Khổ sở nhiều năm vì tủy răng "ăn" mặt

Nguyễn Thạnh - Ngọc Dung,
Chia sẻ

Nhiều người trồng răng sứ, làm đẹp răng hàm bị biến chứng viêm tủy răng mà không biết xử trí đúng chuyên khoa dẫn đến biến chứng, thậm chí tạo ổ áp xe "ăn" thủng ra gò má kéo dài nhiều năm.

Trong một lần bị tai nạn giao thông, chị B.N.D (36 tuổi, ngụ Tây Ninh) bị té gãy 4 răng cửa (còn chân răng) nên đi trồng răng sứ. Đến phòng nha sĩ tại địa phương, chị được thủ thuật lấy tủy trước khi trồng răng giả vào hàm. Thế nhưng, do khâu xử trí lấy tủy còn sót dẫn đến chỗ răng giả viêm, nhiễm trùng, tạo thành ổ áp-xe trồi lên da mặt, hình thành một mụt ghẻ nằm sát cánh mũi.

4 năm bệnh, 3 lần mổ vẫn không khỏi

Suốt 4 năm qua, chị D. đi kiểm tra và điều trị khắp nơi, từ bệnh viện địa phương đến cả chuyên khoa da liễu tại TP HCM, thậm chí sang cả Bệnh viện (BV) Ung Bướu để làm sinh thiết xem có bị ung thư hay không. Tuy nhiên, mỗi nơi chẩn đoán mỗi kiểu và chị bị mổ 3 lần nhưng bệnh tình không khỏi, mủ vẫn cứ hình thành rồi bục ra da mặt.

Gần đây nhất, tại BV Đại học Y Dược TP HCM, chị D. được bác sĩ (BS) chuyên khoa I Đỗ Văn Vân (Phòng khám Phẫu thuật hàm mặt - Khoa Răng Hàm Mặt) chỉ định thực hiện cận lâm sàng chụp cắt lớp thì phát hiện ra áp xe dò rãnh mũi má, ổ viêm từ chân răng theo mạch máu lồi ra trên mặt. Ngay sau khi chị D. được phẫu thuật lấy sạch tủy răng, xử lý ổ viêm thì mụt ghẻ biến mất và sau 2 tháng thì vùng da tổn thương lành lặn hoàn toàn.

Một trường hợp khác, anh N.V.Q cũng bị mụt tương tự nằm trên mặt kéo dài 3 năm không khỏi. Do không có biểu hiện gì về đau răng nên anh Q. không đi khám đúng chuyên khoa. Cuối cùng, tại một trung tâm chuyên khoa hình ảnh ở TP HCM, các BS phát hiện một cái răng của anh Q. đã nhổ nhưng còn sót chân dẫn tới ổ áp xe bục ra ngoài da mặt.

Theo BS Đỗ Văn Vân, việc bị viêm tủy răng dẫn đến áp xe trồi ra thành mụt trên mặt không hiếm. Ông đã giải cứu nhiều trường hợp bị biến chứng tương tự sau khi chẩn đoán đúng bệnh viêm tủy răng.

Khổ sở nhiều năm vì tủy răng ăn mặt - Ảnh 1.

Chị B.N.D với mụt ghẻ trên mặt suốt 4 năm do viêm tủy răng gây ra Ảnh: HÀ GIANG

Làm đẹp, xẹp luôn hàm

Sau một thời gian làm răng thẩm mỹ, chị N.M.Ch (35 tuổi, ngụ Hà Nội) cảm thấy ê buốt răng khi ăn nóng, lạnh. Quay lại cơ sở nha khoa điều trị răng thẩm mỹ để xử lý nhưng tình trạng này ngày càng nặng, chân răng có mủ khiến chị sưng vù một bên má. Tại BV, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm tủy mà nguyên nhân có thể do trước đó đã làm răng thẩm mỹ và trong quá trình mài răng có gây hở tủy.

Chị Đ.T.Ng (43 tuổi) được phát hiện viêm tủy răng sau thời gian dài bị những cơn đau răng thoảng qua. Do chủ quan nên chỉ đến khi đau răng lệch cả mặt không ăn uống được chị Ng. mới đi khám nha sĩ thì phát hiện bị viêm tủy răng cấp ở cả răng hàm số 6 và 7.

Theo BS Hoàng Phong Mỹ, Khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt BV Việt Nam - Cuba, tủy răng là bộ phận quan trọng nhất của răng, giúp phần chân răng bám trụ vào hệ thống xương hàm, cung cấp chất dinh dưỡng nuôi sống răng. Trong trường hợp răng bị viêm tủy mà không được điều trị kịp thời thì sẽ sinh ra đau nhức kéo dài. "Có rất nhiều bệnh nhân ban đầu chỉ là những cơn đau răng thi thoảng mới xuất hiện nhưng dần dần đau nhiều hơn, cơn đau liên tục, lan lên nửa đầu. Khi bị đau răng ai cũng tự nhủ sẽ đi khám nhưng hết triệu chứng đau thì lại quên luôn hoặc cũng chẳng buồn đi khám, chỉ đến khi không chịu được hoặc tình trạng đau răng đôi khi làm méo mó khuôn mặt, lúc này mới chịu đi khám răng" - BS Mỹ chia sẻ.

BS Nguyễn Khánh Long, Phó Giám đốc BV Việt Nam - Cuba, cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra viêm tủy răng nhưng thường gặp nhất là do sâu răng mà không được điều trị. Tiếp đến là tình trạng chấn thương răng, sang chấn khớp cắn hoặc do thủ thuật của nha sĩ trong việc mài cùi làm chụp khi răng còn sống tủy...

Viêm tủy răng là một bệnh lý răng miệng nguy hiểm với dấu hiệu từ những cơn đau thoảng qua đến đau dữ dội lan lên nửa đầu, sử dụng thuốc giảm đau song không thuyên giảm.

"Có những trường hợp bị viêm quanh cuống cấp tính. Khi BS khoan tủy răng đã phát hiện phần chết của tủy răng màu đen, rất thối, nhiều mủ từ trong trào ra. Nhiều trường hợp gây tiêu xương, mất răng hoàn toàn, thậm chí có nguy cơ hoại tử hàm" - bác sĩ Long cảnh báo.

Không bỏ qua chứng ê buốt răng

Theo giới chuyên môn, đa số bệnh nhân đều sống chung với răng ê buốt và chưa có thói quen kiểm tra sức khỏe răng. Người bệnh chỉ tìm đến BS khi các tổn thương như gãy răng, sâu răng, viêm quanh răng, viêm tủy răng. Do đó, để hạn chế những nguy cơ cho sức khỏe răng miệng, cần chú ý theo dõi và đến nha sĩ điều trị ngay khi có các triệu chứng bất thường như: Răng có lỗ sâu lớn; ê buốt khi tiếp xúc thức ăn nóng, lạnh, chua, ngọt; răng bị sang chấn kèm theo các dấu hiệu đau nhức từng cơn tự nhiên (đau tăng dần về đêm) và đổi màu bất thường.

Chia sẻ