Khách hàng tiếc nuối nhưng không bất ngờ khi Uber sáp nhập với Grab

Bài và ảnh: Lê Bảo,
Chia sẻ

Ngày 26/3, Grab chính thức thông báo về việc thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Trước thông tin trên, nhiều người đang sử dụng cả 2 ứng dụng trên cho biết, không bất ngờ với việc sáp nhập này.

Văn phòng Uber tại Việt Nam tạm thời đóng cửa

Ngày 26/3, Grab chính thức thông báo thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á sẽ được tích hợp vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức hiện có của Grab.

Từ ngày 25/3, phía Uber cũng đã gửi thư đến toàn bộ khách hàng sử dụng ứng dụng này qua email về việc thông báo thay đổi trên.

Khách hàng tiếc nuối nhưng không bất ngờ khi Uber sáp nhập với Grab - Ảnh 1.

Uber gửi thư đến khách hàng về việc thay đổi trên từ ngày 25/3.

Theo đó, ứng dụng Uber vẫn hoạt động tại Đông Nam Á cũng như Việt Nam đến hết ngày 8/4/2018. Sau ngày 8/4, khách hàng sẽ chuyển sang ứng dụng Grab để sử dụng dịch vụ.

Khách hàng tiếc nuối nhưng không bất ngờ khi Uber sáp nhập với Grab - Ảnh 2.

Sáng ngày 26/3 ứng dụng Uber vẫn hoạt động bình thường, khách hàng vẫn có thể gọi xe để di chuyển.

Theo ghi nhận ở Hà Nội, từ chiều ngày 26/3 Văn phòng đại diện của Uber (71 Vạn Phúc – Ba Đình – Hà Nội) đã chính thức dán thông báo tạm đóng cửa. Đồng thời, phía đại diện văn phòng cũng đưa ra thông báo: "Ứng dụng Uber vẫn hoạt động bình thường. Thông tin Uber – Grab sẽ được gửi tới đối tác trong thời gian sớm nhất".

Trước đó, các tài xế Uber cũng nhận được thông báo họ sẽ được chuyển sang hoạt động với ứng dụng Grab kể từ ngày 8/4/2018.

Khách hàng tiếc nuối nhưng không bất ngờ khi Uber sáp nhập với Grab - Ảnh 3.

Rất nhiều khách hàng sử dụng song song 2 ứng dụng đặt xe Uber và Grab.

Trước thông tin trên, tài xế của Uber và Grab cũng đã có không ít băn khoăn, đặc biệt nhiều tài xế cho biết, họ chỉ mong sau chất lượng dịch vụ tốt hơn, mức chiết khấu đảm bảo để lái xe có thể gắn bó lâu dài.

Riêng với người sử dụng dịch vụ, ứng dụng Uber trong nhiều năm qua thì việc chuyển đổi khiến nhiều người nuối tiếc bởi ứng dụng Uber sẽ đi vào kỷ niệm. Đặc biệt khi Uber và Grab "về chung một nhà" họ mong rằng chất lượng dịch vụ sẽ được cải thiện đáng kể so với những gì họ đã từng nhận được.

Tiếc nuối nhưng không bất ngờ khi Uber sáp nhập với Grab…

Rất nhiều khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ Uber và Grab khi được hỏi về việc sáp nhập đã bày tỏ sự nuối tiếc, đặc biệt, với những người đã tin dùng Uber trong suốt thời gian qua.

Trao đổi với chúng tôi, chị Kim Phượng trú tại Hà Đông (Hà Nội) cho hay: "Nếu Uber và Grab chưa đi vào hoạt động thì chúng tôi chỉ có thể lựa chọn phương thức di chuyển bằng taxi hoặc xe ôm truyền thống. Trước đây, khi bắt taxi thì phải ngó nghiêng xem tài xế có chạy đường vòng hoặc có bắt phải taxi "dù" hay không? Nếu bắt xe ôm truyền thống thì bản thân phải mặc cả với lái xe cho hợp lý… Tuy nhiên khi ứng dụng Uber và Grab chính thức hoạt động Việt Nam tôi đã từng có một thời gian dài không sử dụng taxi, xe ôm truyền thống nữa. Bởi khi sử dụng ứng dụng kia, bản thân biết được lộ trình, chi phí cho chuyến đi cũng như phương thức thanh toán linh hoạt".

Chị Kim Phượng cũng bày tỏ: "Uber và Grab sáp nhập bản thân tôi cũng không lấy làm bất ngờ và sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ trong thời gian tới".

Khách hàng tiếc nuối nhưng không bất ngờ khi Uber sáp nhập với Grab - Ảnh 4.

Uber và Grab chính thức "về chung một nhà", từ ngày 8/4 tới đây khách hàng sẽ chuyển toàn bộ sang ứng dụng Grab.

Còn chị Lan Chinh, nhân viên một công ty truyền thông cho hay: "Mình hay sử dụng song song cả 2 ứng dụng và có thói quen check giá cước cả Uber và Grab trước khi quyết định đặt xe. Nếu bên nào giá cước đưa ra rẻ hơn thì mình sẽ sử dụng của ứng dụng đó nhằm tiết kiệm chi phí".

Chị Chinh cũng nhận xét: "Một vài lần mình di chuyển được đón bằng xe rất sạch sẽ thậm chí có lần bắt được chiếc sedan hạng C sang trọng, tài xế lại vô cùng lịch sự. Và theo nhận xét chủ quan của cá nhân mình những tài xế chạy Uber thường sử dụng xe gia đình để chạy kiếm thêm thu nhập".

Trong khi đó, không ít khách hàng trung thành của Uber cũng cho rằng, họ thích Uber hơn bởi dịch vụ cũng có phần "sang chảnh", xe đẹp hơn, tài xế lịch sự. Tuy nhiên, cũng có những khách hàng do dự vì từng gặp rắc rối khi Uber đưa ra cách tính cước cao hơn dự tính cho quãng đường di chuyển nếu do tác động của nhiều yếu tố khác như: tắc đường, thời tiết…

"Mùng 2 Tết, tôi đặt xe Uber từ Hà Đông về Hòa Bình, lúc đó thấy ứng dụng báo giá cước hơn 800.000 đồng, dù giá trên có cao hơn so với bình thường tuy nhiên gia đình tôi đành tặc lưỡi vì ngày lễ tết mà. Tuy nhiên, khi đến nơi thì trên ứng dụng báo cước ngót 3 triệu đồng khiến cả nhà vô cùng hốt hoảng. Chúng tôi có thắc mắc thì bản thân tài xế cũng cho rằng anh ta không hề biết trước số tiền đó, tất cả đều do ứng dụng đưa ra. Sau đó, chúng tôi khiếu nại với phía Uber và được giải quyết, dù kết quả không như mong đợi", chị Thanh trú tại Hà Đông chia sẻ.

Với Grab, dễ có thể nhận thấy trong năm vừa qua không ít vụ lùm xùm xảy ra đối với dịch vụ Grabcar, Grabbike như: Tài xế mâu thuẫn với khách hàng, tài xế mâu thuẫn với xe ôm truyền thống, hoặc nhiều tài xế xe ôm truyền thống giả danh Grab để đón khách…

"Mình đã từng chứng kiến cảnh cánh lái xe ôm truyền thống đuổi đánh các tài xế xe ôm Grab tại bến xe. Tuy nhiên, nhiều tài xế chạy xe ôm Grab cũng gây không ít tai tiếng vì thực sự họ chưa chuyên nghiệp, thậm chí sẵn sàng gây sự với khách. Tôi mong sau sự kiện này phía Grab sẽ có chế tài tốt hơn để bảo vệ tài xế cũng phương thức xử phạt tài xế nếu có vi phạm", chị Hồng Vân trú tại phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm - Hà Nội).

Tuy nhiên, tại các điểm giao thông trọng điểm tại Hà Nội, các bến tàu bến xe người dân có thể dễ dàng nhận thấy các tài xế xe ôm Grab đã "nhuộm" xanh khu vực.

Bỏ lại những luyến tiếc, những khúc mắc, từ ngày 8/4 tới đây ứng dụng Uber và Grab sẽ chính thức là 1 thì hàng triệu khách hàng trên khắp cả nước vẫn mong điều gì đó tốt đẹp hơn như: Giá cước tốt hơn, nhiều khuyến mại hơn, tài xế ứng xử với khách lịch sự hơn...

Uber chính thức có mặt tại Việt Nam năm 2014, chỉ trong vài tháng cuối năm 2014, Uber đã trở thành một hiện tượng trong kinh doanh vận tải.

Nếu như ở nhiều nước, Uber đơn giản chỉ là kiếm thêm thu nhập thì tại Việt Nam, Uber nhanh chóng trở thành một nghề chính. Lợi thế cạnh tranh của Uber là mức giá rẻ hơn nhiều và Uber đa dạng xe, từ bình dân tới cao cấp. Các dòng xe sang như Camry, BMW chạy Uber là chuyện bình thường, mức giá chỉ ngang ngửa với một số hãng taxi. Uber nhanh chóng thu hút được lượng khách hàng lớn.

Chia sẻ