Khi người Việt “phát cuồng” vì hoa quả nhập: Đẹp mã, giá rẻ nhưng bác sĩ cảnh báo điều ít ai ngờ tới!
Sự khác biệt về giá khiến nhiều người mua không khỏi hoài nghi về chất lượng và nguồn gốc của những sản phẩm này.
Trái cây nhập khẩu từng được coi là "xa xỉ phẩm", chỉ xuất hiện tại các cửa hàng cao cấp với giá thành đắt đỏ và dành cho những ai có thu nhập cao, muốn thưởng thức hay biếu tặng.
Nhưng giờ đây, chỉ cần đến các cửa hàng bình dân, chợ dân sinh, hoặc thậm chí qua các kênh bán hàng online, người tiêu dùng đã có thể dễ dàng tiếp cận trái cây mang mác nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc... Sự phong phú này khiến cho thị trường trở nên sôi động nhưng cũng đầy nhập nhèm, khiến người mua khó có thể biết rõ chất lượng thực sự của từng sản phẩm.
Khi người Việt “cuồng” hoa quả nhập khẩu
Hoa quả nhập khẩu bày bán đa dạng, nhiều mẫu mã với giá thành không quá đắt.
Chị Thu Linh (một người tiêu dùng tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi không dám mua trái cây không nhãn mác vì sợ hàng tẩm hóa chất. Dù trái cây có nhãn nhập khẩu Úc hay New Zealand cũng không chắc chắn hoàn toàn về xuất xứ, nhưng vẫn có cảm giác ngon và sang hơn, mà giá cả không quá cao".
Trường hợp của chị Linh phản ánh tâm lý của nhiều người tiêu dùng hiện nay, đó là coi trái cây nhập khẩu là sự lựa chọn an toàn và sang trọng hơn.
Táo, nho, và lê là những loại trái cây xuất hiện nhiều nhất trên các chợ online với mức giá rẻ đến khó tin. Trên một số trang Facebook chuyên bán hoa quả nhập khẩu, giá nho xanh Mỹ chỉ khoảng 175.000 đồng/kg; Táo Nam Phi được bán với giá chỉ từ 75.000 đồng/kg - thấp hơn nhiều so với các cửa hàng chính thức hay siêu thị.
Trong khi tại Hàn Quốc, nho sữa có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/chùm thì ở Việt Nam, một số cửa hàng lại bán giá dưới 100.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán giá 60-80.000 đồng/kg.
Sự khác biệt về giá khiến nhiều người mua không khỏi hoài nghi về chất lượng và nguồn gốc của những sản phẩm này.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết: "Nếu khâu nhập khẩu không được kiểm soát kỹ lưỡng, trái cây nhập khẩu có thể mang hóa chất độc hại. Hiện tại, quản lý tem mác còn lỏng lẻo nên người dân cần biết cách tự bảo vệ sức khỏe. Trái cây nhập khẩu chất lượng phải có tem và mã vạch để truy xuất nguồn gốc; nếu chỉ có tem thông thường, người tiêu dùng cần xem xét kỹ".
Bên cạnh đó, một số loại trái cây ngoại nhập khi về Việt Nam còn được ngâm bảo quản để giữ độ tươi trong quá trình vận chuyển. Việc này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu không kiểm soát đúng tiêu chuẩn.
Một người sống lâu năm tại Hàn Quốc cho biết, trái cây được hái tại đây rất an toàn, nhưng thương lái khi nhập về lại thường yêu cầu phải ngâm hoa quả qua thuốc bảo quản để đảm bảo trái cây không hư hỏng khi di chuyển xa.
Trái cây nhập khẩu chưa chắc đã an toàn và phù hợp
Bàn về trái cây nhập khẩu, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng (Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng) cho hay: Trái cây nhập khẩu chưa chắc đã tốt và phù hợp bằng trái cây nội địa.
Vị chuyên gia cho biết: "Nhiều người chuộng ăn trái cây nhập khẩu vì cho rằng chúng sẽ ngon, bổ và có lợi sức khoẻ hơn trái cây trong nước. Tuy nhiên, thực tế chưa chắc đã phải như vậy.
Trái cây trong nước mới thực sự phù hợp với sức khỏe và thể trạng của người Việt Nam, bởi thực vật khu vực nào sẽ nuôi dưỡng động vật ở hệ sinh thái đó một cách tốt nhất, bao gồm con người.
Ngay cả những loại trái cây nhập khẩu có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn trái cây địa phương nhưng hàm lượng đó lại vượt quá mức độ mà một người khu vực đó cần.
Đồng thời, trái cây nhập khẩu thường được thu hoạch trái mùa rồi vận chuyển trong thời gian dài, trong khi trái cây ta được trồng đúng mùa tại địa phương, không trải qua giai đoạn bảo quản khắc nghiệt nên sẽ giữ độ tươi ngon nhất có thể".
Một ví dụ điển hình là táo Việt Nam và táo Tây. Theo bảng thành phần dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, táo Việt Nam có hàm lượng canxi và vitamin C cao hơn đáng kể so với táo Tây.
"Trái cây nhập khẩu cũng là nguồn dinh dưỡng tốt để bổ sung đa dạng khẩu vị, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua trái cây nội", bác sĩ Đặng Ngọc Hùng nhắn nhủ.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người tiêu dùng nên ưu tiên trái cây trong nước, đúng mùa và rõ nguồn gốc. Nếu như mua hoa quả nhập khẩu, hãy chọn sản phẩm có tem mác đầy đủ và mã vạch rõ ràng để tránh mua phải hàng kém chất lượng.