Khám phá ngân hàng tinh trùng lớn nhất Trung Quốc: Nơi giúp 'đàn ông bất lực' được làm cha, hiện thực hoá ước mơ của những phụ nữ độc thân vẫn muốn làm mẹ
Phụ nữ độc thân cũng thường đến ngân hàng tinh trùng để được tư vấn, số lượng có xu hướng tăng lên từng năm, họ hy vọng sẽ sinh con mà không cần kết hôn.
Tháng 2 năm nay, ngân hàng tinh trùng Vân Nam đã đưa ra một sáng kiến kêu gọi sinh viên đại học hiến tặng tinh trùng. Dịch bệnh hoành hành nên không ai hiến tinh trùng, kho dự trữ của một số ngân hàng tinh trùng của Trung Quốc đang báo động.
Chất lượng tinh trùng bị trượt dốc, vấn đề sinh sản ở nam giới đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về tỷ lệ sinh của đất nước này.
Ở Trung Quốc, cứ 6 cặp vợ chồng thì có 1 cặp không thể sinh con. Trong số này, các vấn đề ở nam giới chiếm 40%. Ngân hàng tinh trùng đã trở thành sự lựa chọn cuối cùng của họ.
Ngoài những người vô sinh, còn có những phụ nữ độc thân muốn sinh con đến phòng khám để được tư vấn hay nam thanh niên "đông lạnh tinh trùng" sớm để bảo tồn khả năng sinh đẻ… Họ đều là nhóm khách hàng lớn của ngân hàng tinh trùng.
Tờ Yitiao đã phỏng vấn Lô Quang Tú, một nhà di truyền học nổi tiếng ở Trung Quốc. Năm 1981, bà đã thành lập ngân hàng tinh trùng đầu tiên của Trung Quốc ở Hồ Nam và hiện là ngân hàng tinh trùng lớn nhất trên thế giới.
Cung không đủ cầu - Không muốn kết hôn nhưng vẫn muốn làm bố mẹ
Một ống tinh trùng 50ml chứa đựng cả thảy các yếu tố bao gồm nhân cách, ngoại hình, IQ của một người, sẽ được kiểm tra qua các khâu như sàng lọc bệnh di truyền, sàng lọc virus, nồng độ và xét nghiệm hình thái, sau đó được chia nhỏ vào ống 1ml đông lạnh.
Ngân hàng tinh trùng lớn nhất Trung Quốc lưu trữ 180.000 ống tinh trùng. Thông tin chi tiết về mỗi ống tinh trùng được nhập vào máy tính, lưu trữ trong kho lạnh, chờ đợi đến lúc được đơm hoa kết trái, mở ra một cuộc sống mới.
Lô Quang Tú được nhiều người gọi là "mẹ của những em bé thụ tinh ống nghiệm", "người bà của nhiều trẻ em nhất Trung Quốc". Bà bắt đầu nghiên cứu các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản từ những năm 1980. Năm nay 84 tuổi, bà vẫn ở tuyến đầu giúp đỡ những trường hợp vô sinh và những ca phức tạp hơn.
Vô tinh (chứng không có tinh trùng), thiếu tinh trùng và tinh trùng yếu, đây là vấn đề phổ biến ở nam giới. Sau thời gian điều trị lâu dài không hiệu quả, họ sẽ chọn ngân hàng tinh trùng, sử dụng “mầm sống” của người khác để có con. Đây cũng là lựa chọn cuối cùng của họ.
Những người đàn ông bước vào phòng khám, đa phần đều im lặng và ngại ngùng. Phụ nữ lại có phần lo lắng hơn về việc sử dụng tinh trùng của người khác có ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng hay không, những vấn đề con cái có thể phải đối mặt trong tương lai. Nhưng quyền quyết định cuối cùng thường nằm trong tay người đàn ông vì họ phải đối mặt với việc đứa con không mang dòng máu của mình.
Trong nhiều năm nghiên cứu các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, Lô Quang Tú cũng cảm thấy những thay đổi rõ rệt trong xu hướng sinh đẻ với hàng trăm nghìn bệnh nhân. Số người dưới 30 tuổi gặp vấn đề về khả năng sinh con đang giảm dần. 91% trường hợp tìm đến ngân hàng tinh trùng là các cặp vợ chồng lớn tuổi.
Phụ nữ độc thân cũng thường đến ngân hàng tinh trùng để được tư vấn, số lượng có xu hướng tăng lên từng năm, họ hy vọng sẽ sinh con mà không cần kết hôn.
Lô Quang Tú nhớ lại, cách đây mấy chục năm, một người phụ nữ đến tìm bà, khi đó bà chỉ mới 30 tuổi.
Người phụ nữ vừa khóc vừa chia sẻ câu chuyện tình yêu thất bại. Cô không tin vào hôn nhân, cũng không tin vào tương lai của hai người. "Tôi không muốn làm vợ, nhưng tôi muốn làm mẹ". Đây có lẽ là một suy nghĩ nổi loạn trong thời đại đó.
Trong hơn 40 năm, luôn có những phụ nữ độc thân như vậy đến nhờ giúp đỡ. Nhưng vì chính sách không cho phép, Lô Quang Tú chỉ có thể an ủi và giãi bày vấn đề cho họ hiểu.
Theo số liệu của Frost & Sullivan, năm 2018 Trung Quốc có khoảng 47,8 triệu cặp vợ chồng không thể sinh con, và con số này dự kiến tăng lên 50,3 triệu trong năm 2023.
Sự bùng nổ mạnh mẽ nhất về nhu cầu tinh trùng là sau khi chính sách sinh con thứ hai được nới lỏng vào năm 2016. Chỉ trong tháng đầu tiên, hơn 1.000 gia đình đã đến gặp Lô Quang Tú. Nhiều gia đình trong số này đã chuẩn bị cho việc sinh con thứ hai, nên quyết định gửi tinh trùng vào ngân hàng.
Trong những năm gần đây, nam giới cũng bắt đầu lo lắng về vấn đề sinh đẻ, và "trữ lạnh tinh trùng" đã trở thành sự lựa chọn chủ động của họ. Những đối tượng này chủ yếu là bệnh nhân hóa trị ung thư, những người tiếp xúc với các chất độc hại. Phạm vi đối tượng này được mở rộng vì kết hôn sớm và sinh con sớm đã trở nên khó khăn hơn.
Ví dụ, hai năm sau khi tốt nghiệp, nhiều chàng trai đến ngân hàng tinh trùng để “bảo tồn khả năng sinh con” bởi lẽ họ dự đoán guồng quay cuộc sống vì cơm áo gạo tiền sắp tới sẽ khiến sức khỏe sa sút trầm trọng. Công việc bận rộn cũng không có thời gian yêu đương. Vì vậy, họ đến ngân hàng tinh trùng để trữ lạnh tinh trùng, thời hạn là 10 năm.
“Mầm sống cũng bị kỳ thị”
Đa số người luôn muốn lựa chọn tinh trùng tối ưu để con cái sau này xuất chúng hết mức có thể. Chiều cao là điều họ coi trọng nhất: "Càng cao càng tốt, ít nhất 1m75 trở lên".
Ở một số ngân hàng tinh trùng ở phía bắc Trung Quốc, yêu cầu gen cao hơn 1m8 chiếm 60-70%. Các cặp vợ chồng càng lùn càng khát khao "cải thiện gen".
Tiếp theo là ngoại hình, bao gồm: mắt hai mí, da trắng… Trình độ học vấn càng cao càng tốt, đại học là yêu cầu cơ bản. Chỉ cần có thể được chọn, ai cũng muốn tốt nhất.
Cuối cùng là nhóm máu. Để tránh cho những đứa trẻ sau này phát hiện ra chân tướng chúng không phải là con ruột của bố, tinh trùng phải thuộc về người có cùng nhóm máu với chồng.
Do đó, một số loại tinh trùng bị “ngó lơ” vì không đáp ứng điều kiện của người nhận. Đặc biệt là nhóm tinh trùng của người cao dưới 1m70, không ai thèm ngó ngàng đến. Tuy nhiên, dù yêu cầu cao đến mấy, chất lượng tinh trùng không đảm bảo thì mọi thứ đều công cốc.
Chu Văn Binh là trưởng bộ phận nam khoa của ngân hàng tinh trùng. Ông đã gặp hàng chục nghìn người đến hiến tinh trùng với mục đích riêng. Một số người chỉ đơn giản là tò mò, cũng muốn làm "kiểm tra sức khỏe sinh sản", có người trợ cấp, số còn lại vẫn muốn giúp đỡ người khác có cơ hội làm bố làm mẹ.
Có đến 30-40 người đàn ông thấp thỏm bước vào ngân hàng tinh trùng này mỗi ngày, nhưng chỉ có 6-7 người thành công. Bởi vì hiến tặng tinh trùng giống như một cuộc thi toàn diện. Đầu tiên phải "phỏng vấn", chiều cao hơn 1m7, không hói đầu, không cận thị cao, dáng vẻ nghiêm túc, “không quá đầu đường xó chợ”. Ngoài ra, còn có sàng lọc bệnh di truyền và quan trọng nhất là kiểm tra tinh trùng về mặt số lượng, sức sống, hình dạng. Vì tinh trùng phải trải qua thử nghiệm đông lạnh, do đó yêu cầu rất cao.
Một số người đàn ông không thể chấp nhận việc tinh trùng của mình không đủ tiêu chuẩn nên hỏi bác sĩ rất nhiều câu hỏi: "Lý do là gì? Chất lượng kém đến mức nào? Làm thế nào để cải thiện? Có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?".
Ngân hàng cung cấp 3 cơ hội hiến tinh trùng, miễn là một lần đáp ứng các yêu cầu chất lượng, họ có thể trở thành “một nhà tài trợ”. Vì vậy, lần đầu tiên không đủ điều kiện, nhiều người sẽ về nhà điều trị trong vài tháng rồi trở lại. Song thất bại 3 lần liên tiếp nhiều vô số kể.
Sinh được con không có nghĩa là hạnh phúc
Kể từ lúc thành lập đến nay, với những tiến bộ trong công nghệ bảo quản, ngân hàng tinh trùng không ngừng phát triển và hoàn thiện. Lô Quang Tú cũng dần phát hiện, quan niệm sinh đẻ của mọi người, cùng với thái độ đối với ngân hàng tinh trùng, cũng đang lặng lẽ thay đổi.
Ban đầu, ngay cả khi tình thế bức ép phải sinh con bằng tinh trùng của người khác, mọi người vẫn bảo thủ vô cùng. Khi đó, điều khiến Lô Quang Tú cảm động sâu sắc nhất chính là phụ nữ khi đối mặt với chuyện sinh đẻ sinh sản, họ gánh trên vai trọng trách nặng nề.
Lô Quang Tú còn nhớ rõ một đôi vợ chồng trị liệu nhiều năm vẫn không thể sinh con, mọi chỉ trích đều chĩa vào người vợ. Sau đó, người chồng biết đến ngân hàng tinh trùng, anh nhiều lần thuyết phục vợ.
Kiểm tra y tế, xét nghiệm, chuẩn bị, mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Nhưng người vợ sau đó lại đau khổ kể với bác sĩ Lô Quang Tú rằng chồng về nhà liên tục miệt thị cô vì chuẩn bị có con bằng tinh trùng của người đàn ông khác. Nhưng người chồng không nhớ quyết định này đều do anh mà ra.
Gần đến bước cuối cùng thụ tinh nhân tạo, họ đã chọn từ bỏ vì nghĩ rằng sẽ không chịu được sự xỉa xói và dè bỉu của họ hàng thân thích.
Từng có một cặp vợ chồng gần 40 tuổi tìm đến Lô Quang Tú. Trong trí nhớ của bác, "hai người này cao giống người mẫu", cũng rất thoải mái với vấn đề nhạy cảm. Họ kết hôn ở tuổi 20, hai năm sau người vợ mang thai, nhưng cảm thấy vẫn còn trẻ, không muốn có con, cuối cùng đã bỏ đi đứa bé.
Sau đó, người chồng bị quai bị dẫn đến vô sinh. Lô Quang Tú khuyên họ nên sử dụng tinh trùng để sinh con.
Nghe xong đề nghị của Lô Quang Tú, hai người có chút kinh ngạc, nhưng cũng rất thẳng thắn: "Tinh trùng ở đây không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi", nếu như không thể sinh, bọn họ tình nguyện ở vậy đến già.
“Đối với thế hệ trẻ, con cái không phải là lựa chọn bắt buộc, họ cũng chỉ muốn có cơ thể khỏe mạnh. Ngay cả khi tuổi cao không thể sinh con, cảm xúc hối tiếc sẽ không mạnh mẽ như vậy”.
Những năm trở lại đây, Lô Quang Tú phát hiện, một số người nghĩ hết mọi biện pháp để có con nhưng cuối cùng lại ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng; cũng có người hao phí thời gian và sức lực, rốt cuộc có con rồi thì hôn nhân vẫn tan vỡ như cũ. Sinh được con, không có nghĩa là hạnh phúc.
Do đó, Lô Quang Tú cố gắng khuyên mọi người bảo tồn khả năng sinh đẻ sớm hơn: "Vô cùng có lợi cho người đàn ông. Trữ lạnh tinh trùng, chờ sau này suy nghĩ rõ ràng, quyết định sinh con cũng chưa muộn".
Nguồn: Zhihu