Indonesia từ chối cho du thuyền MV Viking Sun cập cảng
Chính quyền thành phố Surabaya và tỉnh Đông Java của Indonesia đã từ chối tiếp nhận du thuyền MV Viking Sun với 800 khách du lịch Mỹ và Australia do lo sợ sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, du thuyền MV Viking Sun mang cờ Na Uy chở 1.395 hành khách và thủy thủ đoàn, ban đầu dự định cập cảng Tanjung Perak ở Surabaya, thủ phủ của Đông Java, trong ngày 5/3.
Chính quyền Đông Java đã từ chối cho phép du thuyền này cập cảng sau quyết định của Thống đốc Khofifah Indar Parawansa nhằm “không gây nguy hiểm tới sức khỏe của người dân địa phương”. Người đứng đầu Cơ quan y tế tỉnh Đông Java, ông Herlin Ferliana cho biết, trong cuộc họp hôm 4/3, chính quyền tỉnh này đã quyết định không chấp nhận yêu cầu vào neo đậu tại cảng Tanjung Perak nhằm “ngăn chặn sự hoảng loạn của người dân”. Động thái trên diễn ra sau khi có tin hai hành khách trên con tàu này bị sốt.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga ở Jakarta, Indonesia, ngày 3/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trước khi tới Indonesia, du thuyền này từng đến New Caledonia và Australia - quốc gia ghi nhận hơn 50 trường hợp nhiễm COVID-19 tính đến chiều 5/3 - và cảng Labuan Bajo ở tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia hôm 2/3.
Trong một tuyên bố, thị trưởng thành phố Surabaya, Tri Rismaharini nhấn mạnh rằng hành khách của Viking Sun chỉ được phép rời tàu xuống cảng Tanjung Perak sau khi trải qua các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và kết quả chỉ được thông báo 2 ngày sau đó. Tuy nhiên, do không thể tiến hành các xét nghiệm do du thuyền Viking Sun chỉ ghé thành phố Surabaya trong chưa đầy 10 giờ nên các hành khách và thuyền viên sẽ không được phép lên bờ.
Theo lịch trình ban đầu, sau khi cập cảng ở Surabaya, du thuyền MV Viking Sun sẽ tiếp tục hành trình đến cảng Benoa ở Bali và sẽ lưu tại đây tới ngày 10/3, khởi hành đi Lombok vào ngày 11/3, trước khi trở về Surabaya vào ngày 14/3. Sau đó, tàu sẽ tới Sri Lanka và lưu tại đây đến ngày 20/3.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia đã tạm thời ngừng cấp giấy phép cho các sự kiện tập trung đông người, trong đó có cả mục đích quay phim.
Chính quyền Jakarta thông qua Cơ quan dịch vụ một cửa tích hợp (BPTSP) sẽ ngừng vô thời hạn cấp phép cho các hoạt động nói trên theo chỉ thị của Thống đốc Anies Baswedan được ban hành vào ngày 3/3, một ngày sau khi Indonesia công bố 2 trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19.
Trước đó, hôm 2/3, Indonesia đã xác nhận hai trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thành phố Depok ở ngoại ô thủ đô Jakarta. Ngay sau khi tin tức này được đăng tải, một số sự kiện công cộng dự kiến diễn ra tại Jakarta đã bị hủy bỏ hoặc đình hoãn.
Tuy nhiên, Thống đốc Anies đã từ chối bình luận về việc liệu chính quyền Jakarta có cho hủy bỏ cuộc đua xe công thức E, dự kiến được tổ chức lần đầu vào tháng 6 tới hay không.
Cũng trong ngày 5/3, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi thông báo nước này sẽ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với những khách du lịch nước ngoài đã tới những thành phố bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 ở Iran, Italy và Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 8/3 tới.
Việc đề ra những biện pháp nói trên diễn ra sau khi Indonesia áp đặt lệnh cấm tương tự đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc đại lục để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, theo đó ngoài các du khách nước ngoài, các công dân của Indonesia đến từ những quốc gia trên, đặc biệt là những người đã tới các vùng dịch cũng sẽ được kiểm tra sức khỏe bổ sung.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết Indonesia có thể sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19 nhờ độ mở với thương mại quốc tế của Jakarta còn thấp và còn nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tiền tệ.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 4/3 tại Jakarta, tân Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa bày tỏ tin tưởng rằng Indonesia ít có khả năng chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19 so với các nước khác trong khu vực, như Nhật Bản hay Thái Lan.
Theo ông Asakawa, việc nền kinh tế Indonesia chủ yếu dựa vào các hoạt động trong nước là một "lợi thế" trong tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu trong nước, với mức tiêu thụ hộ gia đình tăng 4,97% trong quý IV năm 2019 so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới hơn 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, ông Asakawa không phủ nhận rằng dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Indonesia do làm suy yếu ngành công nghiệp du lịch toàn cầu. Nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia, đã ban hành lệnh cấm du lịch và hạn chế các chuyến bay đến các điểm du lịch bùng phát dịch bệnh nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan.