Bật khóc xem "The Way Home"

Hải Anh,
Chia sẻ

Bao lâu rồi bạn chưa gọi điện hay về thăm bà của mình? Rất có thể bạn sẽ muốn làm điều đó ngay khi xem xong "The Way Home".

The Way Home không phải là một bộ phim kịch tính, hoàn toàn không có cao trào, tình tiết chậm rãi cũng y như câu chuyện của người già trong phim, thế nhưng đây lại là bộ phim khiến bạn phải cười, phải khóc, và chắc chắn là phải nhớ.

"The Way Home" (2002) trailer

Bật khóc xem

The Way Home mở đầu bằng cảnh mẹ con Sang Woo trên chuyến xe buýt "cà tàng" đi về vùng quê xa xôi hẻo lánh, nơi có căn nhà lụp xụp và bà ngoại 77 tuổi đang sống một mình. Ly dị chồng, thất nghiệp, nợ nần chồng chất, mẹ Sang Woo đã buộc phải gửi cậu bé cho bà ngoại chăm nom một thời gian. 

Đang quen với cuộc sống thành thị hiện đại, tiện nghi đủ đầy, cậu bé Sang Woo gần như "sốc nặng" khi phải làm quen với cuộc sống ở vùng quê nghèo lạc hậu, tivi thì hỏng, máy chơi điện tử hết pin cũng không tìm được chỗ mua. 

Bật khóc xem

Thói chảnh chọe của trẻ em thành thị khiến Sang Woo vô cùng hỗn láo và coi thường bà ngoại. Cậu bé không cho bà đụng vào người vì sợ... bẩn. Khi ăn cơm, Sang Woo cũng ăn đồ mang từ thành thị về chứ không ăn thức ăn bà nấu. Sang Woo cũng hỗn xược gọi bà bằng những biệt danh như bà già ngốc nghếch, đần độn. Chẳng những vậy, cậu cháu hư còn liên tục bày ra những trò nghịch ngợm tai quái để "phá" bà.

Bà ngoại Sang Woo bị câm nên chỉ có thể ra hiệu bằng cử chỉ. Trước những hành động nghịch ngợm vô lễ của cậu cháu, bà vẫn âm thầm như chẳng có chuyện gì xảy ra. Hàng ngày bà đi gánh nước, nấu cơm, giặt đồ, may vá... bằng đôi lưng còng hằn in những dấu vết tảo tần.

Bật khóc xem

Cứ như vậy, bộ phim tái hiện lại cuộc sống của hai bà cháu giữa miền quê hẻo lánh và buồn tẻ, ngày này qua ngày khác trong sự im lặng có phần đáng thương của người bà và thói "ác độc" trẻ thơ của người cháu. 

Dù cả phim không nói lấy một câu thoại nào nhưng nhân vật bà ngoại vẫn khiến khán giả xúc động đến nghẹn lời. Bà không thể nói, nhưng những hành động của bà luôn đong đầy tình yêu dành cho cháu. Nhỏ nhặt nhất như việc đắp chăn, kê gối cho cháu ngủ, hay lớn hơn là việc bà vượt trời mưa, đường xa mang mấy thứ đồ quê ra chợ đổi lấy gà vì cháu bảo muốn ăn gà rán Kentucky. 

Bật khóc xem

Về phía Sang Woo, các nhà làm phim đã vô cùng tinh tế khi xây dựng nhân vật này theo đúng mô típ một đứa trẻ thành thị quen được nuông chiều nên trở thành khó ưa, ích kỷ. Trong nửa đầu phim, tính cách khó ưa của Sang Woo khiến khán giả phải ghét, thậm chí chỉ muốn... đánh cho nó một trận vì thói hỗn xược. Cuộc sống với bà ngoại dần dần cũng thay đổi tính cách của Sang Woo, nhưng sự thay đổi này cũng được thể hiện rất tinh tế, chân thật chứ không hề khiên cưỡng. 

Bật khóc xem

Sự thay đổi ấy cũng đến rất từ tốn, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, vừa đáng yêu vừa hài hước như khi Sang Woo đi chạy quần áo lúc trời mưa. Sang Woo đang nằm ngủ thì trời đổ mưa. Nó đã định phớt lờ đám quần áo bà vừa giặt phơi ở trên dây ngoài kia. Thế nhưng phớt lờ không được, nó lồm cồm bò dậy đi cất quần áo. 

Ban đầu, nó chỉ định cất quần áo của mình và để mặc quần áo của bà ngoại. Nhưng rồi nửa như áy náy, nửa chẳng yên lòng, nó lại một lần nữa lao ra giữa cơn mưa để cất nốt quần áo của bà. Ai dè vừa cất xong quần áo thì mưa lại tạnh, Sang Woo "khó ưa" một lần nữa mang đám quần áo ra phơi. Phơi xong, vẫn chưa yên lòng, nó còn chỉnh lại đám quần áo trên dây cho đúng thứ tự như bà phơi lúc trước. Chỉ khi trả mọi thứ lại nguyên trạng ban đầu, nó mới hớn hở nở một nụ cười tươi rói...

Bật khóc xem

Nếu là Sang Woo của ngày xưa, hẳn nó đã chẳng thèm bận tâm đến đám quần áo, thậm chí chắc nó còn tỏ ra sung sướng vì mưa làm quần áo ướt để "hành" bà nội phải đi giặt lại. Sự thay đổi của Sang Woo bắt đầu từ nhỏ đến lớn như thế. Thậm chí ngay cả khi đã thay đổi, bản tính ngông nghênh của đứa trẻ ấy cũng khiến cho nó khó lòng thừa nhận rằng mình đã thay đổi. Có đôi khi, nó cố gắng hành động cho giống một Sang Woo láo xược, bất cần trước kia, nhưng càng trở nên như vậy thì nó lại càng áy náy, bất an, tội lỗi.

Bật khóc xem

Cuộc sống với bà nội không chỉ thay đổi tính cách của Sang Woo mà còn giúp đứa trẻ nhận ra tình cảm của nó với người bà mà trước đó nó đã khinh rẻ. Tình cảm ấy cũng lớn dần lên theo năm tháng và bất chợt vỡ òa vào cái ngày mà Sang Woo phải chia tay bà ngoại để trở về thành phố. Nhưng Sang Woo không phải là đứa trẻ dễ bộc lộ tình cảm. Nó xấu hổ. Nó yêu bà nhưng chẳng dám nói, càng chẳng dám thể hiện. 

Bật khóc xem

Hành động của thằng bé 7 tuổi chia tay bà mà chẳng nói chẳng rằng, leo lên xe rồi lại chạy xuống đưa cho bà tập giấy vẽ; lúc ở trên xe thì nhất quyết không thèm nhìn ra cửa sổ nơi bà ngoại đang gọi nó như muốn nói tạm biệt lần nữa; chỉ đến khi xe lăn bánh mới hốt hoảng chạy lại phía cửa kính rối rít vẫy tay chào bà...

Tất cả những điều ấy giản dị, chân thật, đáng yêu mà cảm động muốn khóc.

The Way Home là một bộ phim của những điều như vậy. Ở đó có một tình yêu lặng thầm mà sâu sắc, có một tình yêu thơ ngây mà xúc động. Và hẳn với nhiều khán giả, bộ phim này sẽ làm bạn nhớ đến bà của mình. Bao lâu rồi bạn chưa gọi điện hay về thăm bà? Rất có thể bạn sẽ muốn làm điều đó ngay khi xem xong phim. Bởi có lẽ bạn cũng biết rằng, thời gian của người già không là mãi mãi...

Bật khóc xem

Bật khóc xem
"The Way Home" cũng là bộ phim điện ảnh đầu tay của mỹ nam Yoo Seung Ho. Anh vào vai diễn cậu bé Sang Woo trong phim khi mới lên 9 tuổi.
Chia sẻ