Khi nồi cơm điện nấu cơm bị sống, nguyên nhân là gì?
Cơm bị sống khi nấu bằng nồi cơm điện, nguyên nhân nằm ở cách thao tác của bạn hay bản thân chiếc nồi có vấn đề?
Việc nấu cơm trở nên cực kỳ dễ dàng kể từ khi nồi cơm điện xuất hiện. Thế nhưng đôi khi, việc nấu cơm bằng thiết bị này cũng gặp trục trặc. "Khi nồi cơm điện nấu cơm bị sống, nguyên nhân là gì" là câu hỏi đặt ra trong tình huống này.
Nồi cơm điện nấu cơm bị sống, nguyên nhân là gì?
Có khá nhiều nguyên nhân khiến cơm nấu bằng nồi điện bị sống chứ không đơn thuần là do kỹ thuật nấu của bạn.
Nguồn điện không ổn định
Đôi khi chúng ta đặt lòng nồi vào nồi cơm điện và bật nút nấu, nhưng lại quên kiểm tra xem điện có vào hay không, jack cắm điện có ổn định không, hoặc đèn báo trên nồi có sáng lên không. Tình trạng cơm bị sống, sượng có thể bắt nguồn từ nguồn điện, dây dẫn không ổn định.
Chẳng hạn, nếu dây điện của nồi cơm bị đứt bên trong, điều này có thể dẫn đến tình trạng điện không được cung cấp đủ để nấu cơm. Một trường hợp khác là khi cắm điện, đèn báo sáng nhưng nồi không nóng, có thể do cầu chì hoặc công tắc bị hỏng.
Rơ le nồi gặp trục trặc
Thông thường, rơ le nồi nhảy từ trạng thái nấu sang hâm nóng đồng nghĩa với việc hạt gạo đã nở đều, bạn chỉ cần chờ thời gian phù hợp để đợi cơm ráo nước hoàn toàn và chín hẳn.
Đối với một số trường hợp, tình trạng quá nhiệt khiến rơ le nồi nhảy nút tự động sớm, khi hạt cơm vẫn chưa đủ chín. Nồi hạ nhiệt đột ngột khiến cơm bị sượng, sống. Bạn nên mang nồi đến các đơn vị bảo hành hoặc sửa chữa để đội ngũ nhân viên kỹ thuật có chuyên môn hỗ trợ thay mới rơ le.
Nếu bạn không có đủ kiến thức sâu về nồi cơm điện, không nên tự ý thay rơ le tại nhà.
Lượng nước quá ít
Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng cơm sống. Hạt gạo phải được ngâm với lượng nước vừa đủ mới chín thành cơm. Trong trường hợp bạn cho quá ít nước, hạt gạo bị khô cứng và sống.
Tùy thuộc vào từng loại gạo mà bạn cần đong lượng nước sao cho phù hợp. Trên thành hầu hết các loại nồi cơm điện đều được thiết kế các mực nước riêng, bạn cần chú ý để cơm chín mềm.
Đáy nồi cơm bị móp
Gạo muốn chín thì lòng nồi cơm điện phải tiếp xúc đều với mâm nhiệt để truyền nhiệt lên gạo. Nếu đáy của lòng nồi bị móp méo, cong vênh thì cơm nấu cũng sẽ bị sượng, sống, chín không đều. Vấn đề này không có cách khắc phục nào khác bằng việc đổi trả nồi nếu còn trong thời hạn bảo hành, hoặc sắm nồi cơm điện mới.
Đáy nồi quá cong có thể giảm diện tích tiếp xúc của nồi, dẫn đến không đủ lượng nhiệt cần để nấu chín cơm.
Bí quyết nấu cơm ngon
Nấu cơm rất đơn giản nhưng để cơm ngon và giữ được chất dinh dưỡng thì cách nấu phải chuẩn.
Ngâm gạo trước khi nấu
Việc ngâm gạo trong nước trước khi nấu giúp làm mềm hạt gạo và cơm sẽ chín đều hơn. Nên ngâm từ 30 phút đến 1 giờ trước khi nấu.
Vo gạo đúng cách
Vitamin B1 chủ yếu ở ngoài hạt gạo, việc vo gạo quá kỹ khi nấu cơm sẽ gây mất dưỡng chất. Bạn chỉ nên vo gạo qua 1-2 lần nước để loại bỏ hết bụi bẩn. Nhiều người có thói quen vo gạo qua 4-5 lần nước cho đến khi chỉ còn lại nước trắng trong, đó là sai lầm cần tránh.
Đổ nước vừa đủ
Đổ nước thừa hoặc thiếu có thể khiến cơm bị nhão, khô hoặc không chín đều. Cần đổ nước sao vừa đủ để cơm dẻo ngon. Mỗi loại gạo phù hợp với lượng nước nhất định. Vì thế, khi mua gạo về, bạn cần nấu thử trước. Với 500gr gạo bạn nên đổ vào nồi 600ml nước, sau đó điều chỉnh dần cho phù hợp.
Nấu cơm bằng nước nóng
Nếu nấu cơm bằng nước nóng, lớp ngoài của hạt gạo sẽ bị co lại, tạo lớp màng bảo vệ giúp hạt gạo không bị nứt vỡ, sẽ giữ lại được chất dinh dưỡng. Cách này cũng giúp rút ngắn quá trình nấu cơm, khiến cơm chín nhanh hơn; ngoài ra cũng giúp tiết kiệm năng lượng điện tiêu hao trong quá trình nấu cơm.
Không mở nắp thường xuyên
Việc mở nắp nhiều lần trong quá trình nấu có thể làm giảm nhiệt độ và làm mất lượng hơi nước cần thiết để nấu chín cơm. Hãy chỉ mở nắp khi cần kiểm tra hoặc khi cơm đã chín. Khi mở nắp nồi cơm, hạt gạo sẽ tiếp xúc với không khí, đây là yếu tố phá hủy vitamin trong gạo.