Khởi nghiệp với 2,5 triệu đồng, chàng thợ sửa quần áo thành trụ cột gia đình
Hoàn toàn tự chủ, thu nhập cao để có thể chăm sóc gia đình là những điều khiến chàng thợ may 9x điển trai hài lòng với công việc hiện tại.
Từ thợ điêu khắc gỗ Nam trở thành thợ sửa quần áo cũ.
Rời quê tìm một công việc tự chủ
Chàng trai Trần Thành Nam (sinh năm 1991, quê Nam Định) hiện đang hành nghề thợ sửa quần áo cũ ở TP.HCM.
Hòa lẫn với tiếng máy may lè rè, Nam tâm sự bằng giọng trầm ấm: “Tôi rất thích đi học. Nhưng nhà khó khăn vậy nên quyết định chuyển sang học nghề. Sau một năm, tôi bắt đầu làm điêu khắc gỗ, chủ yếu là đồ thờ cúng cho một xưởng trong huyện nhà”.
Nam đã có hơn năm năm làm nghề nhưng anh chàng chưa hài lòng với môi trường bấy giờ. Nam giải thích: “Các anh em nhân công vì sống ở quê ít có gì vui nên hay nhậu nhẹt, tự tập giải khuây sau giờ làm. Tôi không tham gia thì xa cách với mọi người. Nhưng cuộc vui nào cũng tham gia thì hao tốn và ảnh hưởng sức khỏe”.
Mấy năm trước mẹ Nam trong một lần đi phun thuốc trừ sâu thuê cho các hộ dân trong xã đã gặp tai nạn lao động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nam kể: “Hôm ấy mẹ mượn chiếc bình phun thuốc của người quen mà không biết là ống dẫn bị thủng. Ruộng lúa rộng bạt ngàn, mẹ mang bình phun trên vai, đi nguyên một ngày, hết bình này thì pha thêm bình khác. Do vậy thuốc trừ sâu rò rỉ qua ống dẫn rồi ngấm vào da thịt mẹ. Đến khi bà gần đổ gục thì mới biết chuyện gì đang xảy ra”.
Độc tố còn lưu trong người nên sức khỏe của bà ngày càng yếu hơn, cộng thêm bệnh đau khớp lại cứ trở nặng.
Cần tiền để gánh vác gia đình, lại muốn có công việc tự chủ, không cần tụ tập vui chơi nhiều nên Nam quyết định vào Sài Gòn theo gợi ý của người chị gái thứ 3.
Sợ ngày mưa và mong ngày tết
Ba năm trước, Nam đặt chân đến Sài Gòn với mong muốn theo nghề điêu khắc đã học nhưng lại được duyên nghề may đưa đẩy.
Chị gái và anh rể thứ ba của Nam làm thợ may. Trong những ngày mới vào Sài Gòn, Nam thấy anh chị bận rộn nên đã phụ giúp một tay, vừa chờ việc vừa không ngại là ăn không ngồi rồi. Nào ngờ từ cái khéo tay của điêu khắc, Nam nhanh chóng thạo với đường may, nếp cắt, kết, vá quần áo. Anh chàng phụ việc cho anh chị thêm vài tháng thì tách ra làm riêng.
Số tiền khởi nghiệp của anh chàng tính ra chưa đến 2,5 triệu đồng. Anh chàng mua một chiếc máy may cũ giá 2 triệu. Đồng thời sắm thêm các phụ kiện: kim, chỉ, cúc, dây kéo… tổng cộng gần năm trăm ngàn.
Nam chọn thuê một mặt bằng trong hẻm 100 đường Bình Thới để đặt bàn máy và treo biển: Nhận Sửa Nhuộm Quần Áo.
Nam nhớ lại những ngày đầu: “Trong những ngày đầu người ta đi ngang, lựng khựng rồi đi luôn, sau đó mới quay lại và hỏi "sửa quần áo thật à". Tôi nói “phải, không đùa đâu” họ mới mạnh dạn đưa đồ ra. Cái nào đơn giản thì tôi sửa nhanh trong vài phút rồi trả đồ liền làm họ thấy hài lòng để giữ mối”.
Mỗi chiếc áo quần anh sửa có tiền công từ 10 - 15 ngàn. Có nhiều cái chỉ cần 10 phút là có thể giải quyết xong. Thu nhập của anh chàng tương đối ổn định, khoảng từ 7 triệu đồng/ tháng và thường chỉ làm việc 1 buổi trong ngày. Trừ đi chi phí sinh hoạt, nhà trọ, thuê mặt bằng (900.000 đồng), mỗi tháng Nam có thể gửi về cho ba mẹ từ 2 - 3 triệu đồng.Nam cười nói: “Sợ nhất là những ngày mưa, khách rất vắng”. Còn thời gian vui nhất của anh chàng là dịp cuối năm. “Thời gian đó có lễ, tết người ta mua sắm và sửa quần áo nhiều. Tích góp chủ yếu là vào thời điểm ấy. Tết về có thể mang biếu ba mẹ 20 triệu đồng. So với họ hàng và bạn bè làm công chức ở quê, như vậy là hài lòng lắm rồi”.
Nói về những khó khăn trong công việc, Nam cho biết về nỗi lo chung của thợ may là ngồi lâu có thể ảnh hưởng đến cột sống, đau khớp về sau. Bên cạnh đó còn có cái buồn khi gặp phải khách khó tính.
Nam kể: “Có nhiều khách mang đồ ra sửa, bảo đồ này là hàng hiệu, mua giá mấy triệu. Nhưng cầm lên thì thấy nhăn nhúm, co rút, thật tình nhận đồ mà rất bất an”.
Nhiều khách hàng gửi sửa tận 4 tháng mới quay lại lấy. Lúc ấy Nam muốn tìm lại món đồ đó cũng rất khó và cũng không nhớ mặt đồ ra sao. Lúc ấy phải nghe khách trách mắng rồi về kho bới ra tìm.
Do làm thợ sửa lề đường, không có biên nhận hay phiếu giáp lai nên vào mùa đông khách, có lần anh chàng làm lẫn hai số đo với hai chiếc áo giống nhau. Vậy là làm hư đồ và phải bồi thường cho khách.
Tuy nhiên, khi hỏi có ý định đổi nghề trong tương lai không, anh chàng vui vẻ cho biết: “Công việc này giúp tôi có thu nhập, cũng phù hợp với tính cách của mình - thích tự chủ nên hiện tại tôi thấy rất hài lòng”.