Kháng cáo mới nhất của Hoàng Công Lương: Mong được miễn trách nhiệm hình sự
“Tôi xin hứa sẽ coi đây là bài học kinh nghiệm quý giá cho bản thân trong cuộc đời hành nghề y để khám và chữa bệnh an toàn, tốt nhất cho nhân dân”.
Theo kế hoạch đã được TAND tỉnh Hòa Bình công bố, đầu tuần tới, ngày 13/5/2019 sẽ xét xử phúc thẩm vụ án hình sự "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình làm 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong khi lọc máu.
5 trong tổng số 7 bị cáo có đơn kháng cáo gồm: Hoàng Công Lương - nguyên bác sỹ Đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình; và Đỗ Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) Dược phẩm Thiên Sơn.
Trước đó, bản án sơ thẩm ngày 30/01/2018, TAND thành phố Hòa Bình tuyên phạt Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người" theo Điều 98 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999; bị cáoTrương Quý Dương 30 tháng tù; Trần Văn Thắng 36 tháng tù; Hoàng Đình Khiếu 36 tháng tù; Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999.
Bị cáo Hoàng Công Lương.
Bị cáo Lương mong được xem xét lại tội danh
Như Infonet đã đưa tin , đến thời điểm hiện tại, bị cáo Hoàng Công Lương sẽ chỉ có một luật sư tham gia bào chữa trong phiên tòa xét xử phúc thẩm là luật sư Hoàng Văn Hướng. Đây là luật sư không nằm trong nhóm "hùng hậu" hơn 10 luật sư từng bào chữa cho bị cáo qua hai lần xét xử sơ thẩm.
Trong đơn kháng cáo mới nhất, Hoàng Công Lương bày tỏ mong muốn tòa cấp phúc thẩm xem xét lại về tội danh "Vô ý làm chết người" để giảm đi trách nhiệm của bị cáo ở vai trò là bác sỹ điều trị lọc máu.
Hoàng Công Lương cũng mong được miễn trách nhiệm hình sự khi cho rằng hành vi ra y lệnh của mình là tuân theo quy định về khám, chữa bệnh, không có sai sót về chuyên môn đã được kết luận, nên chưa đến mức phải xử lý hình sự.
"Điều này giúp cho tôi có cơ hội được tiếp tục hành nghề, theo đuổi ước mơ sự nghiệp thầy thuốc của mình từ khi còn nhỏ cũng như cống hiến cho quê hương tỉnh miền núi, mà bản thân tôi cũng là người dân tộc Mường, chữa bệnh cho đồng bào của mình", trích nội dung Đơn kháng cáo.
Bị cáo Lương cho rằng việc được Tòa cấp phúc thẩm "tạo điều kiện" cũng sẽ khiến giới bác sỹ yên tâm công tác, đồng thời hứa coi đây là bài học kinh nghiệm quý giá.
"Cơ hội Tòa phúc thẩm tạo điều kiện cho tôi còn là sự khích lệ động viên các bác sỹ trong ngành yên tâm công tác, phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tôi xin hứa sẽ coi đây là bài học kinh nghiệm quý giá cho bản thân trong cuộc đời hành nghề y để khám và chữa bệnh an toàn, tốt nhất cho nhân dân".
Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Sơn (trái) - nhân viên phòng Vật tư, Thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình - và Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh - chấp nhận bản án sơ thẩm và không kháng cáo.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn kêu oan
Trong khi đó, bị cáo Đỗ Anh Tuấn cũng kháng cáo kêu oan đối với bản án 30 tháng tù, đồng thời kháng cáo đối với phán quyết buộc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn phải bồi thường 30% thiệt hại trong vụ án.
Trong đơn kháng cáo, Đỗ Anh Tuấn cho rằng bản thân không có chức vụ quyền hạn gì trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước; Công ty Thiên Sơn không thực hiện bất cứ một nhiệm vụ công nào với BVĐK tỉnh Hòa Bình, và bản thân bị cáo cũng không được giao thực hiện bất cứ công việc gì với tư cách cá nhân liên quan đến các Hợp đồng đã ký kết với bệnh viện.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Thiên Sơn, nội dung đơn kháng cáo của cựu Giám đốc Đỗ Anh Tuấn viết: "Trong vụ án này, tôi nhận thấy tôi không có lỗi gì liên quan đến hậu quả của vụ án nên không gây ra bất cứ thiệt hại nào".
Bị cáo cũng đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét trong vụ án này có 7 bị cáo đã bị xét xử sơ thẩm, có đánh giá vị trí vai trò của từng bị cáo. Ngoài ra, HĐXX còn chính thức khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục khởi tố các bị can khác trong vụ án.
"Tổng thiệt hại đã xác định, số bị can, bị cáo trong vụ án chưa xác định. Vì vậy, chưa đủ căn cứ xác định thiệt hại do mỗi bị cáo gây ra nên không có căn cứ buộc Thiên Sơn bồi thường thiệt hại", Đỗ Anh Tuấn trình bày.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn và hai luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Bản án sơ thẩm đã viện dẫn Hợp đồng số 64/TS ký ngày 29/12/2009 để xác định hành vi liên kết giữa Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình, đây là Hợp đồng đã được thanh lý từ ngày 18/11/2011.
Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư của Đỗ Anh Tuấn và Công ty Thiên Sơn đã nhiều lần khẳng định Thiên Sơn do Đỗ Anh Tuấn làm Giám đốc là công ty 100% vốn tư nhân; Đỗ Anh Tuấn "không thể là chủ thể" của tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng" vì tội danh nằm trong Chương "Tội phạm chức vụ và yêu cầu chủ thể đặc biệt".
Ngoài Hoàng Công Lương và Đỗ Anh Tuấn, các bị cáo còn lại kháng cáo yêu cầu xem xét lại trách nhiệm vì cho rằng trách nhiệm hình sự là không thỏa đáng.