Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á

Huyền Trang,
Chia sẻ

Không riêng Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người dân nhiều nước châu Á với nhiều phong tục thú vị.

Trung Quốc và Đài Loan

Tết truyền thống được gọi là “Xuân tiết” (Tết xuân), là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người dân Trung Quốc. Người Trung Quốc chủ yếu theo Phật giáo nên cúng tế luôn được xem là hoạt động cơ bản nhất. Mọi người cúng tế tổ tiên, trời đất để cầu mong được sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và tài lộc sẽ đến với gia đình mình.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 1
Sắc đỏ tràn ngập Tết cổ truyền Trung Quốc.

Người Trung Quốc cũng đón Tết bằng nhiều hoạt động phong phú và đa dạng: biểu diễn tuồng kịch, văn nghệ, múa sư tử, đi hội chùa, trò chơi dân gian… Nhà nào cũng dán hình hai vị thần giữ cửa trước nhà vì tin rằng lũ quỹ sẽ không dám đến quấy rầy. Ban đầu, thần giữ cửa là hình nhân tạc bằng gỗ đào, về sau, người ta vẽ thần lên cửa, hay vẽ lên giấy, cắt rồi dán lên cửa.

Ngày nay, nhiều gia đình đơn giản hóa tục lệ này bằng cách dán hai câu đối chúc mừng ngày Tết (liễn xuân) viết trên giấy đỏ. Tất cả cửa sổ trong nhà cũng được trang trí bằng cách dán giấy cắt hoa văn màu đỏ.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 2
Tết không thể thiếu những màn biểu diễn múa sư tử.

Với người dân Trung Quốc, bữa cơm đoàn viên vào đêm Giao thừa cực kỳ quan trọng, thường được tổ chức ở nhà riêng hoặc nhà trưởng tộc. Bữa cơm đêm Giao thừa thường rất sang và theo truyền thống sẽ có gà và cá và sủi cảo. Ở một số khu vực còn có phong tục ngộ nghĩnh khi gói sủi cảo: lấy một vài đồng tiền xu rửa sạch rồi gói vào trong nhân bánh, người nào ăn trúng những cái bánh có đồng tiền xu thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm tới.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 3
Sủi cảo tượng trưng cho sự giao hòa, chuyển đổi giữa năm cũ và năm mới.

Nhiều món ăn Tết của người Trung Quốc có ý nghĩa may mắn như hoành thánh có ý nghĩa là “đầu tiên”, mì kéo có ý nghĩa là “trường thọ”, bánh tổ (Nian Gao) mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên… Đặc biệt, tính theo 12 con giáp, khi đến năm tương ứng với con vật nào, người ta sẽ tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm.

Một tục lệ thú vị khác của Trung Quốc cũng các quốc gia ăn Tết Nguyên đán là tặng phong bao lì xì, mừng tuổi cho trẻ con khi đến chơi nhà bạn bè, người thân trong hai tuần đầu năm mới. Các phong bao này thường có tiền với số lượng thể hiện các con số may mắn hoặc danh giá. Ở Trung Quốc, nhiều người còn giữ tục lệ mang theo một túi cam quýt (tượng trưng cho may mắn) kèm theo những phong lì xì.

Cũng tương tự như người Trung Quốc đại lục, Tết đến, người Đài Loan cũng treo những cuộn giấy đỏ viết những lời ước, lời chúc đầy hy vọng trước cửa nhà. Đặc biệt, tại Đài Loan, trong bữa ăn ngày Tết mà một thành viên trong gia đình không về kịp, cả nhà sẽ dành một ghế trống cho người đó, và như vậy họ vẫn hiện diện cùng với gia đình mình.

Singapore

Gần 80% dân số của Singgapore là người Hoa hoặc liên quan đến gốc Hoa nên quốc đảo Sư tử này rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán âm lịch cổ truyền.

Ngay từ những ngày trước Tết, đèn lồng đỏ đã được treo khắp đường phố Singapore. Khu Chinatown (phố Tàu) - trung tâm của Lễ hội Tết âm lịch ở Singapore - nhộn nhịp mua bán thực phẩm, hoa tươi và trái cây cho ngày Tết. Khu vực này cũng là nơi tổ chức Chunjie (Lễ hội Mùa xuân) với nhiều hoạt động văn hoá khác nhau, nổi bật nhất là Lễ hội Hoa đăng Mừng năm mới, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ diễu hành Chingay kéo dài suốt hơn một tháng, từ tuần cuối tháng chạp năm cũ cho đến Rằm tháng Giêng âm lịch.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 4
Tết Nguyên đán ở Singapore được tổ chức rất long trọng.

Lễ hội Mùa Xuân thể hiện đậm nét văn hoá Singapore, nhất là ở khu người Hoa. Lễ hội hoa đăng được tổ chức trước ngày mồng 1 Tết âm lịch khoảng 15 - 20 ngày với những hình ảnh trang trí ứng với linh vật của năm mới; còn lễ hội Singapore River Hongbao đậm chất văn hóa Trung Hoa thông qua những hoạt động như trưng bày những bức tượng thần thoại Trung Hoa khổng lồ, chương trình biểu diễn của các nghệ sỹ đến từ Tây Tạng, biểu diễn pháo hoa, trình diễn ẩm thực các món ăn truyền thống, thi viết thư pháp và những trò chơi vui nhộn…

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 5
Khi Chinatown rực rỡ trong Lễ hội hoa đăng.

Trong suốt 15 ngày từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày 15 tháng Giêng, trên đất nước Singapore đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động vui xuân. Vào dịp này, người dân Singapore thường đến các đền chùa để lễ thần, Phật, vãn cảnh ở các vườn hoa, công viên, khu di tích, danh thắng văn hóa hoặc đi chơi ở các khu vui chơi giải trí trong cả nước. Tết cũng là dịp để người ta đi thăm họ hàng, bạn bè và đãi tiệc nhau.

Cha mẹ và những người thân đã lập gia đình sẽ gửi tặng “hong baos” (tiền lì xì đựng trong bao đỏ) cho những người thân chưa lập gia đình như một cách cầu chúc may mắn cho họ.

Hàn Quốc

Tết Nguyên đán theo tiếng Hàn gọi là Seollah hay Won Dan (theo âm tiếng Trung Quốc là Tết Nguyên đán). Người  Hàn Quốc quan niệm, sau một năm tất bật lo toan cuộc sống, Tết là thời điểm để các thành viên trong gia đình sum họp bên nhau, thờ cúng tổ tiên, thưởng thức những món ăn truyền thống và cầu chúc một năm mới hạnh phúc, tài lộc. Vào dịp này, những ai ở xa gia đình đều thu xếp công việc để trở về quê nhà thăm gia đình, họ hàng.

Các gia đình dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nhà cửa trước ngày 30 Tết. Buổi tối trước giao thừa, tất cả đều tắm gội bằng nước nóng để tẩy trần, tương tự như tục tắm nước lá mùi vào đêm trừ tịch ở Việt Nam. Trong đêm giao thừa, người ta sẽ đốt các thanh tre trong nhà vì vì tục truyền tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu ngủ thì đến khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn.

Ngày mùng Một Tết, mọi người đều mặc hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng. Nghi lễ này gọi là Chesa, do trưởng nam trong nhà đứng ra thực hiện. Đồ cúng, rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà, trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết lên giấy sớ để đốt đi sau khi cúng. Sau khi chủ gia đình thắp hương, khấn mời tổ tiên, cả nhà sẽ cùng bái lạy làm lễ.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 6
Mâm cúng tổ tiên ngày Tết của người Hàn Quốc.

Sau lễ Chesa là lễ Seba: con cái bái lạy cha mẹ, ông bà. Riêng trẻ em sau khi làm động tác cúi đầu chào năm mới và chúc người lớn may mắn, chúng sẽ được thưởng tiền hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tuỳ thuộc vào tuổi, vị trí của chúng trong gia đình. Kết thúc, cả nhà quây quần cùng nhau thụ lộc những đồ ăn vừa cúng tổ tiên.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 7
Lễ Seba thể hiện sự kính trọng người già và văn hóa truyền thống.

Ẩm thực ngày Tết được các gia đình chuẩn bị rất công phu. Mâm cúng có khi tới hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có món chính là ttok-kuk (là một loại súp gạo với nước dùng bò hay gà), theo tiếng Hàn có nghĩa là “tăng xuân”. Ăn xong ttok-kuk, năm mới mới thật sự bắt đầu. Các món ăn khác cũng hay dùng trong dịp Tết là bánh bao, bánh pindaettok (bánh tráng kếp đậu xanh) và sujonggwa (chè quế) hay shikhye (rượu nấu bằng gạo), chigae (các loại thịt hoặc cá thu nấu mềm), thịt viên bulgogi, bibim (cháo gạo nếp nấu với thịt bò và rau đậu)… và đương nhiên không thể thiếu kim chi.

Người Hàn Quốc cũng thường uống trà vào dịp Tết như trà thơm camip ướp lá cây hồng, trà saenggang ướp gừng, trà kyepicha ướp quế, trà insam trộn với sâm, đặc biệt nhất là trà omija chỉ có ở Hàn Quốc, có đủ cả năm vị ngọt, chua, mặn, cay và đắng.

Sau bữa cơm gia đình, mọi người sẽ đi chúc Tết, đi thăm mộ tổ tiên và du xuân, viếng chùa. Trẻ em sẽ được chơi các trò chơi truyền thống được tổ chức ở các nơi công cộng như kéo co, thả diều, bập bênh và yut-nori - một trò chơi dân gian.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 8
Các thiếu nữ Hàn Quốc chơi Tết.


Triều Tiên

Trước kia, người Triều Tiên đón Tết Nguyên đán vào tháng 10 và tháng 11, gần đây mới chuyển dần sang mồng 1 tháng Giêng âm lịch như một số nước Á Đông khác. Tết của người Triều Tiên cũng kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy saman (phù thủy) đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc…

Đêm 30 Tết, các gia đình quét dọn trong nhà ngoài hiên, treo câu đối, tranh Tết, làm cơm Tết và may quần áo Tết. Sáng sớm ngày mồng 1, mọi người dậy sớm, chỉn chu quần áo đón Tết, quây quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên), sau đó cũng ăn ttok-kuk giống người Hàn Quốc.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 9
Món ttok-kuk cổ truyền của người Hàn Quốc và Triều Tiên.

Ngày mùng Một Tết, người Triều Tiên có phong tục “đuổi quỷ” và “đốt tóc”. Để “đuổi quỉ”, người ta bện một người nộm bằng rơm, nhét tiền vào trong ruột và vứt ra ngã tư đường vào sáng sớm mồng với ý tống khứ ma quỉ, nghênh đón điều tốt lành. Tục “đốt tóc” thường được làm vào buổi chiều mùng Một, khi người ta đem tóc rụng thu nhặt trong cả năm ra đốt sạch, với mong ước năm mới gặp nhiều bình an và xua đuổi dịch bệnh.

Ngày Tết, trước cửa nhà người Triều Tiên không thể thiếu một cái xẻng bằng rơm (bokjori) với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, nhận được phúc lộc quanh năm. Trước đây, ở Triều Tiên còn có những người đi bán rong bokjori vào sáng mùng Một – những người được coi là người đem lại may mắn cho năm mới. Ai gọi được người bán hàng rong bokjori vào nhà càng sớm thì sẽ được nhiều lộc. Ngày nay, không còn những người bán hàng rong như thế nữa, bokjori được mua ở các cửa hàng.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 10
Người Triều Tiên tin rằng, xẻng rơm (bokjori) có thể mang về phúc lộc trong năm mới.

Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Triều Tiên là “cơm thuốc” dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương... rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên đã gọi loại cơm này là cơm thuốc. Họ quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.

Mông Cổ

Mông Cổ cũng là một trong số ít quốc gia ăn Tết Âm lịch giống Việt Nam, gọi là Tết Tsagaan Sar, kéo dài từ ngày mùng Một cho đến ngày mùng Ba âm lịch. Trong suốt những ngày đầu năm mới, người dân Mông Cổ thắp nến trên bàn thờ tổ tiên cả ngày lẫn đêm.

Ngày Bituun (30 Tết), người dân Mông Cổ tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới, thực hiện nghi thức rửa sạch chén bát với sữa ngựa. Vào tối Bituun, mọi thành viên trong gia đình đều tụ tập bên nhau để cùng tiễn năm cũ và đón năm mới. Trong ngày Bituun này, người Mông Cổ cố gắng giải quyết rốt ráo mọi vấn đề khúc mắc, trả mọi khoản nợ nần và ăn thật no do họ tin rằng nếu còn đói, suốt năm mới sẽ bị đói. Vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà. Chén trà đầu tiên của năm mới sẽ được đem ra trước sân vẩy khắp 4 hướng, chén trà thứ hai dành cho chủ nhà, sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 11
Tsagaan Sar là một trong hai ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Mông Cổ.

Ngày mùng Một Tết, ai nấy dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới và nhóm lửa. Tất cả nam giới lên đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện rồi làm lễ xuất hành (đi về hướng tốt theo tử vi). Khi mặt trời vừa ló rạng là lúc những người trong gia đình chào hỏi nhau. Người lớn tuổi nhất ngồi ở hướng bắc, những thành viên trẻ đến chào họ trước khi chào hỏi lẫn nhau, nhưng riêng vợ chồng thì không được chào hỏi nhau trong ngày này.

Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa cừu và sữa dê, thịt cừu nướng, mỳ vằn thắn, bánh buuz (giống như bánh bao), cơm ăn cùng với sữa đông hoặc ăn cùng nho khô… Họ uống sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.

Khám phá phong tục đón Tết Nguyên đán ở các nước châu Á 12
Các món ăn Tết của người Mông Cổ thường làm từ sữa cừu, sữa dê.

Ngày Tết gặp nhau, người Mông Cổ thường chúc nhau: “Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt”, ý chỉ sự sung túc, giàu có.
Chia sẻ