Khóc ròng bởi bố chồng đã khắt khe lại hay gây khó dễ, nàng dâu chết điếng khi biết lý do thực sự
Một mình Vân lo liệu gần chục mâm cỗ nhưng chẳng được một lời khen mà cô còn bị bố chồng nói rằng hậu đậu và không làm gì nên hồn.
Vân là con gái tỉnh lẻ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Dù bố mẹ cô quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng ông bà vẫn luôn tâm niệm phải nuôi dạy con đến nơi đến chốn. Vì vậy mà hai chị em cô không chỉ ngoan ngoãn, học giỏi mà còn thạo việc bếp núc.
Nhờ sự quan tâm và rèn giũa của bố mẹ, cả hai chị em Vân đều học đại học ở Hà Nội. Chị cô sau khi tốt nghiệp thì về quê xin việc ở gần nhà còn cô thì ở lại Thủ đô. Với bằng tấm bằng giỏi của một trường đại học có tiếng, Vân không quá khó khăn khi tìm việc làm. Ngay sau khi ra trường, cô có việc làm ở một công ty xuất nhập khẩu. Tại đây cô đã gặp Đạt, chồng của cô bây giờ.
Ngược lại với hoàn cảnh nhà Vân, Đạt là con một trong một gia đình giàu có. Không chỉ có thế tính anh lại còn rộng rãi, thoải mái thế nên sau 2 năm tìm hiểu thì họ kết hôn. Và bây giờ, nửa năm kể từ khi đám cưới, điều duy nhất mà cô thấm thía là làm dâu đã khổ, làm dâu nhà giàu lại càng không dễ dàng.
Nỗi ám ảnh của Vân không đến từ mẹ chồng mà lại mang tên bố chồng. Ông vô cùng chỉn chu, đến mức khắt khe chứ không còn bình thường nữa, nhất là trong chuyện ăn uống. Với ông, mùa nào phải ăn thức nấy, chuyện lễ tiết, cúng bái lại càng phải cầu kỳ. Trước đây nhà chồng cô có thuê giúp việc nhưng cứ dăm bữa nửa tháng là họ lại xin nghỉ vì tính khắt khe của ông.
Ông vô cùng chỉn chu, đến mức khắt khe chứ không còn bình thường nữa. (Ảnh minh họa)
Lúc vợ chồng Vân chuẩn bị đám cưới, mấy bà chị họ bên chồng đã rỉ tai rằng nên ra ở riêng chứ không sống nổi với bố chồng như thế đâu. Khi đó, tôi chỉ cảm thấy ông rất cẩn thận lại khéo léo chứ chưa đến mức như các chị nói nên ậm ừ cho qua.
Vì Đạt là con một nên đám cưới xong, đôi vợ chồng trẻ dọn về sống chung với bố mẹ chồng như một lẽ đương nhiên. Và cơn ác mộng của cô bắt đầu từ đây. Cứ nửa tháng bố chồng cô lại bắt cả nhà tổng vệ sinh một lần vào một ngày cuối tuần. Vợ chồng cô cả tuần đi làm về mệt, nhà thì rộng mà không lẽ để ông bà lau dọn. Cô đề xuất ý kiến thuê giúp việc theo giờ thì ông gạt đi, cho rằng những người đó làm không sạch.
Ông còn liệt kê ra một bản danh sách những việc cần làm từ quét mạng nhện, cọ nhà vệ sinh đến việc giặt giũ toàn bộ chăn ga gối cho cả gia đình… Những việc này Vân đều không ngại nhưng vài tháng dọn một lần thì không sao chứ cứ tần suất nửa tháng thế này thì cô không thể chịu nổi. Đã thế khi cô nhờ chồng phụ giúp thì ông tỏ ý không hài lòng. Ông bảo việc nhà là của đàn bà và cấm chồng tôi làm gì. Đạt dù thương vợ đến mấy cũng sợ bố nên không dám cãi, anh chỉ biết động viên vợ chịu nhịn rồi tối đến thì đấm bóp cho vợ đỡ mỏi.
Nhưng chuyện không chỉ dừng lại ở đó. 3 tháng sau khi cưới, Vân muốn về quê thăm bố mẹ nên tranh thủ cuối tuần hai vợ chồng đèo nhau về. Vừa dắt xe ra khỏi cửa thì bố chồng cô đã mắng xối xả. Ông bảo cuối tuần không tranh thủ dọn nhà rồi chợ búa cơm nước đi lại còn bỏ đi chơi, dù tuần trước cô đã dọn nhà thật sạch rồi.
Ngày 20 tháng trước là giỗ ông nội chồng. Bố chồng Vân là con trưởng nên các chú thím sang nhà cô để lên kế hoạch làm cỗ. Chưa bàn bạc gì thì ông đã thông báo năm nay có dâu mới là Vân lo lắng cỗ bàn, các thím và cháu dâu chỉ cần sang phụ bày biện bàn thờ là được rồi.
Nghe đến đây, Vân rụng rời chân tay. Nhà chồng cô đông con cháu, không kể ở xa không về được thì trong nhà cũng ngót nghét 10 mâm cỗ. Thế mà không hiểu ông nghĩ gì khi phó mặc hết cho con dâu mới. Dù hoảng sợ nhưng không phải là việc không thể nên cô đã xin cơ quan cho nghỉ hẳn 2 ngày để lo chuyện cúng đơm.
Nghe đến đây, Vân rụng rời chân tay. (Ảnh minh họa)
Đến ngày giỗ, mọi người cười cười nói nói vui vẻ trên nhà còn Vân thì cặm cụi dưới bếp với hàng ngàn việc không tên. Các chị họ bên chồng cũng nhặt hộ vài mớ rau, gọt mấy thứ củ quả rồi ngồi buôn chuyện vì lâu ngày không gặp. Cuối cùng thì cô cũng lo xong 10 mâm cỗ và gần như kiệt sức.
Lúc ngồi ăn, họ hàng nhà chồng Vân hết lời khen cô đảm đang, khéo léo. Họ còn bảo bố mẹ chồng tôi may mắn khi thời nay có được nàng dâu như tôi. Những tưởng ông bà sẽ được phen nở mày nở mặt thì bố chồng cô lại buông lời khó chịu: "Ôi. Cái Vân nó có biết làm gì đâu. Nó hậu đậu lắm, không được việc gì nên hồn cả. Vợ chồng tôi phải kèm cặp bao lâu rồi chỉ việc tận tay mới được như vậy đấy."
Vân nghe đến đây thì không kìm được ấm ức nữa. Cô mượn cớ mệt rồi vào phòng nằm khóc. Thế mà cả nhà chồng cô, chẳng ai hỏi han lấy một lời, vẫn cứ vui vẻ ăn uống rồi chúc tụng lẫn nhau. Đến khi mọi người ra về hết thì mẹ chồng cô mới gõ cửa phòng vào gọi cô ra dọn dẹp.
Lúc mở cửa ra thì ôi thôi, trước mắt nàng dâu trẻ là một bãi chiến trường đúng nghĩa đen. Bát đĩa, đồ ăn thừa, rác rưởi ngập ngụa từ nhà trên xuống nhà dưới, từ bàn bếp ra đến phòng tắm. Thế là một mình cô lại cắm cúi dọn dẹp đến tận khuya mới xong.
Trước sự khắt khe quá đáng mà bố chồng dành cho mình, Vân cảm thấy vô cùng mệt mỏi và thất vọng. Mới nửa năm làm dâu mà cô cứ tưởng như cả 50 năm đã trôi qua. Mẹ chồng cô thì hiền, hiền đến mức không dám nói gì, không dám cãi lại một người chồng như vậy. Thế là tranh thủ một lần bố chồng không ở nhà, cô định tìm mẹ chồng để tâm sự. Chưa kịp gõ cửa phòng bà thì Vân đã nghe tiếng bà nói chuyện với chồng cô. Hóa ra anh đã tìm mẹ để hỏi chuyện.
Bà nói, ngay từ đầu bố chồng đã không ưng Vân về làm dâu. Ông cho rằng xuất thân nghèo khó của cô không xứng đáng với gia đình ông. Ông luôn cho rằng con gái quê mùa, tỉnh lẻ như Vân cố bám lấy con trai ông là vì hộ khẩu thành phố và vì Đạt là con trai một trong gia đình giàu có chứ chẳng phải yêu đương gì.
Đứng ngoài cửa mà Vân như muốn ngã quỵ. Cô chưa từng mảy may suy nghĩ chuyện đó chứ đừng nói toan tính như thế. Chẳng lẽ yêu và lấy người mình thương cũng là sai ư? Có lẽ cô sẽ bằng mọi cách thuyết phục chồng ra ở riêng thôi. Cô không thể tiếp tục sống trong cái cảnh này nữa rồi.