“Sự cố” quanh chuyện xưng hô

,
Chia sẻ

Tiếng Việt phong phú các đại từ xưng hô nhưng chính sự phong phú ấy khiến nhiều người lúng túng bởi đôi khi không biết chọn đại từ nào cho phù hợp với một hoàn cảnh cá biệt nào đó.

 
Chỉ cần dùng sai đại từ xưng hô có thể dẫn đến những hiểu lầm hoặc những tình huống khó xử. 

Khó xử

Minh An vào làm việc trong một công ty Nhà nước ngay khi vừa tốt nghiệp đại học. Trong phòng có chị Hoa - một đồng nghiệp nữ khá lớn tuổi. Ban đầu, Minh An định gọi bằng cô nhưng khi để ý thấy các anh chị lớn hơn mình vài tuổi đều gọi người đó là chị thì An cũng bắt chước gọi theo. Sau này, An trở nên khá thân thiết với chị Hoa.  
 
Mọi việc êm ả trôi qua cho đến một ngày kia, cơ quan tổ chức đi dã ngoại và chị Hoa dẫn theo cả gia đình. An choáng váng khi thấy con trai chị có vẻ lớn tuổi hơn cả mình. Hỏi ra mới biết anh ta thực sự lớn hơn An tới 3 tuổi. An đỏ mặt vì theo tuổi thì phải gọi bằng anh, tuy nhiên, đã gọi mẹ là chị, bây giờ lại gọi con trai bằng anh thì chẳng còn biết trật tự ra làm sao nữa. Thế là An lí nhí vài câu rồi kiếm cớ đi chỗ khác. Sau đó, khi trở lại cơ quan, An thường tránh nói chuyện với chị Hoa...

Thảo Ly cũng từng gặp một “tai nạn” với đại từ xưng hô. Thấy các đồng nghiệp nam lớn tuổi thường không thích gọi bằng chú, thế nên, Ly nghe theo lời một chị đồng nghiệp dạy: “Cứ dưới 55 tuổi thì gọi bằng anh cho tiện, vừa rút ngắn khoảng cách, lại đỡ bị yếu thế so với cách gọi chú- cháu”. Một lần, Ly gặp một đối tác nam khoảng hơn 50 tuổi và như thường lệ, cô gọi anh ngọt xớt. Ánh mắt vị khách hơi lộ vẻ ngạc nhiên nhưng Ly không chú ý lắm. Sau khi làm việc, vị khách đó mời Ly đi ăn tối.

Nghĩ rằng đây là phép xã giao, Ly đồng ý. Không ngờ, sau bữa tối lại là một lời mời đi cà phê để “tán gẫu cho đỡ buồn”. Ly bắt đầu thấy có điều gì là lạ, cô cáo bận. Thế nhưng vị khách cố níu kéo, thậm chí khi không giữ cô được, ông ta còn nói: “Vậy chừng nào xong việc em quay lại, mấy giờ anh cũng chờ”. Tá hỏa, Ly ba chân bốn cẳng leo lên xe chạy thẳng. Về nhà, nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, cô mới nhớ là trong khi ăn, ông khách có gọi cô phục vụ (trạc tuổi Ly) lấy giúp cái chén sạch và xưng bằng chú-cháu. Thì ra, ông ta nghĩ Ly gọi ông ấy bằng anh là có ý “bật đèn xanh”.

Đừng gọi tôi là “em”!

Không chỉ trong môi trường công sở, kinh doanh mới gặp vấn đề trong cách xưng hô. Mới đây, Trường Đại học Hoa Sen có tổ chức một buổi tọa đàm về “Xưng hô trong trường đại học”. Rất đông giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu ngôn ngữ tham dự, tranh luận, góp ý kiến quanh việc xưng hô giữa sinh viên và giảng viên trong trường đại học. Có một sinh viên người Pháp đang theo học tiếng Việt tại trường rất hăng hái phát biểu bằng tiếng Việt lơ lớ: “Tôi mới học tiếng Việt thôi nhưng tôi không thích giáo viên gọi tôi bằng “em”. Nếu xét ra, tuổi tác tôi cũng không kém, số con của tôi có khi còn nhiều hơn con giáo viên. Vậy thì, tại sao lại gọi tôi bằng “em”? Tôi thích được gọi bằng “anh” hơn”.

Về việc sinh viên nên xưng “em” hay xưng “tôi”, đa phần các sinh viên đều thừa nhận họ vẫn quen xưng “em” khi nói chuyện, tranh luận, phản biện với giảng viên. Tuy nhiên, điều này đôi khi khiến họ cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, yếu ớt mỗi khi cần phản biện, tranh luận. Cô Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, kể rằng: “Có một giáo viên từng theo học ở trường và được giữ lại dạy. Lúc trước, do khi còn đi học quen xưng “em” với các thầy cô nên trong một buổi họp có rất đông người dự, giáo viên đó đứng lên phát biểu trước toàn thể quan khách và thẽ thọt xưng... em. Tôi nghe mà đứng ngồi không yên”.

Tham gia cuộc trao đổi, anh Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Phục vụ sinh viên và doanh nghiệp - Trường Đại học Hoa Sen, đưa ra ý kiến: “Một sự thay đổi đột ngột có lẽ là khó khăn. Vì thế, trước hết mỗi người cần tự trau dồi kiến thức văn hóa, sự nhạy cảm trong giao tiếp để biết nên dùng đại từ nào cho phù hợp trong từng tình huống để làm hài lòng người đối diện, tránh những bất tiện, những tình huống khó xử do xưng hô không đúng mang lại”.

 Theo Thanh Lê
Người Lao Động
Chia sẻ