Không gian nhếch nhác trong khu phố cổ duy nhất của Sài Gòn

Hương Thu,
Chia sẻ

Ít ai biết rằng, trong lòng hoa lệ vẫn còn một phố cổ Sài Gòn hơn trăm năm tuổi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân sinh sống ở đây đang chịu cảnh chật chội, nhếch nhác vì sự xuống cấp của những ngôi nhà nơi đây.

TP.HCM từng có một khu phố cổ nhưng nay những gì còn lại rất ít, không được nguyên vẹn. Ở phố cổ Sài Gòn, người dân đang sống trong những căn nhà hơn trăm tuổi bị xuống cấp, ẩm thấp nên buộc phải thay đổi nội thất bên trong theo kiểu chắp vá nhằm có thêm không gian sinh hoạt.

phố cổ Sài Gòn
TP.HCM cũng có phố cổ giống như Hà Nội hay Hội An nhưng ít được biết bởi những gì còn lại không còn nguyên vẹn và đang mất dần. Hiện nay chỉ còn một khu phố cổ duy nhất trên đường Hải Thượng Lãn Ông -  đó là kết quả đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử giai đoạn 2006-2020 được công bố vào đầu tháng 7/2010 của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM. Trong ảnh là dãy nhà cổ nằm xen lẫn giữa những ngôi nhà cao tầng trên đường Hải Thượng Lãn Ông.

phố cổ Sài Gòn
Khu phố cổ Sài Gòn hiện nay chỉ còn 16 căn nhà, tọa lạc quanh khu vực ngã tư đường Triệu Quang Phục – Hải Thượng Lãn Ông. Hình ảnh những căn nhà với kiến trúc xưa trên đường Triệu Quang Phục.

phố cổ Sài Gòn
Những khu nhà cổ còn sót lại với số lượng cực kỳ ít ỏi, phần lớn đã bị thay hình đổi dạng theo thời gian. Những căn nhà cổ ở đây vẫn giữ được nghề truyền thống là làm thuốc bắc. Hầu hết các nhà cổ từ dãy nhà số 43, 45, 47, 49, 57, 59, 61, 63, 65... Hải Thượng Lãn Ông vẫn theo nghề này.

phố cổ Sài Gòn
Khu phố cổ duy nhất ở Sài Gòn nay chỉ còn 16 nóc nhà biến dạng từng ngày. Theo ông Nguyễn Hoàng Dân (chủ căn nhà số 47, Hải Thượng Lãn Ông), người dân  vẫn được phép sửa nhà nhưng phải giữ nguyên trạng bên ngoài và chỉ được tu sửa bên trong. Một số căn nhà người dân cũng tìm cách cơi nới, xây thêm để có không gian sinh hoạt làm cho hình ảnh nhà cổ trở nên nhếch nhác. Hình ảnh một ngôi nhà được xây thêm căn nhà tôn ở trên nóc nhà cổ.

phố cổ Sài Gòn
Dù bên ngoài, nhiều căn nhà vẫn giữ kiến trúc theo lối Hoa và phương Tây có từ cách đây cả 100 năm nhưng đi vào bên trong nhà, mới thấy sự chật chội, ẩm thấp. Trong ảnh là hành lang lối đi dẫn vào căn nhà số 49 Hải Thượng Lãn Ông.

phố cổ Sài Gòn
Lối lên các phòng với cầu thang bằng sắt đã cũ kĩ, hoen rỉ và tối tăm, ẩm thấp.

phố cổ Sài Gòn
Khu nhà vệ sinh chung cho nhiều người khá chật hẹp, những tầng trên cùng có nơi không có nhà vệ sinh.

phố cổ Sài Gòn
Tại căn nhà số 57, khu vực xung quanh các lối đi là không gian tắm rửa, giặt quần áo của nhiều hộ dân. Trẻ em vui chơi giữa những khung sắt đã được lắp đặt gần 1 thế kỉ tiềm ẩn khả năng sập bất cứ lúc nào.

phố cổ Sài Gòn
Lối lên sân thượng với cây cầu thang bằng sắt cũ kỹ. Bà Mai, chủ căn nhà cho biết cầu thang này có từ khi ngôi nhà được xây và hiện tại đang khá xuống cấp.


phố cổ Sài Gòn
Ngôi nhà số 57 được chủ nhà chia thành nhiều gian nhỏ với mục đích cho thuê, vì vậy hình ảnh kiến trúc bên trong đã thay đổi nhiều và trở nên lộn xộn, nhếch nhác không ra hẳn nhà cổ.

phố cổ Sài Gòn
Kiến trúc bên trong một căn nhà đã được ngăn vách để cho thuê. Không ai nghĩ đây là không gian nhà cổ. “Chỉ có nước sơn và gạch bông là vẫn từ hồi xây nhà thôi, còn lại đều xây và làm mới”, chị Thủy cho biết.

phố cổ Sài Gòn
Vì chật chội nên góc hiên được tận dụng làm nơi nấu ăn.

phố cổ Sài Gòn
Một căn nhà trở thành nhà kho.

phố cổ Sài Gòn
Người dân cho biết, những căn nhà cổ đang dần xuống cấp. Biểu hiện là nhiều tường nhà xuất hiện vết nứt. Nhiều chỗ hư hỏng được gia cố lại bằng gạch, xi măng theo kiểu hiện đại.

phố cổ Sài Gòn
Không gian sinh hoạt chung của nhiều hộ dân ở phố cổ là hiên nhà, nơi được đặt vòi nước để tận dụng làm chỗ giặt giũ, nấu ăn. Trong ảnh, ông Nguyễn Văn Tám cho biết: “Tôi được chủ nhà cho thuê một căn phòng ở 15m2 ở đây với giá 900 ngàn/tháng. Ở nhà này có 9 hộ dân sinh sống nên không gian rất chật chội, tù túng. Mọi người chỉ xem là nơi đi làm về có chỗ ngủ”.

phố cổ Sài Gòn
Chị Hồ Ngọc Lan, sống ở ngôi nhà số 47 Hải Thượng Lãn Ông gần 40 năm nay chia sẻ: “Nhà xuống cấp quá nên chúng tôi phải sửa nhưng vẫn phải ráng giữ những nét kiến trúc ngày xưa. Tuy nhiên bản thân tôi cũng không biết làm sao khi để gia đình sống trong cảnh chen chúc, chật chội. Chúng tôi cần được sự hỗ trợ về quy hoạch, sửa chữa nhà và cả định hướng phát triển du lịch ở khu phố để đem lại thu nhập cho người dân như nhiều khu phố cổ trên thế giới”.


Chia sẻ