Bộ phim của tôi:

"It’s A Wonderful Life": Cuộc sống tuyệt vời lắm!

Thiên Ý,
Chia sẻ

Số phận bộ phim cũng có nhiều nét tương đồng với số phận nhân vật chính George Bailey: Cũng âm thầm lặng lẽ nhiều năm trời để rồi một ngày tỏa sáng rực rỡ.

It’s A Wonderful Life ra mắt năm từ năm 1946, có nghĩa là cũng khá lâu rồi. Nhưng thời gian càng dài, sức sống của bộ phim lại càng mạnh mẽ, giá trị lại càng nâng cao. Bộ phim được yêu mến ở Mỹ đến nỗi hầu như mùa Giáng Sinh nào cũng được chiếu trên truyền hình và có rất nhiều khán giả theo dõi.

Và bộ phim tuyệt vời này không chỉ đáng xem vào dịp Giáng Sinh. Với sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, bộ phim phù hợp với mọi khán giả, tại mọi thời điểm.



Nội dung phim là sự nhìn lại cuộc đời của nhân vật George Bailey từ khi còn là một đứa trẻ cho đến ngay trước đêm Giáng Sinh, thời điểm mà nhân vật chính ngã lòng muốn kết thúc cuộc sống chính mình.

George Bailey vốn là một người đàn ông giàu ước mơ với lý tưởng ngút trời. Anh luôn nói với mọi người “một ngày nào đó sẽ đi khám phá thế giới”. George tự tin nói rằng: “Tôi biết mình muốn làm gì vào ngày mai, ngày kia. Tôi biết mình muốn làm gì vào năm sau và cả những năm sau nữa. Tôi sẽ phủ bụi của cái thị trấn nhỏ tồi tàn này khỏi chân tôi. Tôi sẽ đi khắp thế giới… Tôi sẽ xây dựng những sân bay, những tòa nhà chọc trời, những cây cầu dài cả dặm”.

Thế nhưng George không bao giờ thực hiện được lý tưởng của mình. Cái chết của người cha khiến mọi kế hoạch của anh đổ vỡ. Anh buộc phải đứng ra quản lý Building & Loan, ngân hàng do cha anh sáng lập với mục đích cho người nghèo vay tiền xây nhà. Nếu anh bỏ đi, Building & Loan sẽ bị giải thể dưới áp lực của Potter, một người giàu có nhưng bần tiện. Anh không thể làm ngơ trước việc người dân nghèo thị trấn mất đi cơ hội được có ngôi nhà tử tế. Và cứ như thế, hết lần này đến lần khác, anh bỏ lỡ cơ hội của mình vì lợi ích và hạnh phúc của những người xung quanh.



Bề ngoài trông George luôn vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng tận trong sâu thẳm, George cảm thấy bất lực, yếu ớt, mặc cảm vì những ước mơ và những dự định không thành. Anh không thể tránh khỏi sự tự ti của một người đàn ông khi chứng kiến bạn bè mình học đại học, đi khắp nơi, làm giàu, còn anh lại chết dí ở quê nhà, nghèo và lặng lẽ.

Khối mâu thuẫn ấy cứ thế âm ỉ tích tụ trong con người George, chồng chất ngày lại qua ngày. Cho đến một hôm ngay trước ngày Giáng Sinh, người chú đãng trí đã làm mất 8.000 đô la, khiến George đứng trước nguy cơ ngồi tù vì để ngân hàng thâm hụt không rõ ràng, thì mâu thuẫn của George bùng nổ dữ dội. Anh trở nên nản lòng. Anh sợ hãi khi nghĩ đến nỗi đau khổ của vợ con khi anh phải vào tù. Anh nghĩ giá mình không sinh ra chắc mọi người đã vui vẻ và hạnh phúc hơn. Vì thế, trong cơn say, anh bước đến cây cầu thị trấn và suy nghĩ về việc nhảy xuống sông.



Cao ở trên trời, các thiên thần nghe rất nhiều lời cầu nguyện dành cho George Bailey. Những lời cầu nguyện dành cho George không chỉ đến từ gia đình, người thân mà còn đến từ rất nhiều người yêu quý và từng được George giúp đỡ. Gần như cả thị trấn Bedford Falls cùng cầu nguyện cho anh.

Vì có quá nhiều lời cầu nguyện dành cho George nên trên trời quyết định cử thiên thần Clarence xuống trần gian để giúp đỡ nhân vật chính. Và thiên thần Clarence, với niềm tin và sự ngây thơ của mình, đã chỉ cho George thấy được ý nghĩa của mình đối với mọi người xung quanh… bằng cách thực hiện lời cầu xin của George (anh ước mình chưa từng được sinh ra).

George đã được chứng kiến một thế giới không có sự tồn tại của mình. Anh bàng hoàng nhận ra rằng khi so sánh mình với người khác, sự tủi thân đã khiến anh quên mất rằng anh có cả “một cuộc sống tuyệt vời”. Anh không “có một triệu đô la” như hồi nhỏ anh vẫn hay mơ ước nhưng anh có cả một kho tàng quý giá gấp nhiều lần con số một triệu đô la kia. Anh nhận ra anh đã thành công hơn cả những gì anh từng ước mơ. 

Dù đã không có được những chuyến khám phá châu Âu, châu Mỹ như anh dự định. Nhưng anh còn đến được những nơi tuyệt vời hơn thế. Cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất của cuộc đời không phải là đến nơi nào đó, hoặc điều nào đó, mà là đến với những con người. Đúng như lời thiên thần Clarence: “Không có người nào là thất bại nếu có bạn bè xung quanh.”

Cuối cùng, George cũng nhận ra sự ngu ngốc của mình khi muốn vứt bỏ món quà quý giá nhất của Thượng Đế là chính sinh mạng của mình. Anh muốn sống trở lại, kể cả có phải vô tù. Anh gào to cầu xin Thượng Đế: “Làm ơn Ngài, hãy cho con sống trở lại.”



Dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn người Mỹ gốc Ý Frank Capra, người được mệnh danh là "nhà thơ" của Hollywood, It’s a Wonderful Life quả thật là một bộ phim ngọt ngào với khả năng truyền cảm hứng tuyệt vời. Một bộ phim tràn đầy tinh thần lạc quan của người Mỹ cộng thêm nét tinh tế nhân văn nhẹ nhàng của người Ý, xứng đáng là một tác phẩm kinh điển trong kho tàng điện ảnh nhân loại.

Một điều đáng để suy nghĩ, là bộ phim ra đời năm 1946, nhưng nó lại không được chú ý nhiều tại thời điểm đó. Cho đến tận thập niên 70 trở về sau, khán giả mới chú ý và hoan nghênh bộ phim. Có người cho rằng, bởi khi đó nó được chiếu nhiều trên truyền hình, nên khán giả mới trở nên quen thuộc và dần nhận ra vẻ đẹp của nó. Nhưng liệu có phải, vào thời kỳ sau, tư tưởng nhân văn của bộ phim It’s a Wonderful Life ngày càng là sự đối chọi hoàn toàn với xã hội Mỹ ngày càng thực dụng. Lúc ấy, khán giả mới nhận ra vẻ đẹp của bộ phim vốn đã đẹp từ thuở xưa?

Nghĩ cũng lạ, số phận bộ phim cũng có nhiều nét tương đồng với số phận nhân vật chính George Bailey: cũng âm thầm lặng lẽ nhiều năm trời để rồi một ngày tỏa sáng rực rỡ.
Chia sẻ