Khốn đốn vì vợ thích… “xài chùa”

Thạch Lan,
Chia sẻ

Vài lần đôi co với người thu tiền vệ sinh môi trường như thế cộng với việc chỉ chăm chăm "xài chùa" đồ nhà người khác nên chị được bà con trong khu lén đặt cho biệt danh Hương ‘của chùa’

Anh Mạnh (Quận Đống Đa – Hà Nội) vốn là người đàn ông được mọi người quý mến bởi giàu lòng nhân ái, tính cách xởi lởi và thoải mái. Thế nên khi anh kết hôn với Liên – một người phụ nữ luôn có thói quen tiện tay “xài chùa” đồ của người khác thì mọi người hùa nhau trêu trọc đôi vợ chồng này là “cặp đôi bù trừ”. 

Thực tế, anh Mạnh thường rất hay giúp đỡ bạn bè, hàng xóm. Anh cũng là một mạnh thường quân thường xuyên giúp đỡ những mảnh đời gặp bất hạnh, khó khăn. Nếu không biết cá nhân nào đó thiếu thốn thì thôi nhưng một khi đã biết thì anh tận tình giúp đỡ cả về vật chất cũng như thường xuyên thăm hỏi để động viên tinh thần. 

Cũng chính bởi nghĩa cử đẹp của mình mà anh được bạn bè bầu làm chủ tịch một câu lạc bộ làm từ thiện. Được mọi người tín nhiệm, lại sẵn sự đam mê được giúp đỡ người khác nên mỗi lần tham gia giúp đỡ tập thể, cá nhân nào đó anh luôn là người đóng góp nhiều nhất và tận tâm với công việc thiện nguyện của mình. 

Tuy nhiên kể từ sau khi kết hôn với chị Liên, anh Mạnh lúc nào cũng rơi vào tâm trạng phập phồng vì sợ vợ tiện tay “lỉnh” bớt mất một vài món đồ mà anh và bạn bè quyên góp. Anh Mạnh thổ lộ rằng, trước đó bản thân anh cũng rất hay bị vợ càm ràm chuyện anh tham gia tổ chức từ thiện và dốc tiền của vào đó. Chị thường xuyên ca thán rằng anh chỉ giỏi “ném tiền qua cửa sổ” , “thân chưa đủ ấm, bụng chưa đủ no nhưng thích lo chuyện thiên hạ”. Chị cũng siết chặt những khoản thu của chồng để hạn chế hết mức số tiền anh bỏ vào những chuyến từ thiện đó. 

Khốn đốn vì vợ thích… “xài chùa” 1
Anh ngao ngán vì vợ là người chỉ thích "xài chùa" (Ảnh minh họa)

Đã không ít lần anh Mạnh từ ngẩn ngơ đến choáng váng khi số quà từ thiện anh chuẩn bị trước đó bỗng dưng “không cánh mà bay”. Những lần như vậy, anh đều phải tất tưởi đi mua bù vì dù sao thì số quà đó cũng thất thoát trong khi tập kết ở nhà mình. Lần một, lần 2 anh nghĩ mình tính toán nhầm lần nên thiếu nhưng đến lần thứ 5 anh tá hỏa vì phát hiện hóa ra số sữa, bánh kẹo, tập vở... đó bị mất là do vợ anh… bớt lại cho hai đứa con dùng. 

Anh Mạnh chia sẻ: “Tôi cũng không hiểu vì sao cô ấy lại làm như thế nữa. Đồ tôi cho vận chuyển về nhà để tập kết trước khi đi từ thiện, vậy mà cô ấy cứ lẳng lặng lấy và dùng. Lúc thì thùng sữa, lúc lại bịch bỉm, khi thì bánh kẹo. Nhà tôi không phải khó khăn hoặc tôi bỏ mặc vợ con đến mức để cho nhà thiếu thốn nên cô ấy phải hành động như thế. Tôi suy đoán rằng có lẽ cô ấy nghĩ đó là đồ chồng cũng bỏ tiền ra nên cô ấy có lấy lại một chút cũng chẳng sao”. 

Anh Mạnh cũng cho biết sau bao nhiêu lần mang chuyện vợ nghĩ đó là đồ có thể “xài chùa” ra để nói thì cũng chừng ấy lần anh chị to tiếng, cãi vã với nhau. “Cô ấy cứng đầu và đưa ra lý cùn khi nói rằng ‘Hàng viện trợ, con anh cũng cần được viện. Tội gì tôi phải móc túi ra mua trong khi trong nhà cứ chất đống như thế…” – anh Mạnh ngao ngán nói.

Cũng là một ông chồng có vợ thích “xài chùa”, anh Bách (Thanh Xuân – Hà Nội) kể rằng vợ chồng anh sống trong một khu tập thể và vợ anh luôn kiếm đủ cớ để không bao giờ phải bỏ phí thắp điện lối đi chung, phí vệ sinh... 

Theo lời anh Bách cho biết thì các hộ dân cư nơi gia đình anh sinh sống, ở mỗi tầng sẽ bàn bạc thay phiên nhau thắp sáng điện cầu thang, còn nhà nào không thắp điện thì đóng tiền cho những nhà còn lại. Đã có quy định cụ thể về giờ giấc thắp sáng, giờ tắt điện cũng như lịch cụ thắp điện quay vòng của mỗi hộ dân. Mọi gia đình đều rất tôn trọng và có ý thức chung. Thế nhưng lần nào đến lượt nhà anh, thì chị lại tìm cách lảnh tránh. 

“Thắp điện giống như mọi nhà thì cô ấy không đồng ý vì cho rằng làm như thế số công tơ sẽ đội lên và tổng tiền điện của gia đình tăng vọt. Những gia đình khác bảo để họ thắp và một tháng thu của gia đình tôi mười mấy ngàn đồng thì cô ấy cứ lần khần không chịu đóng. Thế là có mỗi chuyện điện thắp sáng cho lối đi chung mà lần nào người ta nhắc thu là y như rằng cô ấy than vãn tốn kém, ngày bật điện, ngày không. Cứ đến tháng nào nhà tôi bật điện cầu thang là y như rằng cầu thang tối om vì vợ tôi… cố tình quên. Tôi mà bật lên là thể nào cô ấy cùng lén ra tắt đi” – anh Bách cho biết.

Không chỉ là chuyện chị cố tình “xài chùa” điện của nhà người khác để thắp sáng lối đi chung mà đến cả chuyện đóng tiền thu gom rác vệ sinh hàng tháng chị cũng tìm cách “cắt cúp”. “Trời ơi, một tháng họ tính đầu người ra để thu tiền vệ sinh, khoản tiền đó có đáng là bao đâu. Vậy mà trong nhà có 4 người cô ấy bảo có 2. Đến khi nhân viên thu tiền họ thắc mắc dựa vào bảng kê của tổ trưởng tổ dân phố thì cô ấy nổi đóa mắng luôn cô nhân viên thu tiền. Không những thế, có hôm người ta đến thu, cô ấy còn lấy lý do cả mấy tháng nay nhà đi vắng, không đổ rác nên không đóng tiền… Vài lần đôi co như thế cộng với việc chỉ chăm chăm xài đồ nhà người khác nên cô ấy được chị em trong khu lén đặt cho biệt danh Hương ‘của chùa’” – anh Bách khốn khổ than vãn.

Chia sẻ