Khi vợ nhất nhất gọi "mày", xưng "tao"
Anh Hải không thể chấp nhận được kiểu xưng hô của cô vợ đi học thạc sỹ ở nước ngoài. Ai lại cứ một hai mày, tao.
Xưng mày – tao
Anh Hải không thể chấp nhận được kiểu xưng hô của cô vợ đi học thạc sỹ ở nước ngoài. Ai lại cứ một hai mày, tao. Chồng có nói, cô lại cãi: “Bên Tây toàn xưng thế! Chỉ có 2 ngôi mà thôi”. Nếu chỉ có riêng hai vợ chồng, xưng mày tao cũng có thể chấp nhận được. Trước mặt các con, vợ anh Hải cũng xưng mày – tao, trước mặt bạn bè, họ hàng cũng thể, khiến không ít người tưởng hai vợ chồng có chuyện gì.
Nhiều lần anh Hải đã nhắc vợ: “Em đừng xưng mày – tao, anh không thích đâu. Các con cũng lớn rồi, em phải thay đổi cách xưng hô cho con học tập chứ”.
“Tây văn minh thế mà còn xưng mày tao thôi. Bố mẹ cô dì chú bác gì cũng xưng mày tao hết. Anh cứ vẽ chuyện”.
Thấy vợ cứ khư khư bảo thủ thế, anh Hải cũng đành chịu. Anh biết, vợ anh không có ý khinh miệt gì mình. Chả nhẽ vì chuyện này mà anh lại suốt ngày lầu bầu, như bà già lắm lời. Nhiều lúc cũng ậm ừ cho qua chuyện mặc dù ấm ức lắm.
Nhiều lúc vợ anh quen miệng xưng cả mày – tao với con. Và con gái mới 5 tuổi của anh Hải cũng xưng mày – tao với mẹ một cách hồn nhiên!
Trái ngược với vợ chồng anh Hải, vợ chồng nhà chị An lại rất hồn nhiên và thích thú xưng với nhau là mày tao. Nhiều lần chị An giải thích vui: “Đó là cách thể hiện bình đẳng giới ấy mà”.
Nếu ai đến nhà chị An lần đầu, chắc cũng phải choáng vì kiểu xưng hô của nhà chị.
- Mày ơi, trông con hộ tao tí. Tao rửa bát
- Ừ, mày cứ rửa bát đi. Tao cho con học bài đây.
Chồng chị An cũng chẳng phàn nàn gì về cách xưng hô này. Anh bảo, cách nói chuyện như thế rất gần gũi và khiến không khí gia đình được thoải mái trẻ trung.
Xưng là gì bây giờ?
Cách xưng hô phổ biến giữa các cặp vợ chồng từ xưa tới nay là anh – em, mình – tôi, nhà tôi. Nhưng hiện nay không biết có bao nhiêu cách xưng hô hiện đại đến chóng mặt. Nào là chồng vợ, mày tao, bố nó – mẹ nó, ông xã – bà xã, cậu tớ.
Thực tế, không có một quy chuẩn nào về cách xưng hô trong gia đình của hai vợ chồng. Có lẽ bởi thế, nhiều cặp vợ chồng có những cách xưng hô của riêng mình, chỉ cần thân mật, cả hai đều dễ chịu là được.
Tuy nhiên, nhiều cách xưng hô vô tội vạ cũng khiến cho người ngoài, nhất là những bậc bề trên trong gia đình cảm thấy khó chịu vì những cách gọi vô lý như thế! Hơn nữa, ngay cả giữa hai vợ chồng, đôi khi chỉ vì cách xưng hô lại đẩy đến những mâu thuẫn nho nhỏ.
Dù xưng hô cách nào, các cặp vợ chồng cũng nên nhớ rằng một nửa còn lại chỉ muốn được nghe những cách gọi dịu dàng, tình cảm. Vì điều đó mang lại cho họ cảm giác được yêu thương, quan tâm và tôn trọng.
Vì vậy, các cặp vợ chồng nên cân nhắc thật kỹ nên xưng hô thế nào, sao cho cả hai cùng thoải mái và “hợp tình, hợp lẽ”.