Khi người nổi tiếng tiếp tay cho quảng cáo sai sự thật
Thời gian qua, việc tham gia các hoạt động quảng cáo đã trở thành một phần công việc của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng. Tuy nhiên, vì sự dễ dãi một số nghệ sĩ đã “tiếp tay” cho hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối chính khán giả của mình.
Một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm.
Muôn hình, vạn trạng
Các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube, Ticktok…) đã giúp công chúng được tiếp cận, thậm chí là tương tác với những nghệ sĩ, người nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm nghệ thuật tới khán giả, thì nhiều nghệ sĩ còn đang đóng vài trò là những “đại sứ” cho nhãn hàng, thương hiệu… Thời gian, tần suất các nghệ sĩ xuất hiện quảng cáo cho các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… ngày một dày đặc. Thế nhưng việc kiểm chứng chất lượng các sản phẩm đó ra sao thì vẫn đang là một dấu hỏi lớn cho người sử dụng. Điển hình như việc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia quảng cáo các loại “thần dược” có thể chữa được bệnh nan y, tuy nhiên, thực tế những “thần dược” này chỉ là thực phẩm chức năng bình thường.
Có thể kể đến trường hợp của hoa hậu Việt Nam 2016 Mai Phương Thúy với clip quảng cáo “Chỉ sau 3 tuần, những vùng hay tích mỡ của Thúy như nọng cằm, bắp tay, bụng, sau đùi giảm rất rõ rệt. Hơn nữa khi sử dụng sản phẩm này, Thúy rất yên tâm vì các thành phần của nó đều là những chất rất tự nhiên”. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau sản phẩm này đã bị cơ quan chức năng xử phạt và thu hồi giấy phép do quảng cáo sai sự thật. Thậm chí, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phải ra khuyến cáo người dân không mua, sử dụng sản phẩm vi phạm nêu trên và báo cáo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này. Sau đó, hoa hậu đã phải xin lỗi người hâm mộ.
Hay như trường hợp ca sĩ Phương Mỹ Chi quảng cáo cho viên ngậm trắng da và bị cư dân mạng chỉ trích. Sau khi thấy bài quảng cáo của mình có vấn đề, ê kíp của cô đã gỡ. Phương Mỹ Chi khẳng định qua sự việc này đã rút kinh nghiệm và cô sẽ phải khắt khe hơn trong việc tìm hiểu thông tin quan trọng liên quan tới sản phẩm.
Điều đáng nói, việc tham gia các hoạt động quảng cáo các sản phẩm thuốc, thực phẩm của nhiều nghệ sĩ đang khiến khán giả không khỏi băn khoăn. Nhiều nghệ sĩ sau khi xuất hiện trong các clip quảng cáo “dường như bị mắc đủ các loại bệnh”. Cùng một gương mặt nghệ sĩ hôm nay thì yếu sinh lý, khi thì mất ngủ, khi thì ăn không ngon, hôm sau lại đau đại tràng, thận hư, viêm khớp, hôm khác nghiêm trọng hơn là mắc bệnh ung thư…
Không chỉ là quảng cáo sản phẩm về thuốc, nhiều nghệ sĩ còn đồng loạt đăng bài tư vấn về tiền ảo, đầu tư vào tiền ảo như một chuyên gia tài chính mà bất chấp hậu quả. Gần đây nhất lại rộ lên hiện tượng khi một loạt nghệ sĩ đăng bài quảng bá đồ phong thủy trá hình “bói tử vi” trên trang cá nhân. Mặc dù không công khai nhưng bên cạnh nội dung giống nhau thì dưới bài đăng của các nghệ sĩ là việc chia sẻ link dẫn đến trang cá nhân của một người chuyên xem bói giải vận hạn.
Lời xin lỗi muộn màng
Có thể nói, tình trạng những người hoạt động nghệ thuật, nhất là các nghệ sĩ có những hành vi vi phạm pháp luật như phát ngôn phản cảm, cổ vũ, khuyến khích những hành vi không hợp thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội diễn ra khá phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng. Đặc biệt là việc các nghệ sĩ tên tuổi, nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, tuy nhiên tình trạng này không giảm mà có chiều hướng gia tăng, biến tướng tinh vi, phức tạp hơn. Nguyên nhân là do chế tài chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa; áp lực dư luận chưa đủ mạnh nên các vụ việc sai phạm bị phát hiện, xử lý ồn ào một thời gian nhưng cuối cùng thì “đâu vẫn vào đấy”.
Nhiều ý kiến cho rằng, một số nghệ sĩ nhận quảng cáo sản phẩm chỉ vì bạn bè, đồng nghiệp của họ đã quảng cáo trước đó mà không hề quan tâm hay tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, việc quảng cáo sai sự thật là vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng; là quay lưng với tình cảm của công chúng dành cho họ. Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể từng trường hợp, đơn cử chất lượng sản phẩm có thể thay đổi tiêu cực, không còn tốt như thời điểm các nghệ sĩ ký hợp đồng. Nghệ sĩ Việt nên có nhân sự có chuyên môn hỗ trợ hoạt động quảng cáo. Bởi ngoài kiểm tra giấy kiểm định chất lượng sản phẩm, giấy phép quảng cáo sản phẩm, khía cạnh quảng cáo còn có những lưu ý liên quan đến thương hiệu, hình ảnh. Nếu không, họ dễ vướng scandal hoặc có thể bỏ qua một số cơ hội hợp tác tiềm năng chỉ vì từng dính lùm xùm tương tự trong quá khứ.
Nếu nghệ sĩ tham gia quảng cáo ở những khía cạnh tích cực thì họ chính là một kênh thông tin hữu hiệu giúp công chúng mua được những sản phẩm tốt. Tuy nhiên, việc nghệ sĩ không nắm rõ chất lượng sản phẩm khi tham gia quảng cáo sẽ “sai một ly, đi một dặm”, ảnh hưởng đến tên tuổi, hình ảnh lâu dài.