Khan hiếm nước sạch đe dọa cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới
Một trong những tâm điểm của Tuần lễ Nước Thế giới năm nay là tình trạng hạn hán và khan hiếm nước sạch đang đe dọa cuộc sống của hàng tỷ người trên khắp thế giới.
Sông ngòi cạn nước, trơ đáy. Đất đai khô cằn, nứt nẻ. 47%, tức là gần một nửa diện tích châu Âu, đang bị đe dọa bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 5 thế kỷ qua. Hạn hán làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng nông nghiệp của châu Âu.
Ông Johannes Bahrke - Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) cho biết: "Những thông tin mới nhất về nông nghiệp cho thấy điều kiện thời tiết đặc biệt nóng và khô ở phần lớn các khu vực của châu Âu tiếp tục làm sụt giảm đáng kể triển vọng năng suất đối với vụ thu hoạch mùa hè. Theo các nhà khoa học của EC, thời tiết được dự báo sẽ vẫn ấm hơn và khô hơn bình thường ở khu vực Tây Địa Trung Hải cho đến tháng 11".
Trong khi đó tại Mỹ, hạn hán và mực nước trong các hồ chứa giảm thấp kỷ lục khiến chính quyền liên bang phải cắt giảm nguồn nước từ sông Colorado. Dòng sông này cung cấp nước cho khoảng 40 triệu người dân khu vực miền Tây nước Mỹ. Nguồn cung nước giảm là một đòn giáng mạnh vào ngành nông nghiệp các bang ở hạ lưu sông.
Bà Sarah Porter - Giám đốc Trung tâm Chính sách về nước Kyl cho rằng: "Khu vực dọc theo nhánh chính của sông Colorado là những nơi thích hợp để sản xuất nông nghiệp vì khí hậu ấm áp và vốn từng có nguồn cung nước dồi dào. Đất nước chúng ta phụ thuộc vào lương thực, thực phẩm được tạo ra ở đây. Vậy nên, nông nghiệp suy giảm chắc chắn sẽ có những tác động nghiêm trọng".
Còn tại Trung Quốc, nhiều biện pháp đang được thực hiện để đảm bảo cung cấp nước cho các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Chính quyền thành phố Trùng Khánh đã triển khai các xe chở nước sạch về địa phương. Tỉnh Hồ Bắc đã bắt đầu dự án gieo mây, làm mưa nhân tạo kéo dài 3 tháng để bảo vệ mùa màng khỏi nắng hạn. Tất cả đều chỉ là những giải pháp nhằm ứng phó với tình hình trước mắt. Trong khi các nhà khoa học đã cảnh báo rằng thời tiết nắng nóng, khô hạn sẽ trở nên ngày một phổ biến do tác động của biến đổi khí hậu.