Khổ một đời
Chú về đất, thím sống cô quạnh, những ngày tháng hạnh phúc đã thật gần nhưng cũng thật mong manh…
Đám tang của chú Tam diễn ra lặng lẽ, ngoài bà con họ hàng chỉ có vài người bạn đến viếng, dù lúc còn sống, chú nổi tiếng quan hệ rộng và có nhiều bạn bè. Nhìn thím Thu khóc nức nở bên quan tài, có người chép miệng, lắc đầu thở dài: “Mang tiếng có chồng làm quan nhưng đời đã sung sướng được ngày nào đâu”. Bi kịch gia đình thím bắt nguồn từ một chữ… rượu.
Chú Tam là người có tài nhưng lắm tật. Học xong cấp ba, nhờ thành tích học tập xuất sắc, chú được cử sang Nga học về kĩ thuật cơ khí. Nhưng, chỉ được một thời gian, chú bị gửi trả về nước vì uống rượu gây mất trật tự trường học. Về nhà, chú lấy vợ. Hai vợ chồng xây dựng trang trại ở quê vừa nấu rượu nuôi heo vừa chăn nuôi gà vịt. Chính những ngày tháng này đã tiếp tục biến chú thành con ma men. Phần sẵn rượu trong nhà, phần vì mang nỗi chán đời nên cứ chiều chiều, chú lại tụ tập các chiến hữu nhậu nhẹt. Thím Thu thấy không ổn nên đã dẹp việc nấu rượu nuôi heo, khuyên chồng tìm việc làm vì biết chú không thích hợp với công việc nhà nông.
Năm đó, chú quyết tâm thi đại học và đỗ. Vậy là, thím ở nhà vừa làm ruộng, vừa lo nuôi chồng đi học. Suốt những năm tháng sinh viên của chú, thím không ít lần phải lao đao. Chú học giỏi nhưng ham nhậu, nhất là khi bị bạn đồng môn khích bác. Hàng tháng, thím đều phải ra Hà Nội thăm chú để thanh toán nợ cho mấy quán xung quanh trường do những cuộc nhậu liên miên của chú gây ra. Đến năm thứ ba, chú uống rượu đến nỗi thủng dạ dày phải vào viện cấp cứu. Cứ ngỡ sau lần đó, chú sẽ từ bỏ rượu chè, nào ngờ, chú tuyên bố hùng hồn: “Có thể bỏ vợ chứ không thể bỏ rượu”.
Trầy trật mãi, chú cũng tốt nghiệp được đại học, xin vào làm ở một sở của tỉnh nhà. Chú giỏi chuyên môn nhưng vì nghiện rượu nặng nên cứ mãi là nhân viên quèn, không thăng tiến được. Chú nản chí, bỏ việc, sau đó xin đi tàu viễn dương. Cuộc sống xa nhà, lênh đênh trên biển làm chú đã nghiện rượu lại càng nghiện hơn. Mỗi lần trở về nhà, chú đều đặn một ngày ba cữ rượu, trong túi lúc nào cũng có chai volka nhỏ. Bao nhiêu tiền bạc kiếm được đều bị chú ném vào những cuộc nhậu. Thím chỉ biết ngậm ngùi nuôi hai con nhờ vào mấy sào ruộng và sự giúp đỡ của ông bà nội…
Khi đã hơn bốn mươi, chú bỏ nghề đi biển, sức khỏe đã xuống, chú bắt đầu thay đổi. Chú vẫn uống rượu nhưng ít hơn, cho đỡ thèm chứ không đến nỗi say xỉn. Chú xin vào làm ở một công ty cơ khí liên doanh, nhờ có chuyên môn, chỉ sau năm năm, chú được đề bạt chức phó giám đốc. Cuộc sống gia đình chú đầm ấm hơn, thím cũng có phần thanh thản. Nào ngờ, cách đây ba tháng, chú thấy trong người mệt mỏi, đi khám, bác sĩ bảo chú bị ung thư gan giai đoạn cuối vì uống rượu quá nhiều. Khi nằm trên giường bệnh, ai đến thăm chú đều than: “Trẻ ăn chơi giờ già phải chịu”…
Chú về đất, thím sống cô quạnh, những ngày tháng hạnh phúc đã thật gần nhưng cũng thật mong manh…