Không có nhiều tiền vẫn thỏa ước mơ đến thiên đường Maldives theo mách nước của nàng 9x
Nhiều người nói, để đến Maldives - thiên đường của những thiên đường sẽ vô cùng tốn kém. Nhưng lịch trình của Thúy Hằng sẽ cho bạn thấy, mọi thứ đều rất khả thi và vừa tầm.
Maldives được coi là thiên đường trên trần gian, vì phong cảnh tưởng chừng chỉ có ở trong truyện cổ tích, thế nên đây là nơi vô cùng lý tưởng cho chuyến du lịch trăng mật hay kì nghỉ lãng mạn của các cặp đôi. Và một lý do nữa khiến bạn nên đến Maldives ngay và luôn là nơi này có thể sẽ biến mất do mực nước biển dâng cao, hệ quả của biến đổi khí hậu. Thế nên nếu tranh thủ đi được lúc nào, hãy tranh thủ ngay lúc ấy nhé!
Đương nhiên vì Maldives đẹp và quá nổi tiếng nên chi phí đến đây cũng không hề rẻ, nhưng cũng không đến mức bạn phải chuẩn bị cả trăm triệu mới có thể đến nơi đây nghỉ dưỡng. Nếu bạn đang cần thêm thông tin để có thể nhanh chóng đến được với Maldives thì hãy tham khảo chuyến đi của Thúy Hằng, cô nàng 9x vừa trở về từ Maldives dưới đây với mức giá rất hợp lý.
Chuyến du lịch đến Maldives này là món quà sinh nhật bạn trai tặng cho Hằng.
Theo Thúy Hằng thì đến Maldives, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những cảnh đẹp chỉ thấy trên sách báo. Tuy nhiên Maldives không phải là nơi du lịch giá rẻ với mức giá 10-15 triệu đổ xuống vì đây vốn không phải 1 nơi để phượt rẻ. Nhưng bạn vẫn hoàn toàn có thể du lịch tiết kiệm ở đây với những lựa chọn thông minh. Cụ thể chuyến đi đến Maldives 5 ngày 6 đêm của Thúy Hằng chỉ hết 21,7 triệu/ người cho tất cả chi phí may bay, ăn, ở, chơi. Nếu muốn chu đáo hơn, bạn chuẩn bị khoảng 25 triệu/ người là đủ.
Các khoản chi phí chính như sau: Vé máy bay: 10 triệu Ở: $30/ đêm/ người x 5 đêm = $150, tương đương khoảng 3,5 triệu đồng. Ăn: $10/ bữa chính x 9 bữa chính = $90 tương đương khoảng 2 triệu đồng Chơi: $250 gồm thuê đồ lặn + chơi các trò chơi tương đương khoảng 5,5 triệu đồng Đi lại: $16 gồm tiền taxi + phà, tương đương khoảng 400 ngàn đồng. Sim 4G:$22 đô, tương đương 500 ngàn. Sim mua ở sân bay, có 15gb internet để check in sống ảo. Các bạn có thể lựa chọn mua sim $16 có 3G nếu không dùng nhiều. |
I. Đi lại
Thúy Hằng đi Maldives bằng cách bay 2 chặng, quá cảnh ở Singapore. Theo cô thì đây là chặng rẻ nhất, ngắn nhất, ít mệt mỏi nhất vì thời gian transit ngắn. Tổng vé may bay cho 4 chặng tất cả là $861/ 2 người, tính ra mỗi người tốn khoảng 10 triệu đồng và 7,5 tiếng di chuyển trên máy bay cho hành trình Hà Nội - Maldives.
Dấu nhập cảnh rất "cute" của Maldives.
II. Ở thế nào
Ở Maldives có 2 loại hình phòng nghỉ phổ biến là ở resort, nghỉ trong những ngôi nhà trên biển và ở tại các khách sạn trên đảo. tùy tình hình tài chính bạn có thể cân nhắc loại hình phù hợp.
Loại hình resort và nhà trên biển chắc chắn là tốn kém rồi. Nếu các bạn muốn đi hưởng thụ đúng nghĩa và có cuộc sống sang chảnh, sống ảo, hãy đặt phòng ở đây. Phòng ở đây thường phải đặt trước 1 tuần, giá phòng giao động từ $300/ đêm đến vô cùng. Với $300, bạn sẽ có 1 đêm ở resort 3 sao, đã bao gồm ăn sáng. Với mức giá này, phòng vẫn đẹp, dịch vụ vẫn tốt nhưng vị trí phòng sẽ không đủ đẹp để ngắm được hoàng hôn và bình minh. Bù lại các bạn được ngủ trên sóng, tắm dưới ánh nắng, thấy nước biển trong thấu đáy ngay trước mắt, sóng biển rì rào ngày đêm. Một cuộc sống tách biệt xã hội và hoàn toàn thư giãn.
Nếu ở các resort này, bạn sẽ phải di chuyển ra các hòn đảo xa. Và vì thế các bạn sẽ phải trả thêm phí di chuyển bằng tàu cao tốc (1 tàu thường chỉ chở 8,10 người), giá trả cho phần này dao động từ $90-150 một người cho 2 chiều cả đi về tùy độ xa gần của đảo. Các trang đặt phòng thường cũng ghi chú đầy đủ số tiền trả cho vận chuyển, hãy để ý kĩ nhé!
Muốn tiết kiệm hơn, bạn nên lựa chọn các hotel ở đảo. Đây là loại hình Thúy Hằng lựa chọn và theo cô nàng thì cũng rất nhiều bạn Tây lựa chọn loại hình này. Với phương án này, từ thủ đô Male – bạn mua vé phà tại Ferry Port (tại cảng phà), giá chỉ $0,5 - $2/ lượt tùy xa gần.
Các đảo lân cận đáng chơi ở Maldives là Vilingili (mất 15 phút phà), Hulhumale (mất 20 phút phà) và Maafushi (mất 90 phút phà). Các bến phà khác nhau tương ứng với các điểm đến khác nhau, nên nếu các bạn muốn đi đảo nào, thì nhớ bắt taxi (mất từ $3-5) và nói nơi muốn đến với taxi, họ sẽ đưa mình đúng đến bến phà đó.
Vilingili
Vilingili là 1 đảo nhỏ ở gần, đi mất tầm 12-13 phút đi phà thôi, mỗi tội vì mình đi đêm nên trời tối đen. Hòn đảo này khá buồn, ít dân, chỉ có 2-3 nhà hàng, quán cafe. Vì thế nơi này rất hợp để nghỉ dưỡng, hưởng thụ cuộc sống yên bình, bạn có thể tắm biển, ngắm cát trắng. Ở đây, bạn có thể ra bờ kè câu cá cua ghẹ, cua ghẹ ở đảo này rất to nhưng khó bắt. Ở Vilingili, nhóm Hằng ở hotel Seahouse Topdeck – giá $60/ đêm đã có ăn sáng. Có điều phòng ở đây rất bé.
Hulhumale
Cuộc sống ở Hulhumale nhộn nhịp hơn, đường xá rộng, có nhiều siêu thị, nhiều đồ hơn, nhiều trái cây. Các bạn có thể ăn tại Queen’s Kitchen có đồ Ấn rất ngon, hợp người không ăn cay như mình (nhớ là hỏi vị trước khi ăn). Ở đảo này, mình chọn Loona hotel, giá $65/ phòng đã có ăn sáng. Phòng ở đây khá ổn, đẹp, rộng rãi thoáng.
Maafushi
Hòn đảo này ở khá xa, mất 90 phút đi phà. Bù lại Maafushi được mệnh danh là The Best Local Island (đảo tự nhiên tốt nhất) và gần các resort. Ở đây bán đủ các loại hình du lịch tour, dịch vụ chơi ở biển như lặn biển, lái thuyền buồm, du lịch ra resort. Kiểu du lịch ra resort này rất đáng chú ý với những người ít tiền, không được trải nghiệm nghỉ đêm ở resort trên biển.
Nhóm Hằng ở đây 4 ngày 3 đêm. Đêm đầu ở khách sạn Holiday Lodge – phòng en-suite khép kín – chưa có ăn sáng giá $53 nhưng chất lượng phòng khá kém, điều hòa và quạt kêu to. Cũng chính vì thế mà ở đây một đêm là Hằng chuyển phòng ngay. Bù lại hôm đó nhóm Hằng có bữa tối lãng mạn ở bờ biển, cảnh đẹp phục vụ tốt.
Bữa tối lãng mạn trên bờ biển.
Ngày thứ 2 ở Maafushi, nhóm Hằng đặt 1 tour đến Adaaran Prestige Vadoora một resort 5 sao chuẩn "sang, xịn, mịn". Giá tour là $120/ người, đã gồm tàu cao tốc đưa đi đón về, ăn trưa buffet siêu ngon bên bờ biển với đồ Âu. Ở đây tha hồ chụp ảnh sống ảo. Ngoài ra đã ra đến đây, đừng quên lặn biển. Chi phí thuê đồ lặn là $10/ ngày.
View từ một quán cà phê ở Adaaran.
Lúc đầu sẽ hơi bỡ ngỡ nhưng sau đó thì rất mê. Ở đây bạn còn có thể thử cho cá mập ăn, phơi mình ở bãi biển cát trắng xóa. Tối ngày thứ 2 quay về Maafushi, mình chọn ở khách sạn Sun Tan Beach, giá $80/ phòng – đã có ăn sáng. Phòng ở đây đẹp, dịch vụ tốt nên rất ưng.
Buffet trong tour.
Ngày 3 ở Maafushi, nhóm Hằng mua một gói các trò chơi trên đảo giá $100 này bao gồm 5 Jet skiing (xe máy nước), boat sailing (lái thuyền buồm), parasailing/ flyboarding (dù lượn/ ván bay), kayaking và trò chơi cảm giác mạnh bằng cano. Mỗi trò chơi sẽ kéo dài tầm 15-20 phút, riêng kayak thì có thể chơi đến chán chán mới lên. Biển ở đây rất đẹp nên chơi không biết chán, có điều thời tiết khá nắng nên hãy trang bị đầy đủ mũ và kem chống nắng hạng nặng nhé, để cuộc vui không bị đứt đoạn.
Xe máy nước
Buổi chiều, tối ở Maafushi có khá nhiều hoạt động. Buổi chiều bạn có thể chi $35 đô/ người để đi ra SandBank - 1 dải cát rất đẹp để ngắm hoàng hôn lặn giữa biển. Từ 5-9h tối, bạn có thể mua tour câu cá trên biển cũng với giá $35/ người. Cá câu được sẽ được người ta chế biến thành bữa tối cho mình luôn.
Một số lưu ý ở đảo này như sau:
- Tối thứ 5 hàng tuần có bar ngoài trời, chơi nhạc sống suốt đêm nên tha hồ nhảy nhót, kết bạn.
- Quà lưu niệm trong các shop rẻ nhất $2.
- Ngày thứ 6 là ngày nghỉ của đạo Hồi, không có phà từ đảo về đất liền, muốn về phải trả $20/ người để đi bằng tàu cao tốc.
Male
Ngày thứ 4 nhóm Hằng đi tàu cao tốc về thủ đô Male – hết tầm 45 phút. Male tùy là nơi mua sắm duy nhất ở Maldives nhưng đồ khá hạn chế, giá lại rất đắt. Thêm nữa, ở đây có kiểu giờ mở cửa khá hay: từ 9-12 giờ, nghỉ trưa đến 2h chiều, mở cửa tiếp từ 2 giờ đến 6 giờ tối. Sau đó nghỉ ăn tối đến 20 giờ mới bán tiếp và đóng cửa lúc 22 giờ đêm.
Một trong những con đường lớn nhất ở Male.
Thành phố sống rất chậm, đến giờ nghỉ mà khách vẫn còn là xin lỗi mời khách ra ngoài. Đúng 6 giờ tối các cửa hàng treo biển Closed và người người đổ ra đường đi chơi, nên cũng tắc đường, nhưng không nghiêm trọng như Việt Nam. Dân ở Male không phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đèn xanh đèn đỏ cũng cực kì hiếm chỉ ở 1 số phố lớn. Lưu ý tiếp là thứ 6 là ngày nghỉ của đạo Hồi nên các cửa hàng ở Male chỉ mở cửa từ 2 giờ chiều thôi.
Về ẩm thực, đồ ăn ở Male cũng khá phong phú, chủ yếu đồ burger và đồ ăn nhanh. Nhưng ẩm thực địa phương vẫn là món Ấn, đồ Srilanka. Ở đây, nhóm Hằng dùng bữa Sala Thai – 1 nhà hàng đồ Thái ngon nổi tiếng – 4 sao tại đây. Đồ ăn ngon nhưng giá khá cao, các món ăn đều từ $13-15 trở lên.
Thông tin về Maldives: - Maldives là 1 quần thể quốc đảo gồm gần 1200 đảo nhỏ. Đến Maldives không cần xin visa trước, bạn chỉ cần điền Immigration Form trên máy bay, rồi nhập cảnh thôi. Cái hay nhất khi nhập cảnh ở đây là toàn nhập cảnh theo từng đôi chứ không phải từng người, vì Maldives gần như mặc định không dành cho FA rồi, đi theo cặp mới vui các bạn ạ. - Thủ đô của Maldives là Male, xung quanh đó là các hòn đảo phục vụ tiện nghi đời sống và du lịch. Đường xá ở Male khá hẹp, cộng thêm luôn có 1 phần dành cho việc đỗ xe máy cả ngày và đêm nên nó càng hẹp. Ở đây dường như không có hầm nên xe máy để ngoài đường cả đêm luôn, chật kín 1/3 đường. Nhiều đường 2 ô tô tránh nhau khá khó. - Dân ở đây không quá đông đúc, phương tiện di chuyển của họ chủ yếu là xe máy và phà. - Người dân Maldivé rất thân thiện hiền hòa, nhiệt tình, mến khách, tiếng Anh giỏi, tuy phát âm hơi khó nghe vì ảnh hưởng giọng gốc Ấn và SriLanka. Nhưng bạn chỉ cần nói bồi là đi được rồi. - Tôn giáo chính ở đây là đạo Hồi. Các bạn cần lưu ý đến ăn mặc ở đây, vì phụ nữ đạo Hồi dùng khăn trùm đầu, quần áo kín, không ưa hở hang, không ưa thể hiện tình cảm ở nơi công cộng. - Tiền tệ: Bạn có thể tiêu bằng đô la Mỹ, nhưng với các món đồ nhỏ, các bạn có thể trả bằng đô la và được trả lại bằng MVR - là tiền địa phương - 1 đô la Mỹ tương đương 10 đến15 MVR, tuỳ cách tính của người dân bản địa. Cái này nghe nói thì hơi buồn cười nhưng đúng là ở các đảo có giá trị quy đổi hơi khác, lúc 10 hoặc lúc 15 tùy quy định của họ. - Khi đáp xuống sân bay, các bạn có thể hỏi người địa phương – hoặc ra thẳng bến tàu và hỏi là đi sang các đảo như nào. Ở đây tại các bến phà khác nhau mới có chuyến đi đến đúng điểm. Nên nếu các bạn muốn đi đảo nào, thì nhớ bắt taxi (mất từ 3-5 đô) và hỏi người ta đi ra đảo nào, họ sẽ đưa mình đúng đến bến phà đó. |