu bạn cho chương trình học bổng không nhất thiết phải là một tiến sĩ, một giáo sư nổi tiếng và được nhiều người biết tới, mà đó có thể là giáo viên chủ nhiệm của bạn, một giáo viên bộ môn, một người sếp, một người hướng dẫn, hoặc bất kỳ ai, miễn rằng người đó đã từng tiếp xúc với bạn đủ lâu để hiểu và nắm được academic performance của bạn, những khả năng liên quan tới chuyên ngành mà bạn có được, những ưu - nhược điểm của bạn, cách bạn tương tác với những người xung quanh trong môi trường giáo dục,... Những điều đã liệt kê trên kia cũng là nội dung của bức thư giới thiệu mà Tâm có được từ cô chủ nhiệm cấp 3.
Đối với một số bạn, thật không dễ dàng để có thể xin được một bức thư giới thiệu. Bạn nên tự viết cho bản thân một lá thư giới thiệu, rồi sau đó cho recommender của mình biết về nội dung thư (có thể nhờ một người thứ 3 cùng biết ngôn ngữ được viết trong thư để kiểm tra lại) và xin một chữ ký vào đó.
4. Hoạt động ngoại khóa (HĐNK) và kinh nghiệm làm việc
Các HĐNK cùng với kinh nghiệm làm việc liên quan tới chuyên ngành cũng là một yếu tố rất quan trọng trong bộ hồ sơ apply HBCP Hàn Quốc của Tâm. Tâm chia những HĐNK mà bản thân có được thành 3 nhóm.
Nhóm liên quan tới chuyên ngành: Tâm đã từng có 3 hay 4 lần tham gia những dự án và sự kiện với tư cách là một thành viên của ban Truyền thông/Media/PR, tự học hành mày mò cách sử dụng máy ảnh, biên tập video, chỉnh sửa ảnh, nghĩ nội dung cho các sản phẩm truyền thông.
Ngoài ra, cô cũng đã có thời gian làm part-time dịch Việt - Hàn cho một công ty truyền thông. Việc có kinh nghiệm hoạt động dự án hay làm việc liên quan tới chuyên ngành sắp học sẽ cho các bạn có một khả năng cạnh tranh nhất định, bởi chắc chắn tổ chức cấp học bổng và trường sẽ ưu ái người đã từng tiếp xúc với chuyên ngành hơn một "tấm chiếu mới" rồi.
Nhóm liên quan tới Hàn Quốc: Những hoạt động ngoại khóa liên quan tới Hàn Quốc đã giúp hội đồng tuyển sinh thấy được sự quan tâm của Tâm đối với quốc gia này. Tâm từng có một lần đi trao đổi văn hóa - giáo dục tại Hàn Quốc, được đến thăm hai trường cấp 3 và một trường đại học ở bên đấy. Các hoạt động này sẽ giúp hội đồng tuyển sinh cảm nhận được ứng viên trước mắt thật sự có hiểu biết về Tổ quốc của họ, thật sự muốn học tập, sinh sống (ít nhất là trong 4 năm) tại đất nước của họ.
Nhóm liên quan đến "nhân văn": Bản thân Tâm quan niệm rằng "chất" hơn "lượng" - thà tham gia 1 hoạt động rồi học được 5 điều, còn hơn lấy tràn lan cho cố 1-2 chục cái certificate xong đến lúc bị hỏi rằng "Vậy em đã bồi dưỡng cho bản thân được những điều gì thông qua các hoạt động này?" thì lại chẳng trả lời được.
5. Chứng chỉ ngoại ngữ
Tâm có TOPIK 6 (cấp cao nhất trong bài thi đánh giá năng lực tiếng Hàn) và IELTS 7.5.Tâm đã viết trong bài luận của bản thân rằng:
(1) Chứng chỉ ngoại ngữ là cái để mình bù vào những thiếu sót trong background về học thuật của bản thân, và (2) Với 2 chứng chỉ này, cùng với những gì mình đã tiếp thu được trong quá trình học tiếng Anh và Hàn, mình có thể cho thấy được khả năng sống sót của bản thân trong môi trường học tập và sinh sống tại nước ngoài, đặc biệt là về khía cạnh học thuật.
6. Thể hiện thật tốt khi phỏng vấn
Bản thân là người hướng nội, cho nên phỏng vấn đối với Tâm cũng là một cực hình, và cô còn phải trải qua "nỗi khổ" đó tới 3 lần (1 với đại sứ quán và 2 lần với 2 trường khác). Nhưng cô cũng không vì thế mà để bản thân thể hiện kém.
"Mình cố gắng chuẩn bị phỏng vấn từ sớm để có được một phong thái tự tin nhất, và nếu có bị hỏi những câu không trong dự tính thì cũng cố gắng không bị hoảng loạn quá lâu. Và mình cũng có một lời khuyên nho nhỏ khi phỏng vấn, đó chính là bạn vừa cần bám sát vào những gì bạn đã khắc họa lên về bản thân ở trong bài luận, nhưng cũng vừa phải chấm phá đôi nét mới mẻ để cho interviewer đỡ chán, đỡ nghĩ rằng "chỉ có thế thôi sao?".
7. Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất là "hành trang" về tâm lý.
"Trong quá trình apply, mình đã vô tình "được" nghe rất rất nhiều tin đồn về HBCP Hàn Quốc. Rằng ai đỗ cũng GPA trên 9, rằng có người có giải quốc gia, rằng trường không chuyên lớp không chọn thì "không có cửa", rằng phải bỏ ra một số tiền kha khá "đi trung tâm" để có được một bộ hồ sơ đẹp nhất.
Nhưng mình, và chắc hẳn cũng đã, rồi sẽ có rất nhiều bạn khác nữa, ở đây để chứng minh rằng điều này hoàn toàn không phải sự thật. Mình đã không có GPA trên 9, không có giải thưởng hoành tráng, không phải lớp chọn, điều kiện tài chính của gia đình cũng không quá tốt để có thể tìm trung tâm giúp mình chuẩn bị hồ sơ.
Nhưng cuối cùng thì, mình vẫn đã đến được Hàn Quốc trên một chuyến bay mà bản thân không phải chi trả, chuẩn bị bước vào kỳ học đầu tiên với ngành mình yêu và ngôi trường mình thích, cùng với chiếc visa với phần ghi chú mang chữ "chính phủ tài trợ"", Minh Tâm chia sẻ thêm.