Khi nhạc Việt bị "đạo hàng"

ĐT,
Chia sẻ

Ở Việt Nam, Bảo Thy có thể hát nhạc của Lenka, Noo Phước Thịnh có thể hát nhạc của Hàn Quốc... một cách bình thường. Nhưng khi các ca khúc của các nhạc sỹ Việt bị "chôm" thì lại khiến khổ chủ vô cùng bức xúc.

Với các nhạc sỹ Việt Nam, biết được nhạc của mình bị đạo là một chuyện, còn đòi lại được công bằng và bồi thường thì lại là một chuyện khác nhất là khi việc mua bán bản quyền ở Việt Nam vẫn còn rất mập mờ. Trong khi bản thân ca sĩ Việt còn chưa có ý thức tôn trọng bản quyền, tiếp tục cho ra mắt công chúng những sản phẩm copy dễ dãi và tự tung hô là của mình thì nguy cơ bị người khác đạo lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thế nên trước khi "la làng" một cách ầm ĩ, những người tham gia tạo nên nền âm nhạc Việt hiện đại cũng nên nhìn lại chính mình xem đã có đủ lý lẽ để lên tiếng. Hãy cùng điểm qua những ca khúc có chứng cứ rõ ràng và còn mập mờ của nhạc Việt dính nghi án bị nước ngoài đạo nhạc.

1. "Vầng trăng khóc" của nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung
 
Hình ảnh trong clip tiếng Hoa được cho là đạo "Vầng trăng khóc"
 
"Biển ánh trăng"

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung
 
"Vầng trăng khóc"

"Vầng trăng khóc"là một bản hit đưa tên tuổi Nguyễn Văn Chung thành một nhạc sỹ được nhiều ca sỹ đặt hàng nhất. Cặp song ca Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc đã có một sự kết hợp vô cùng ngọt ngào và tình cảm trong MV đầy cảm xúc này. Không lâu sau, cư dân mạng bắt đầu chuyền tay nhau clip được cho là của ca sỹ Thái hoặc Campuchia hát bài hát có giai điệu giống như "Vầng trăng khóc". Dư luận đã dấy lên nghi ngờ rằng, liệu Nguyễn Văn Chung đạo nhạc nước ngoài hay anh đang là nạn nhân của vụ sao chép này? Tuy nhiên, khi Nguyễn Văn Chung còn chưa biết xử trí thế nào thì trên mạng lại xuất hiện clip nhạc Trung Quốc mang tên "Biển ánh trăng" y hệt như "Vầng trăng khóc" của Việt Nam. Ca sĩ thể hiện ca khúc này là nhóm Bảy Tháng Bảy (7 tháng 7) và do công ty Văn hóa Thiên Lạc tại Bắc Kinh phát hành. Và lần này, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung đã rất quyết tâm làm rõ trắng đen, không để đứa con tinh thần của mình trôi nổi như vậy. Anh có đầy đủ chứng cứ để chứng minh ca khúc này là do anh sáng tác và phía Trung Quốc đã vi phạm bản quyền rõ ràng khi phát hành dưới tên tuổi của một công ty âm nhạc.
 
2. "Chàng trai tháng 12" của Thủy Tiên
 
Thủy Tiên trong MV "Chàng trai tháng 12"
 
"Chàng trai tháng 12" của Thủy Tiên
 
Ca sỹ Campuchia và bài hát được cho là đạo Thủy Tiên
 
Ca khúc của ca sỹ người Campuchia
 
Thủy Tiên là một ca sỹ nhưng cô cũng có khả năng sáng tác nhạc rất hay. Thủy Tiên đã sáng tác rất nhiều ca khúc trong đó ca khúc "Chàng trai tháng 12" được cô dành nhiều tình cảm khi dành tặng nó cho người tình Công Vinh. Một thời gian sau, cộng đồng mạng bắt đầu chuyền tay nhau một clip ca nhạc có tên là Chhet SovanPanha - Ngeay Pderm Min Ngeay Banh Chob của một ca sỹ người Campuchia nhưng giai điệu bài hát thì như chị em song sinh với "Chàng trai tháng 12". Theo thông tin từ cư dân mạng thì ca sĩ đạo Chàng trai tháng 12 của Thủy Tiên là Chhet SovanPanha, một ca sĩ nổi tiếng của Campuchia.
 
Nhiều fan hâm mộ Thủy Tiên đã thể hiện rõ sự bức xúc khi tâm huyết của thần tượng lại bị sao chép trắng trợn như thế. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng chưa tìm ra được ngày Ngeay Pderm Min Ngeay Banh Chob ra đời chính xác nên khó có thể khẳng định Thủy Tiên hay cô ca sĩ người Campuchia đã đạo nhạc của nhau. Trong khi đó, Thủy Tiên cũng từng gặp không ít phiền phức khi bị cho rằng đạo nhạc nền của Sexy Back (Justin Timberlake) và Strong Baby (Seung Ri - Big Bang). Sau đó Thủy Tiên phải lên báo đính chính rằng không đạo nhạc và sự hiểu lầm ở đây chính là việc hai ca khúc gần giống nhau về đoạn beat trống, chứ melody thì hoàn toàn khác nhau. Chính vì những lý lẽ mong manh đó mà chẳng ai có thể lớn tiếng đòi lại công bằng.
 
3. "Ra ngõ tụng kinh" của Trần Thu Hà
 
 
"Ra ngõ tụng kinh"
 
"Princess Of China"
 
Không chỉ nằm trong khu vực châu Á, ca khúc của Trần Thu Hà được nghi là bị cả sao lớn thế giới là Rihanna và Coldplay đạo lại. Theo các thành viên một diễn đàn âm nhạc của Mỹ và nhiều diễn đàn của Việt Nam, ca khúc Princess Of China của 2 ngôi sao ca nhạc đình đám này đã đạo ý tưởng của bài hát Ra ngõ tụng kinh (sáng tác Trần Tiến) nằm trong album Trần Tiến của Hà Trần đã ra mắt từ năm 2008. Cư dân mạng và người yêu âm nhạc cho rằng giai điệu và ngay cả lời của hai ca khúc này khá giống nhau, mặc dù nhạc cụ được sử dụng để tạo hiệu ứng cho cả 2 bài hát có phần khác nhau. Nhất là đoạn nhạc mở đầu cũng như điệp khúc của Princess of China nghe na ná như Ra ngõ tụng kinh.
 
Diễn đàn âm nhạc nổi tiếng ở Mỹ là ATRL lập hẳn một topic có tên "Coldplay & Rihanna plagiarizing Vietnam music?” với 5 trang comment. ATRL bình luận: "Trong năm 2008, Hà Trần phát hành album của nhạc sĩ Trần Tiến. Album cho thấy sự trưởng thành của Hà Trần và bức tranh tổng thể về âm nhạc Trần Tiến. Trong album này, Hà Trần khéo léo sử dụng giọng nói của mình như một công cụ, cô hát như nói chuyện, tự nhiên và cân bằng trong cảm xúc”. Đa số bình luận của thành viên diễn đàn này cho rằng, Rihanna chắc chắn đã có sự đạo nhạc của ca sĩ Việt Nam. Vụ việc này tiếp tục lùm xùm khi phía Việt Nam cũng khẳng định chắc nịch là chắc chắn đã có sự "xào nấu" lại ca khúc của Trần Thu Hà. Nhạc sĩ Thanh Phương - người phối khí album “Trần Tiến” của Hà Trần - cho biết, ngay sau khi nghe Princess Of China, anh đã giật mình. “Câu nhạc đầu tiên của Princess Of China phải nói là giống tới 80% câu nhạc tôi làm cho Ra ngõ tụng kinh. Đây là câu nhạc chủ đạo của Ra ngõ tụng kinh và cũng là câu chủ đạo của Princess Of China".

Có thể nói, dù các nạn nhân đều rất bức xúc khi phát hiện mình bị đạo nhưng một là họ sẽ im lặng cho qua, hai là cũng có những phản hồi nhưng thực sự chưa có kêt quả gì cả. Trong thời buổi mà nghệ sĩ trọng tiếng tăm hơn lòng tự trọng, đạo nhạc đã trở thành chiêu trò khá hữu hiệu, những ca khúc nước ngoài chẳng hề được mua bản quyền vẫn được hát bằng tiếng Việt ồ ạt ở Việt Nam thì chúng ta làm sao có thể lớn tiếng trách người. Nhưng nếu như nhìn một cách tích cực hơn thì người ta có thể nghĩ rằng, sau bao năm nhạc Việt lui cui tìm hướng đi, sau bao nhiêu năm đi mượn hơi nhạc người thì giờ đây cũng đã có một chút tiếng tăm riêng với làng nhạc châu Á. Dẫu còn là một cái ao làng nhỏ bé, nhưng nhạc Việt cũng đủ tạo sóng trên mặt ao phẳng lặng. Chúng ta ít nhất cũng đã được nước bạn chú ý và học hỏi theo. Một con đường cũ đã đi qua, hy vọng những người làm nhạc trong tương lai sẽ biết trân trọng mình và những tâm huyết của mình hơn để không bao giờ còn mang tiếng đi đạo nhạc nước ngoài.
Chia sẻ