Không được đến trường vì bị cha mẹ ép đi thuyền vòng quanh thế giới suốt 10 năm, cô gái tự học rồi đỗ Oxford, “trả thù” bằng sự nghiệp lẫy lừng
Câu chuyện của Suzanne Heywood tuy chỉ là cá biệt, nhưng nó vẫn đem đến lời cảnh tỉnh thiết thực dành cho các bậc phụ huynh: đừng nhân danh tình yêu mà phá hoại tương lai của con cái, chỉ để thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của bản thân.
Không được đến trường vì bị cha mẹ ép đi thuyền vòng quanh thế giới suốt 10 năm, cô gái tự học rồi đỗ Oxford, “trả thù” bằng sự nghiệp lẫy lừng
Câu chuyện của Suzanne Heywood tuy chỉ là cá biệt, nhưng nó vẫn đem đến lời cảnh tỉnh thiết thực dành cho các bậc phụ huynh: đừng nhân danh tình yêu mà phá hoại tương lai của con cái, chỉ để thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của bản thân.
Đứa trẻ mắc kẹt trong giấc mơ của cha mẹ
Vào một buổi sáng năm 7 tuổi, Suzanne Cooks (tên thời con gái) đang ăn sáng với em trai thì nhận được thông báo bất ngờ từ cha.
“Chúng ta sẽ đi vòng quanh thế giới bằng thuyền!”, ông hào hứng nói. Họ sẽ thực hiện hành trình trong 3 năm, xuất phát từ Anh đến Nam Mỹ, rồi vượt Đại Tây Dương tới Nam Phi và Úc, sau đó vòng lên Hawaii và Nga.
Khi ấy, Suzanne không hiểu điều này có ý nghĩa gì, ngoại trừ việc phải nói lời tạm biệt với người bạn thân Sarah và chú chó lông vàng Rusty của mình. Cô chẳng thể ngờ rằng chuyến đi sẽ trở thành cơn ác mộng kéo dài tới 10 năm và ám ảnh cô đến tận sau này.
Năm 1976, cha mẹ Suzanne đã đưa cô và em trai lên chiếc thuyền “Wavewalker” tại cảng Plymouth (Anh). Suốt nhiều tháng lênh đênh trên biển, họ liên tục gặp thời tiết xấu. Khi những con sóng cao 12m ở Ấn Độ Dương đánh úp con thuyền, Suzanne không may bị chấn thương sọ não.
Không thể đưa con tới nơi có điều kiện y tế tốt, vợ chồng nhà Cooks đành nhờ các bác sĩ trên một hòn đảo xa xôi cứu chữa. Suzanne phải trải qua 7 cuộc phẫu thuật mà không được gây mê, đau đớn như bị tra tấn. Đây là ký ức kinh hoàng nhất trong đời Suzanne, khiến cô gặp ác mộng suốt hàng chục năm sau đó.
Dù vậy, cha mẹ Suzanne vẫn chưa chịu từ bỏ kế hoạch chu du vòng quanh thế giới. Cô bé người Anh tiếp tục phải sống trong điều kiện kham khổ: không thể neo thuyền vì động cơ hỏng, nhịn đói khi hết thức ăn và nước uống. Ngay cả lần đầu tiên có kinh nguyệt, Suzanne chỉ đành co ro trong một góc phòng chật hẹp, âm thầm chịu đau.
Trải nghiệm kinh khủng này kéo dài gần 10 năm, cho tới lúc Suzanne 17 tuổi. Cứ mỗi khi cô tưởng họ sắp về nhà, cha lại đề xuất một kế hoạch du lịch dài hơi mới. Cô gái trẻ cảm thấy như đang “mắc kẹt trong giấc mơ của người khác”.
“Cha tôi nghiện chèo thuyền và không có ý định quay trở lại với cuộc sống tại Anh - nơi có mức thuế cao ngất ngưởng”, Suzanne nhớ lại. “Hết Giáng sinh này tới Giáng sinh khác, tôi đều tự hỏi bản thân rằng chuyến đi này liệu có điểm dừng?”
“Địa ngục trên biển” kéo dài suốt 10 năm
Nhiều người vẫn cho rằng con cái cần biết nghĩ cho cha mẹ, đừng đòi hỏi hay tự làm theo ý mình. Tuy nhiên, quan điểm này không phải lúc nào cũng đúng, nhất là trong trường hợp của nhà Cooks.
Với Suzanne, mọi thứ cô muốn chỉ đơn giản là một cuộc sống ổn định, được đi học và gặp bạn bè. Tuy nhiên, những yêu cầu cơ bản nhất này chẳng những không được đáp ứng, mà cô còn bị cha mẹ quở trách vì “ích kỷ”.
Chuyến đi vòng quanh thế giới đã ngốn sạch toàn bộ số tiền tiết kiệm của vợ chồng nhà Cooks. Khi Suzanne bước vào tuổi thiếu niên, họ bắt cô tìm việc để nuôi gia đình. Ví dụ, khi thuyền cập bến Úc, cô đã làm bảo mẫu trong một thời gian ngắn và để dành được 100 USD (2,4 triệu VNĐ).
Cha mẹ luôn hỏi vay Suzanne mỗi khi cô có tiền, nhưng chẳng bao giờ chịu trả lại. Nếu Suzanne đề cập tới, họ sẽ ngay lập tức thoái thác: “Đừng bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa”.
Sau 8 năm đi vòng quanh thế giới, Suzanne bắt đầu tham gia các khóa tự học qua thư ngay trên thuyền. Cô quyết tâm học hành chăm chỉ để vượt qua những kỳ thi, bất chấp sự phản đối từ người mẹ.
Bà buộc Suzanne phải làm tất cả những công việc nấu nướng và dọn dẹp, dù cô bị say sóng khá nặng. Khi Suzanne ngồi học tại chiếc bàn duy nhất trên thuyền, bà bắt cô nhường chỗ cho thuyền viên, thậm chí còn bật nhạc thật to để khiến cô xao nhãng mà rời đi.
“Tôi biết mẹ không thích mình”, Suzanne bộc bạch trong cuốn hồi ký Wavewalker: Breaking Free. “Từ lâu tôi đã chấp nhận nỗi đau này, mặc dù đôi khi nó trở nên quá sức chịu đựng”.
Dĩ nhiên, chuyến đi cũng đem đến cho Suzanne những khoảnh khắc tuyệt vời như tận mắt ngắm nhìn cá voi, tiếp xúc với những bộ lạc thú vị,... Đây dường như là niềm an ủi duy nhất đối với Suzanne, giúp cô tồn tại trong môi trường khắc nghiệt và nuôi dưỡng hy vọng trở về đất liền sau này.
Năm Suzanne 16 tuổi, sự ích kỷ của cha mẹ cô đã lên đến tầm cao mới.
Vợ chồng nhà Cooks quyết định ra khơi một mình, để lại hai đứa con cùng các thuyền viên ở New Zealand trong vòng 7 tháng. Rơi vào cảnh không xu dính túi, Suzanne và em trai vừa phải chăm sóc các thuyền viên, vừa phải làm các công việc như lái xe, nấu ăn, dọn dẹp, mua sắm… Vào mùa đông, hai đứa trẻ phải tự dùng rìu chặt củi để sưởi ấm căn nhà lạnh lẽo.
Khi cha của Suzanne gọi điện về, câu đầu tiên ông hỏi không phải là “Con khỏe không?” mà là “Còn lại bao nhiêu thuyền viên trong nhà?”.
Cú trở mình ngoạn mục vươn tầm thế giới
Điều kiện sống khổ sở không làm Suzanne mất đi nhiệt huyết học tập. Cô tự gửi thư ứng tuyển đến vô số trường đại học trên khắp thế giới, nhưng chỉ có Somerville College thuộc ĐH Oxford đồng ý. Họ rất hứng thú với khả năng tự học hoàn toàn trên thuyền của cô gái trẻ. Ở tuổi 17, Suzanne đã một mình bay từ New Zealand về Anh để tham gia phỏng vấn.
Suốt 10 năm lênh đênh trên biển, Suzanne luôn tranh thủ từng giây từng phút đọc sách mỗi khi có cơ hội ghé thăm những hiệu sách từ thiện ở quần đảo Thái Bình Dương. Nhờ kiến thức đã tích lũy được, cô dễ dàng vượt qua những câu hỏi hóc búa của ban tuyển sinh.
Khi biết tin trúng tuyển, Suzanne đã bật khóc đầy nhẹ nhõm. Giờ đây, cánh cửa tương lai đã mở ra trước mặt; cô không còn phải chịu sự kiểm soát độc hại từ cha mẹ nữa.
Suzanne lựa chọn theo đuổi chuyên ngành Động vật học tại ĐH Oxford. Sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục học lên cao hơn tại King’s College thuộc ĐH Cambridge. Năm 1993, cô chính thức lấy bằng Tiến sĩ tại ngôi trường này.
Ngay khi vừa tốt nghiệp, Suzanne đã xin thực tập tại Bộ Tài chính Anh, rồi được bổ nhiệm làm thư ký riêng cho Bộ trưởng chỉ sau 2 năm đào tạo. Năm 1997, cô từ bỏ sự nghiệp chính trị để gia nhập McKinsey - một trong ba công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới - với tư cách cộng sự. Sau này, nhờ liên tục hoàn thành xuất sắc công việc của mình, cô đã được nâng lên làm đối tác.
Năm 2013, Suzanne được bổ nhiệm làm Giám đốc toàn cầu mảng Dịch vụ thiết kế tổ chức, cũng như trở thành đối tác cấp cao của công ty. Khoảng 3 năm sau, cô rời McKinsey và gia nhập Exor Group - tập đoàn nằm dưới sự kiểm soát của gia tộc Agnelli quyền lực nhất nước Ý - với tư cách Giám đốc điều hành.
Ngoài ra, Suzanne còn từng giữ chức Giám đốc điều hành tạm thời của CNH Industrial và quyền Chủ tịch Nhà hát opera Hoàng gia Anh trong khoảng 1 năm. Bà cũng là thành viên hội đồng quản trị của The Economist, Chanel, Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh,... và nhiều tập đoàn khác.
Không chỉ xây dựng sự nghiệp thành công, Suzanne còn may mắn sở hữu một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Năm 1997, cô kết hôn với Jeremy Heywood - người sau này trở thành thư ký riêng cho hai đời Thủ tướng Anh là Tony Blair và Gordon Brown. Họ có với nhau ba người con, trước khi Jeremy qua đời vì bệnh tật vào năm 2018.
***
Từ một cô gái không được đến trường mà phải tự học trên thuyền, Suzanne Heywood đã trở thành một doanh nhân thành đạt bằng chính nỗ lực của mình. Dù vậy, quá khứ đau thương vẫn để lại sự ám ảnh không thể xóa nhòa.
Năm 2023, cô quyết định xuất bản cuốn hồi ký Wavewalker: Breaking Free với mục đích chia sẻ nỗi lòng của bản thân và động viên các hoàn cảnh éo le tương tự. Điều này đã khiến mẹ Suzanne vô cùng kinh hoàng. Bà thậm chí còn đe dọa sẽ hủy hoại sự nghiệp của cô, nhưng Suzanne vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục.
“Khi còn nhỏ, tôi đã không thể kiểm soát được cuộc sống của chính mình. Nhưng khi trưởng thành, tôi có quyền kể câu chuyện của bản thân một cách trung thực nhất”, cô chia sẻ.
(Nguồn: Daily Mail, The Guardian)