Mất hứng vì đang "yêu" vợ cũng cằn nhằn

Thụy Anh,
Chia sẻ

Đang "yêu" vợ lại cằn nhằn: “Anh là hay tơ tưởng đến các cô người mẫu sexy lắm. Cứ hay lên mạng down mấy cái ảnh vớ vẩn ấy”, hoặc là "Gớm, lại không tắm sao mà hôi thế"...

Hết giờ làm đã lâu nhưng Trung (29 tuổi), nhân viên kế toán cho một công ty ở Trung Hòa, Cầu Giấy vẫn còn chần chừ ngồi lại công ty. Những người đồng nghiệp có hỏi sao về muộn thế thì anh chỉ ậm ừ rằng bận công việc cho qua chuyện. Nhưng thực ra anh Trung đang cảm thấy vô cùng chán nản khi nghĩ đến việc về nhà.

“Cứ nghĩ đến việc về nhà nhìn thấy khuôn mặt hầm hầm tức giận của vợ, rồi bắt đầu cằn nhằn, nhai đi nhai lại những chuyện đã qua là tôi chẳng muốn bước chân về nữa”, anh Trung buồn rầu nói.

Anh tâm sự rằng, vợ anh vốn là người nói nhiều. Dù chuyện nhỏ hay chuyện lớn chỉ cần anh làm sai là vợ lại đem ra nói đi nói lại. “Có nhiều lúc đang đi chơi vui vẻ mà thấy chuyện gì là cô ấy lại nói cái điệp khúc “đấy, anh cũng vậy đấy có khác gì đâu. Đàn ông là chúa ích kỉ, chỉ biết tốt, biết sướng cái bản thân mình thôi chứ có bao giờ nghĩ đến vợ con gì. Không dừng lại ở đấy, cô ấy còn phải nói thêm một tràng dài nữa, mà nói thật, tôi đã bị tra tấn cả trăm lần rồi”. Trung nói rằng, vì biết tính vợ như vậy nên anh cũng chẳng trách làm gì, chỉ cố gắng hạn chế tối đa những khuyết điểm của mình để vợ đỡ cằn nhằn.

Thế nhưng đã 2 ngày nay, tình hình gia đình anh càng trở nên căng thẳng hơn, chỉ vì người bạn gái cũ ngày xưa Trung từng rất quý mến, nhắn tin hỏi thăm. Anh Trung nói “Chỉ có vì vậy thôi mà cô ấy lôi đủ thứ chuyện ra để nói. Tôi không có nhà thì thôi chứ cứ về đến nhà là lại nghe đi nghe lại những điều đó. Chán nản và mệt mỏi vô cùng”.



Cũng lấy phải một cô vợ thích cằn nhằn như anh Trung, nhưng anh Lâm (30 tuổi), nhà ở Hàng Chuối (Hà Nội) còn ở tình trạng “khốn khổ” hơn nhiều.

Theo lời kể của anh Lâm thì vợ ăn vốn rất dịu hiền, nhưng lấy nhau được chừng 1 năm, có lẽ là do quá nhiều áp lực quá nên ngày nào cô ấy cũng phải cằn nhằn cứ như là xả stress vậy. Từ chuyện đi làm sớm, đi làm muộn, sáng ăn sáng không có gì,... đến chuyện nhà bẩn, quần áo thay ra nhiều. “Cứ động đến thứ gì trong nhà là cô ấy lại có sẵn một bài cải lương để ca cho tôi nghe cả ngày cả đêm. Thậm chí ngay cả đến lúc ‘hành sự’, vợ tôi vẫn không thể quên được những lỗi lầm của tôi”. Đang "yêu" mà tự dưng lại cằn nhằn: “Anh là hay tơ tưởng đến các cô người mẫu sexy lắm. Lúc nào cũng lên mạng down mấy cái ảnh vớ vẩn ấy về máy”, hoặc là ‘gớm, hôm nay lại không tắm sao mà hôi thế’… Tôi tụt hết hứng khởi cũng như ham muốn, chỉ có thể lạy vợ tôi mấy cái, rồi tìm chỗ mà ngủ cho nó lành”, anh Lâm bực bội nói.

Chia sẻ về vấn đề này chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hương, trung tâm tư vấn tổng đài 1080 có nói rằng, cằn nhằn có thể coi là “căn bệnh” kinh niên và khó chữa của phụ nữ. Dẫn theo một khảo sát của Anh do Sleep Council thực hiện, 25% đàn ông cho biết họ chẳng bao giờ phàn nàn điều gì khi thức dậy, trong đó phụ nữ chỉ có 14%, số còn lại là thường xuyên càu nhàu, gắt gỏng và khó chịu. “Hàng ngày tôi phải tiếp nhận khá nhiều cuộc điện thoại từ các ông chồng, vì mệt mỏi chuyện cuộc sống lại thêm bệnh cằn nhằn của vợ nên đâm ra phiền muộn, sầu não. Có nhiều người còn xin hỏi ý kiến chuyên gia tâm lý xem có nên ly hôn không nữa”, chị Ngọc Hương kể.

Chuyên gia cũng nói trường hợp của anh Trung, anh Lâm cũng giống như rất nhiều các quý ông khác, vì lý do vợ nhiều lời, thích cằn nhằn mà họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí dẫn đến tình trạng bản lĩnh và ham muốn đàn ông của họ cũng bị giảm sút.

Cũng theo một điều tra của Feman, một nhà tâm lý học Mỹ trên hàng nghìn cuộc hôn nhân cho biết rằng “tật than vãn chua chát gây tai họa cho gia đình còn nhiều hơn là thói bỏ bê việc nhà và lăng nhăng hợp lại”.

Với những trường hợp có vợ mắc bệnh cằn nhằn như thế thì phần lớn các chuyên gia đều khuyên họ nên tâm sự với vợ nhiều hơn để tìm được sự cảm thông chia sẻ từ vợ. “Chính các ông chồng hãy là người trong cuộc để giúp các bà vợ của mình bớt được bệnh cằn nhằn”.

Sau đây là sau phương pháp chữa bệnh cằn nhằn cho các bà vợ để tránh gây stress cho chồng:

- Tự nguyện đề nghị chồng và người nhà nhắc nhở mình chữa bệnh cằn nhằn

- Tập thói quen chỉ nhắc chồng một lần

- Cần ngọt ngào khi muốn nhờ chồng việc gì

- Tập có tinh thần hài hước trong mọi nghịch cảnh

- Có khổ tâm lắm cũng phải bình tĩnh mà nói, hoặc đợi lúc nào mọi chuyện êm êm hãy nói

- Nên tâm đắc mỗi khi không cằn nhằn mà vẫn có kết quả tốt với chồng.

“Chỉ có sự chia sẻ thật sự, quan tâm và cảm thông thật sự mới là những điều có trọng lượng đối với mỗi ông chồng, và là chìa khóa hạnh phúc của mỗi gia đình. Các bà vợ cần phải luôn nhớ kĩ điều này”, chuyên gia Ngọc Hương kết luận.

Chia sẻ