Không chỉ học, có 1 ngôi trường nơi học sinh biết chế tạo nước tẩy rửa sinh học từ phế thải nhà bếp

Cát Tường,
Chia sẻ

Những em học sinh mới lớp 6-8 nhưng đã mang trong mình giấc mơ về việc thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân, giảm thiểu rác thải để bảo vệ môi trường sống.

Bảo vệ môi trường vốn không đến từ những lời hô hào, những bài rao giảng về cách sống mà phải xuất phát từ sự thôi thúc bên trong, hành động bên ngoài, kiên trì thực hiện. Đó cũng là điều mà anh Nguyễn Đức Quang (sáng lập trường đồi Spring Hill) luôn tâm niệm khi thiết kế những bài học bảo vệ môi trường cho học sinh của mình. Điển hình là dự án chế tạo Nước tẩy rửa sinh học mà anh cùng với nhóm học sinh thực hiện, đang thực sự truyền cảm hứng mạnh mẽ.

Từ phế liệu có trong nhà bếp như các loại vỏ trái cây, các loại rau, củ thừa…, thầy Quang hướng dẫn học sinh của mình cách chế tạo thành loại nước có tác dụng tẩy rửa an toàn, thân thiện với thiên nhiên. Sau một năm kiên trì ngâm, theo dõi, thầy trò anh đã thực hiện buổi tổng kết, chiết xuất thành phẩm vào cuối tháng 7 vừa qua, lên kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng. Những em học sinh mới lớp 6-8 nhưng đã mang trong mình giấc mơ về việc thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân, giảm thiểu rác thải để bảo vệ môi trường sống.

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-1

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-11

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-3

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-6

Buổi thu hoạch Nước tẩy rửa sinh học diễn ra dưới bóng cây xanh mát, trong không khí vô cùng dễ chịu của trường đồi.

Em Nguyễn Trà, một học sinh lớp 8, cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu tự tin thuyết trình về dự án: "Nước tẩy rửa sinh học này hoàn toàn chỉ có đầu vào từ 3 nguyên liệu: Vỏ chai nhựa cũ, vỏ trái cây/rau/ củ, nước và thêm một lượng đường không đáng kể (sau khi lên men bình đầu tiên sẽ dùng men đó đổ ra để làm mồi). Có thể thấy, chúng ta chỉ sử dụng phế thải từ nhà bếp mà không tiêu tốn vật chất gì của trái đất. Nhưng kết quả có được là những chai dung dịch lau được nhà, bồn cầu, kính, mặt bếp…".

Trà chia sẻ, câu chuyện về những loài sinh vật như cá heo, rùa biển… bị chết vì nuốt quá nhiều túi nilon vào bụng luôn thôi thúc em và các bạn phải làm điều gì đó để bảo vệ môi trường. Biết sức mình nhỏ bé, nhưng các em tin rằng chỉ cần từ 1 người thuyết phục 5 người, rồi sẽ nhân lên thành 20 người, hàng trăm người cho đến hàng nghìn người…Vậy nên dự án của các em có tham vọng rất lớn là sẽ tiếp cận được đến 5000 người trên đất nước Việt Nam. Nhóm học sinh tin tưởng cứ bền bỉ bước đi rồi nhất định sẽ đến đích. 

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-22

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-26

Chia thành 2 đội để tiến hành chắt lọc Nước tẩy rửa sinh học.

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-30

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-50

Thành phẩm được đựng trong những chai nhựa tái chế.

Chặng đường thực hiện dự án khiến nhóm học sinh thu hoạch được nhiều hơn tất cả những trang sách cộng lại. Bắt đầu từ cuối tháng 12/2018, các em bắt đầu thu gom phế thải nhà bếp, cho vào bình nhựa để lên men, tổng dung tích khoảng 100 lít. Trong quá trình lên men, hàng ngày học sinh mở nắp bình quan sát khí bay ra, âm thanh sỏi bọt khí, quan sát áp suất bên trong bình làm bình phình ra, quan sát sự chuyển biến màu sắc và mùi của nước trong bình lên men, quan sát sự chuyển biến của rác trong bình.

Theo thầy Quang, việc quan sát và tự mình trải nghiệm, tự vỡ ra kiến thức như vậy chẳng khác gì đang học về khoa học, hóa học, vật lý học hay toán học: "Các em tự mình cảm nhận được sự kỳ diệu của cuộc sống. Nếu vứt ra ngoài môi trường, các phế thải sẽ bị bốc mùi hôi thối, nhưng để trong môi trường yếm khí lại sinh ra vi khuẩn có lợi, giúp phế thải có ích hơn và còn giữ được mùi hương thơm hệt như tinh dầu".

Ngoài ra, các em còn tự mình thảo luận, tự tin thể hiện bản thân, được khuyến khích nói ra suy nghĩ, học cách thuyết trình, xử lý mâu thuẫn trong làm việc nhóm, mài giũa những cái tôi để cùng nhau đi được xa nhất. Đó mới là những điều tuyệt vời nhất mà phương pháp học qua dự án của thầy Quang mang lại cho học sinh.

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-32

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-34

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-39

Các thành viên trong nhóm thực nghiệm kết quả tại nhà vệ sinh của trường.

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-40

thu-hoach-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-47

Sau khi thu hoạch thành công sản phẩm, nhóm tiếp tục lên kế hoạch PR bằng những slide giới thiệu, tiết mục kịch nghệ thú vị.

Bước đầu, nhóm dự án đã gửi 20 mẫu Nước tẩy rửa sinh học đầu tiên đến người dùng thử. Chị Linh Nguyễn (30 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội), một trong số những người trải nghiệm, chia sẻ: "Ban đầu nhận mẫu dùng thử, mình còn tưởng nhầm là một chai nước hoa quả vì mùi rất thơm, cảm giác còn muốn uống luôn. Mình thử lau nhà, tuy không sạch bằng nước tẩy rửa hóa học nhưng bù lại có hương thơm tươi mát như căn nhà vừa được xông tinh dầu vậy. Mình thực sự rất bất ngờ trước kết quả và còn bất ngờ hơn khi đây là thành phẩm của các em học sinh mới học cấp 2".

Sau bước thu hoạch kết quả, ý kiến phản hồi từ người dùng, nhóm học sinh sẽ tiếp tục lan tỏa bằng những chiến dịch PR do chính mình thiết kế. Đó là những tiết mục kịch nghệ, clip giới thiệu, slide thiết kế chi tiết, thú vị về Nước tẩy rửa sinh học hay thậm chí là lên ý tưởng kinh doanh, startup để có thể phát triển rộng khắp. Dù trong quá trình thực hiện luôn gặp không ít khó khăn, nhưng mỗi lần cùng nhau vượt qua được là thêm một lần các em lại thấy mình trưởng thành, vững vàng hơn.

Chia sẻ