Không cam chịu vận đen của "canh bạc" hôn nhân, cô vợ nghĩ ra chiêu cao biến ông chồng ham chơi thành người đàn ông tự nguyện "quấn" lấy vợ con không rời
Hồi mới cưới "bám" theo chồng đi nhậu mà 10h đêm giục chồng về, anh ấy ném luôn ly rượu xuống đất vỡ tan. Nhưng sau đó chị đã nghĩ ra một chiêu thức đủ khả năng "hô biến" anh thành ông chồng thích về nhà "quấn" vợ, chăm con...
Phụ nữ có người vừa bước chân vào hôn nhân đã nghĩ mình lấy nhầm chồng. Người ôm mặt mà khóc vì sự "trở mặt" của người đàn ông lộ ra quá sớm. Anh chàng người yêu ga lăng, tâm lý và chiều chuộng ngày nào bỗng biến thành anh chồng vô tâm, ham chơi và cục súc, thế rồi những người phụ nữ chỉ biết đấm ngực than thân, trách phận "đàn ông rặt một lũ tồi".
Thế nhưng hãy nghe câu chuyện thực tế này, người vợ đã lật ngược tình thế biến một anh chồng ném ly rượu khi vợ muốn về nhà vào lúc 10h đêm thành người đàn ông coi gia đình là số 1, chăm chỉ nấu ăn, tận tâm với con cái và yêu chiều vợ.
Ảnh minh họa
Người phụ nữ ấy xin được giấu danh tính của mình vì "sợ" bị chồng phát hiện ra anh chồng đã bị chị "giáo dục" một cách cố ý mà không hề hay biết. Nói thì vui thế thôi, nhưng chuyện nhà mình chị xin giữ riêng, chỉ chia sẻ kinh nghiệm để chị em có thể tham khảo và có thể phần nào cải thiện được cuộc hôn nhân đang bế tắc của chính mình.
Chị cho biết dù chồng chị không phải hư hỏng gì trong những điều "phạm" với chị em, nhưng cũng là một người đàn ông được gắn mác là chồng vô tâm và đầy những khuyết điểm.
Chị kể hồi mới cưới nhau, chồng chị là người đàn ông ham nhậu nhẹt, thích tụ tập bạn bè nói những điều vô bổ, không có ý chí tiến thủ, bị động, khô khan, không biết cách thể hiện tình cảm. Khi chị đang mang bầu bé đầu tiên, chị có ngồi cùng chồng trong 1 cuộc nhậu. Đến 10h đêm chị thổ lộ muốn về nhà thì anh chồng hùng hổ ném cái ly rượu xuống đất vỡ choang. Chị sốc lên sốc xuống, người đàn ông chị yêu và chọn đây ư? Chị lủi thủi đi bộ ra đường tối đen để tìm bắt taxi về. Giữa quê chồng ngơ ngác, ôm cái bụng bầu, không điện thoại, nước mắt lã chã chị nghĩ: "Cuộc hôn nhân của mình chẳng lẽ kết thúc sớm thế này sao?".
Sau hôm đó, chồng chị hết hơi men thì làm lành với vợ. Tuy nhiên, anh tỉnh thì chị cũng tỉnh vì nhận ra, bước chân vào hôn nhân là đi qua những cảm xúc tình yêu ngọt ngào ban đầu, là đến lúc đối diện với cả những cung bậc cảm xúc khác, cả cay đắng và tuyệt vọng. Thế nhưng, chị chẳng ôm mặt ngồi khóc, cũng chẳng hờn trách đòi ly hôn. Con đang lớn lên trong bụng chị và hôn nhân thực sự không phải là canh bạc.
Chị nghĩ: "Có lẽ mình đã sai ở đâu đó". Vì thế chị bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về "bộ môn" hôn nhân mà trước khi bước chân vào chị đã không hề tìm hiểu về nó. Chị đọc sách, nghiên cứu trên mạng về tâm lý đàn ông, những nỗi thất vọng của hôn nhân và cách ứng biến để có được điều mình muốn, thứ phụ nữ muốn ở người bạn đời của mình.
Ảnh minh họa
Chị bắt đầu hiểu ra bộ não đàn ông cũng không khác gì đứa trẻ là mấy, dù các anh có to xác hơn. Đàn ông không thích phụ nữ lải nhải, nói nhiều việc cùng một lúc. Đàn ông cũng không thích dạy bảo, ngăn cấm, bởi như thế anh ấy càng muốn khám phá nó.
Sau đó biết tính chồng ham nhậu, chị không bao giờ hờn trách, cũng chẳng chờ đợi chồng về nữa. Có lúc chị mang con đi chơi trước 2, 3 ngày; có lúc tắt điện đi ngủ... không chào đón, không chờ đợi. Cũng có lúc chị "mách" với bố mẹ chồng, có lúc vô tình để lộ người bạn chí cốt trong hội nhậu của anh nói xấu mình. Thế rồi, dần dần đi nhậu về anh có cảm giác bị vợ con bỏ rơi, bị bố mẹ mắng, bị bạn chơi xỏ... và dần dần không còn hứng thú nhậu nhẹt nữa. Sau này nếu có phải xã giao ngồi nhậu anh sẽ tìm cớ và về sớm.
Chồng chị vốn là người không có ý chí tiến thủ, cũng ít đọc sách, không ham học hỏi và thường bằng lòng với hiện tại. Lợi dụng thuật toán của facebook, chị kiếm cớ mượn facebook của anh dùng và bảo facebook của mình bị lỗi. Chị tìm hiểu thì thấy hiện lên newfeed toàn những clip hài, cãi nhau, đánh ghen... do "người chủ" của nó ưa đọc tin tức giật gân giải trí. Chị liền "lén" like những trang như nhân quả nghiệp báo, sống tĩnh tâm, phật giáo, những trang về du lịch, ẩm thực, sức khỏe, nuôi dạy con. Thậm chí chị còn kết bạn với những người làm kinh doanh, sống đẹp, viết những thứ hay ho, tích cực.
Và sau đó facebook đã "giáo dục" chồng chị một cách tự nhiên. Nào là: quả báo ngoại tình, đàn ông phải sống có lý tưởng, cách để vận hành doanh nghiệp, phải dành thời gian cho con, đứa trẻ sẽ không thể thành công nếu thiếu tình cha, cách chơi với con, gia đình là quan trọng nhất, yêu vợ không bao giờ là đủ… Cứ thế, anh càng đọc nhiều, like nhiều 1 nội dung nào thì nội dung đó sẽ hiện lên facebook của anh nhiều hơn và ngấm vào anh lúc nào không hay.
Dù ít ưu điểm nhưng chị "bám" ngay vào một ưu điểm của chồng: Yêu con và muốn nuôi dạy con cái đàng hoàng, tử tế. Chị dành nhiều thời gian nói chuyện với chồng về vấn đề: muốn dạy được con, bố mẹ phải làm gương. Rằng anh không thể quát con hãy đọc sách đi trong khi bố thì ngồi xem ti vi, hay điện thoại. Anh hãy cầm 1 cuốn sách đọc, khi đó các con sẽ tự giác lấy sách ra mà không cần bố mẹ phải nói. Cũng từ ưu điểm này, chị phát triển thành các quy tắc trong gia đình, xoay quanh cái "trục" là các con: anh không được bạo lực với vợ (còn gì là hình ảnh người bố nếu đánh mẹ, con sẽ coi thường bố), phải biết nói lời yêu thương nhau, phải thể hiện tình cảm trước mặt các con (ôm, thơm má) để xây dựng niềm tin về hạnh phúc gia đình cho các con, đi đâu mấy giờ về là anh phải đúng hẹn (để giáo dục các con biết giữ lời hứa...). Và như thế quả là lợi thế đủ đường, nó tác động tích cực đến các con chị và cho chính chị được thứ chị muốn "nhờ" vào con. Nhưng khi ban đầu anh làm vì con, sau nó thấm vào anh đến mức anh hành động như chuyện đương nhiên phải thế.
Ảnh minh họa
Chồng chị chưa có ý chí tiến thủ, còn vô trách nhiệm, còn nóng giận, cáu kỉnh. Chị áp dụng quy tắc "5 phút trước khi đi ngủ". Chị hay hát ru con bằng những lời ru tự sáng tác: Tất cả sẽ là bố mẹ, khen ngợi bố tuyệt vời, yêu thương các con... và đương nhiên chồng chị nghe được. Anh hiểu được vợ chồng là một từ không thể tách rời cũng như từ bố mẹ. Anh hiểu được điều quan trọng của 2 chữ gia đình, anh biết các con quan trọng như thế nào...
Khi chồng chị vào bếp chị cũng quấn quýt khen: "May mà số mình lấy được người chồng tử tế. Số mình đỏ quá".
Còn đây là kết quả:
- Vì người ta thường thích hành động theo những gì mà người khác đánh giá, khen ngợi nên chồng chị không còn hứng thú nhậu nhẹt nữa, thích về nhà chăm con, chăm vợ.
- Anh chồng lười nhác bỗng thích nấu cơm cho vợ ăn. Những lúc đó chồng chị lại mắng yêu: "Không có thằng này á, mấy mẹ con em chết đói".
- Chồng chị không bao giờ dám giơ tay lên với vợ ngay cả khi tức giận.
Ảnh minh họa
- Chồng chị cũng lục hết mấy tủ sách chọn ra những quyển mình thích và bảo: "Ơ, em có nhiều sách hay thế nhỉ?", mà không hề hay biết là nước cờ này chị đã tính cả rồi.
- Chồng chị cũng ít cáu kỉnh, tức giận, anh cười nhiều hơn, trẻ hơn và đáng yêu hơn nhiều vì là người chồng, người cha tốt. Gia đình không khí đầm ấm, yên vui.
Chị cười bảo: "Tôi nhận thấy hôn nhân đúng là một cuốn tiểu thuyết mà 2 nhân vật chính bắt đầu tự viết nên nội dung cho mình (tôi không nghĩ là 2 nhân vật chính chết từ trang đầu tiên đâu). Và tôi luôn nghĩ, không thể bị động đợi chồng thay đổi, chuyển biến theo ý mình được. Điều này giống như kiểu bạn thích được gặt lúa nhưng bạn lại không gieo 1 hạt mầm nào cả vậy. Đời sống hôn nhân là một nghệ thuật mà người phụ nữ phải là một nghệ sĩ".
Vì thế phụ nữ ạ, nếu có người đàn bà 10 năm "ủ mưu" chờ "con thi đại học xong" để đập lá đơn ly hôn thì cũng có người vợ sẵn sàng mất 10 năm để khéo léo "dẫn" chồng đi theo con đường mình muốn và tô hồng cho cuộc hôn nhân của mình một cách chủ động. Dù mất thời gian và hơi nhọc công nhưng cũng đáng phải không chị em. Phần phía sau chỉ cần tiếp tục duy trì và hưởng thành quả thôi. Như thế chẳng phải lo chọn chồng mới có sai lầm nữa hay không, lo con mình thiệt thòi hay không hoặc đôi lúc phải lùng bùng trong quá khứ vì những nỗi ân hận này kia.
Dù chẳng ai nói mạnh được kết quả sẽ 100% như ý, nhưng cứ thử dốc lòng 1 lần, kết quả có thế nào thì cũng không bao giờ phải nói 2 chữ "nuối tiếc" hay "giá như". Phá đi xây mới thì dễ nhưng sửa đi làm mới thì tiết kiệm và ít "bụi bặm" nhất phải không?