"Khách trọ" trong nhà

Minh Anh,
Chia sẻ

Họa hoằn lắm được một bữa cơm anh Lâm về nhà ăn uống với vợ con. Nhưng những bữa cơm ấm cúng trong nhà cũng chẳng có, một chiếc ti vi to tướng đặt trong nhà bếp.

Hậu là giám đốc một công ty chuyên về quản lý sự kiện. Công việc hằng ngày ở trên cơ quan đầy ắp, tối đến anh vẫn phải mang việc về nhà để làm tới tận khuya. Hầu như không còn lúc nào rảnh để ngồi chơi cùng vợ con. Mà thật ra anh cũng không có chút áy náy nào đối với vợ con, bởi Hà, vợ anh, cũng bận rộn chả kém gì. Ban ngày cô đi làm ở một ngân hàng, tối về lại tham gia một lớp học thêm về quản lý và học ngoại ngữ nâng cao. 9h30 tối cô mới về đến nhà. Con gửi ông bà nội trông, Hai vợ chồng hầu như không có một buổi tối nào ăn cơm cùng nhau. Mà thậm chí, khi nằm cạnh nhau rồi, họ vẫn mỗi người một hướng suy nghĩ cho công việc, hoặc có nói chuyện với nhau thì cũng chỉ là vài ba câu chuyện bên lề ở cơ quan mình và một số những khó khăn đang cần giải quyết. Họ cứ sống như thế, vật vờ như những bóng ma trong ngôi nhà rộng mênh mang.

Giống như gia đình nhà Hậu - Hà, gia đình anh Lâm cũng rơi vào trạng thái như vậy, sáng anh vội vàng dắt xe đi cho kịp giờ làm và tránh tắc đường, hai mẹ con chị Hiên thì đi một hướng khác. Chị đưa con đến trường rồi vội vàng phi xe đến công sở. Trưa cô con gái cưng học bán trú tại trường, còn anh chị thì cơm văn phòng triền miên từ tháng này qua tháng khác. Tối đến, anh tranh thủ đi tập thể thao, gặp gỡ đối tác, những cuộc điện thoại cứ ngày dồn lên một nhiều: “Em và con ở nhà cứ ăn cơm, đừng đợi anh nhé, anh không ăn đâu”. Ban đầu thì chị Hiên còn cố gắng đợi, sau đó thì kể cả anh Lâm không nhắn tin nữa thì chị cũng không chờ chồng về, mà từ việc nấu một bữa cơm tử tế, dần dần chị chán, không nấu nữa, hai mẹ con cứ bữa ăn mì, bữa thì chị chả không muốn ăn, nấu vội vàng cho con thứ gì đó xong thì chị cũng nhịn luôn.

Họa hoằn lắm mới được một bữa cơm anh Lâm về nhà ăn uống với vợ con. Nhưng những bữa cơm ấm cúng trong nhà cũng chẳng có, một chiếc ti vi to tướng đặt trong nhà bếp. Tiếng ồn từ ti vi với 1001 tin tức đáng chú ý, thì cả hai vợ chồng vừa ăn vừa xem khiến họ chẳng còn lúc nào mà nói chuyện với nhau. Chỉ có điều duy nhất mà họ làm đó là ngồi cạnh nhau để ăn cơm cùng mà thôi.



Trong những ngôi nhà to và hoành tráng, người ta cứ nghĩ trong đó sẽ có một gia đình thật viên mãn, và ngập tràn hạnh phúc. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng, lộng lẫy, thì chỉ có duy nhất ngôi nhà là hằng ngày phải lặng lẽ chứng kiến sự tẻ nhạt giữa hai vợ chồng. Cứ sáng sớm người ta còn nghe thấy tiếng động lạch cạch, thấy tiếng xe máy, xe ô tô, tiếng khóa cửa lách cách một lát, rồi ngôi nhà lại chìm trong sự im lặng cho tới 8, 9 giờ tối mới có ánh sáng hắt lên báo hiệu đã có người về.

Nhưng cũng chỉ được đến thế. Vẫn không có những tiếng cười đùa vui vẻ thoải mái như ngày đầu họ mới cưới, không có sự âu yếm hay quan tâm. Mỗi người coi sự mệt mỏi và căng thẳng là của riêng mình và cố gắng tự giải quyết, hoặc coi là một việc đương nhiên. Nhiều gia đình thì thường xuyên có sự cãi vã, nhưng ở đây, tuyệt nhiên không bao giờ có chuyện to tiếng. Họ là những tri thức, họ không bao giờ đôi co với nhau vì mỗi người đã đủ bận rộn tới mức không thể ngồi mà tranh luận, hay cãi vã. Và mỗi người cứ tự sống một cách độc lập, chỉ có ngôi nhà và đứa con là còn có thể nhắc họ rằng: họ đang có cùng chung một trách nhiệm.

Cuộc sống gia đình hiện đại cho họ thật nhiều thứ, nhưng cũng mất đi thật nhiều thứ. Cuộc sống của mỗi người là do tự bản thân người đó lựa chọn, nhưng nếu thực sự đã xác định sống cùng nhau để xây mái ấm, thì ngoài việc phấn đấu và bận rộn, mỗi người cần xem xét những điều gì mình thực sự quan tâm nhất để ưu tiên thời gian. Mỗi ngày, mỗi người, hay mỗi cái bóng lặng lẽ trong ngôi nhà đã và đang cắt dần những khoảng thời gian quý báu của mình cho vấn đề mà họ ưu tiên đó, họ đã và đang cắt đi những hạnh phúc đơn giản của mình. Ban đầu có thể là hơi chông chênh, nhưng rồi thành thói quen và họ chấp nhận như một sự hiển nhiên. Nhưng chính sự hiển nhiên đó có thể sẽ là một thói quen nguy hiểm nếu như không ai xác định được cuộc sống đang gặp vấn đề gì và phải cần làm gì để thay đổi nó.

Chia sẻ