Huấn luyện viên sức khỏe đầu tiên ở Việt Nam: "Phụ nữ hi sinh không khác gì lò xo bị nén, đàn ông bận mơ tưởng đánh mất hiện tại"
"Nếu dùng tâm linh để soi chiếu thì chắc chắn họ sẽ biết họ là ai, sinh ra để làm gì, rồi xem rằng khát vọng của họ có đáng không, có đúng không và có phù hợp với mình không hay chỉ là khát vọng của xã hội".
Chuyện hi sinh của phụ nữ hay trọng trách phải làm trụ cột trong gia đình của đàn ông Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, vô hình trung, chính là áp lực của xã hội đè nặng lên họ. Phần nhiều những người xung quanh họ vẫn còn giữ quan niệm đó nên dù xã hội có hiện đại đến mấy thì áp lực vẫn còn tồn tại.
Chia sẻ về việc nhiều phụ nữ hiện nay dễ bị mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân chỉ vì vẫn chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến từ xa xưa là phải hi sinh vì gia đình, chị Trần Lan Hương, Huấn luyện viên sức khỏe đầu tiên ở Việt Nam, cho biết: "Tôi định nghĩa rằng: "Hạnh phúc + hi sinh = không tối ưu, không bền vững".
Một người phụ nữ tự oằn mình xuống để hi sinh chẳng khác nào lò xo bị nén, càng hi sinh nhiều, nhẫn nhịn nhiều thì lò xo càng bị nén nhiều, đến khi nào sự hi sinh ấy không được đáp ứng thì lò xo sẽ nổ tung.
Có những hoàn cảnh chúng ta buộc phải lựa chọn, có thể chúng ta nhìn nhận đó là sự hi sinh, nhưng có thể chúng ta nhìn nhận đó là sự chấp nhận một cách thoải mái về tinh thần, tất cả tùy thuộc vào thái độ thôi. Tôi gọi đó là trải nghiệm sống chứ không phải thiệt thòi."
Từng kinh qua các ngành nghề như: nhân viên quỹ đầu tư thuộc ngành tài chính, chuyên viên kinh tế của Tổng lãnh sự quán Mỹ, Giám đốc một quỹ đầu tư SEAF, giám đốc đầu tư phát triển dự án bệnh viện, tư vấn độc lập cho ngành ngân hàng… tưởng như tiền tài danh vọng đều đã đủ cả, vậy mà, sau 7 lần nhảy việc, chị Trần Lan Hương đã quyết định nghỉ việc để chuyên tâm theo học yoga và thiền.
Bản thân mang danh "phái yếu", nhưng chị là một tấm gương dám làm, dám chịu, dám thử thách, dám chấp nhận.
Nói về đàn ông Việt Nam, những người vẫn phải gánh trên vai trọng trách "lập thân", làm trụ cột gia đình, ít nhiều rơi vào trạng thái hụt hơi giữa khát vọng lớn và thực tế bản thân, chị Hương chia sẻ:
"Những người đàn ông như thế bất đắc chí không chấp nhận thực tại, đành chọn sống trong mơ tưởng. Mơ tưởng không sai, cái sai là họ đánh mất kết nối với thực tại mà họ đâu có biết hiện tại chính là bậc thang dẫn tới những khát vọng. Nhưng chính họ là người đã phá vỡ những bậc thang đó.
Nếu dùng tâm linh để soi chiếu thì chắc chắn họ sẽ biết họ là ai, sinh ra để làm gì, rồi xem rằng khát vọng của họ có đáng không, có đúng không và có phù hợp với mình không hay chỉ là khát vọng của xã hội.
Tâm linh sẽ giúp chúng ta không bị lạc lối giữa vô vàn những khuôn mẫu xã hội đặt ra. Nhiều khi, vì tiêu chuẩn xã hội mà con người ta tự dệt cho mình áo khoác để khoác lên mình mà quên mất cái tôi ẩn sâu bên trong."
Cùng ý kiến này, anh Phạm Ngọc Anh, Chuyên gia huấn luyện Phát triển cá nhân và Tư vấn phát triển tổ chức nêu quan điểm: "Nếu một người đàn ông do dự hay sai lầm, trông anh ta sẽ thảm hại y như bị bắt gặp khi đang khóc lóc hay sợ hãi. Đàn ông chỉ có quyền phải mạnh mẽ, trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống.
Đã đến lúc vứt quách mớ định kiến đàn ông phải thế này hay thế khác đi rồi. Do đó, xin hãy một lần, đứng vào vị trí của người đàn ông, để nhìn nhận một cách công bằng và toàn diện. Và nếu sinh ra là "kiếp đàn ông", hãy tự thương chính mình, tự cho mình quyền được bộc lộ tất cả những hỉ - nộ - ái - ố, được trút bỏ tấm áo siêu nhân vào những lúc thực sự yếu đuối, mỏi mệt."