Không chỉ Covid-19, Trung Quốc còn có một "dịch bệnh" đã giết chết hơn 840.000 người/năm mà đến giờ vẫn chưa thể giải quyết
Một căn bệnh xét về dài hạn đã cướp đi nhiều sinh mạng còn hơn cả Covid-19.
Thập kỷ mới "chào đón" thế giới bằng một kịch bản đáng sợ, với cơn ác mộng mang tên đại dịch Covid-19. Khởi nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc), dịch bệnh lây lan ra toàn thế giới, khiến hơn 9 triệu người nhiễm bệnh, và hàng trăm ngàn ca tử vong.
Nhưng với các chuyên gia y tế, chuyện Covid-19 được kiểm soát và đẩy lui chỉ là vấn đề sớm hay muộn (và ai cũng mong là sớm). Còn tại Trung Quốc hàng thập kỷ qua, đã có một "dịch bệnh" khác đang tăng tiến rất nhanh, dự tính sẽ tước đi nhiều sinh mạng hơn cả Covid-19.
"Dịch bệnh" ấy mang tên: Tiểu đường!
Năm 2017, số liệu thống kê từ Quỹ tiểu đường Quốc tế cho thấy Trung Quốc có 114 triệu ca tiểu đường - chiếm hơn 1/4 tổng số người mắc bệnh trên toàn thế giới. Dự báo đến năm 2045, con số sẽ tăng lên tới 183 triệu.
Tiểu đường - căn bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc
Căn bệnh giết hơn 800.000 người trong 1 năm
Tiểu đường là căn bệnh khiến mức độ đường trong máu trở nên quá cao. Về cơ bản khi chúng ta ăn, hệ tiêu hóa sẽ có nhiệm vụ phân giải thức ăn, chuyển hóa chúng thành dinh dưỡng - bao gồm cả đường glucose - rồi đẩy vào mạch máu. Trong đó, hormone insulin sẽ có nhiễm vụ đưa glucose vào tế bào, rồi từ đó chuyển hóa thành năng lượng.
Với người tiểu đường, khả năng sản sinh hormone insulin gặp trục trặc. Cơ thể không có khả năng chuyển đường vào tế bào nữa, khiến lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Từ đây, tiểu đường gây ra nhiều biến chứng khác: nhiễm trùng, đau tim, đột quỵ. Năm 2017, CGTN - đài phát thanh tại Trung Quốc ghi nhận có 843.000 người đã chết vì biến chứng tiểu đường.
Có 2 loại tiểu đường, đó là type 1 (tuýp 1) và type 2. Trong đó, tiểu đường type 1 chủ yếu do di truyền, xảy ra do cơ thể không có khả năng sản sinh insulin. Còn tiểu đường type 2 có thể tích tụ qua thời gian, đến thời điểm tụy không thể sản sinh đủ insulin nữa, hoặc khi tế bào không thể phản ứng tốt với insulin.
Tại sao Trung Quốc có quá nhiều người mắc tiểu đường?
Đầu tiên cần biết rằng tiểu đường có thể di truyền, và cũng có thể do lối sống thiếu lành mạnh như ăn thức ăn giàu năng lượng, giàu chất béo và cholesterol, kết hợp với việc lười vận động dẫn đến béo phì.
Theo tiến sĩ Li Chen - CEO công ty dược Hua Medicine, 95% các ca tiểu đường là thuộc type 2. Ông cho biết, việc tiểu đường lan rộng tại Trung Quốc dường như có liên quan đến tốc độ phát triển kinh tế quá nhanh của quốc gia này trong vài thập niên vừa qua.
Chen cho rằng, một vấn đề của Trung Quốc là tỉ lệ chẩn đoán đang ở mức thấp. Trong khi tỉ lệ chẩn đoán trên thế giới là 50%, Trung Quốc chỉ có 39% người bệnh biết được mình đang gặp vấn đề gì.
Trung Quốc đã xử lý tiểu đường như thế nào?
Theo Chen, bước đầu tiên để giải quyết vấn đề này là tăng nhận thức của mọi người. Cần phải đảm bảo rằng người dân hiểu về căn bệnh và ảnh hưởng của nó đến với đời sống thường ngày.
Việc Trung Quốc có quá nhiều người bệnh đã tạo ra một thị trường thuốc tiểu đường khổng lồ. năm 2018, tổng chi tiêu liên quan đến căn bệnh này lên tới 57,3 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 8,25 tỉ USD). Đến năm 2028, dự tính con số sẽ tăng gấp 3 lần, lên tới 173,9 tỉ tệ.
Ở thời điểm hiện tại, tiểu đường vẫn đang là căn bệnh "của người giàu", vì nó chưa có thuốc chữa và điều trị thì tốn quá nhiều tiền. Dẫu vậy, rất nhiều người bệnh vẫn phải phụ thuộc vào máy theo dõi nồng độ đường trong máu và thuốc tiêm, nhằm hạn chế rủi ro biến chứng. Một trong các loại thuốc phổ biến nhất liên quan đến việc cải thiện sự nhạy cảm của tế bào đối với insulin, nhằm đẩy nhiều đường vào tế bào hơn. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế, không phải cách để khôi phục khả năng chuyển hóa đường cho người bệnh.
Để tìm ra phương pháp chữa tiểu đường, chính phủ các nước trên thế giới đã đầu tư hàng tỉ USD để nghiên cứu, nhằm tìm ra nguồn gốc của tiểu đường cũng như phát triển các loại thuốc mới. Và may mắn, họ cũng đạt được một số thành tựu.
Chẳng hạn như tại Anh, một nhóm các nhà nghiên cứu tại ĐH Birmingham công bố đã tìm ra một loại thụ thể protein, có nhiệm vụ thúc đẩy tuyến tụy sản sinh ra insulin. Nghiên cứu cho phép khoa học hiểu hơn về cách tuyến tụy hoạt động, và lý do tại sao nó gây ra tiểu đường.
Chen cũng là một nhà nghiên cứu đã tham gia phát triển thuốc tiểu đường từ thập niên 1990. Ông tin rằng khoa học đang dần tìm ra một bước ngoặt lớn trong việc điều trị căn bệnh này.
"Chúng ta có công nghệ mới, như cấy ghép tụy và sử dụng tế bào gốc," - ông chia sẻ. Theo những gì Chen biết, khoa học thế giới đã phát triển được tụy nhân tạo, có thể sử dụng như một loại máy bơm insulin, hỗ trợ rất tốt cho người tiểu đường. Một số loại thuốc mới cũng đang được phát triển.
Dẫu vậy, khoa học không thể là giải pháp duy nhất cho thứ "dịch tiểu đường" đang gia tăng tại Trung Quốc. Trên thực tế, số ca mắc gia tăng chủ yếu liên quan đến sự thiếu hiểu biết về bệnh của đại đa số người dân.
Theo Chen, công chúng cần điều chỉnh lối sống, ăn uống lành mạnh hơn, chăm tập thể dục và ngủ nhiều hơn. Có như vậy, cơn bão tiểu đường mới có thể được giải quyết triệt để.