Hot mom Thủy Anh bày tỏ quan điểm về bức ảnh "mưa giấy khen": Thành tích cũng quan trọng nhưng liệu nó có đang khiến thế giới của con chao đảo?
"Thủy Anh không thể nói là mình không quan trọng thành tích của con - nhưng thành tích đó phải đặt trên một bàn cân xem nó có đang khiến cả thế giới của bé chao đảo không. Liệu thành tích đó có khiến con mệt mỏi?", hot mom Thủy Anh tâm sự.
Những ngày gần đây, mạng xã hội đang tranh cãi dữ dội trước bức ảnh chụp lại khoảng một cậu bé ngồi buồn thiu, xung quanh là các bạn cùng lớp đều nhận được giấy khen. Không ít người đã tỏ ra thương cảm cho cậu học trò nhỏ. Có người động viên, lại có người nghi ngờ: Phải chăng cậu bé học quá kém nên mới rơi vào cảnh "bơ vơ" như vậy? Lại có người cho rằng, việc quá nhiều học sinh nhận được giấy khen là dấu hiệu của "bệnh thành tích" bởi: "Ngày xưa cả lớp chỉ có một vài bạn nhận giấy khen. Sao bây giờ lại lắm thế?".
Song song đó, nhiều bậc phụ huynh nhìn ảnh và tự hỏi. Nếu con mình là cậu bé trong ảnh kia thì sao nhỉ? Liệu mình có buồn bã thất vọng vì con không đạt được thành tích hay không?
Có 2 con nhỏ ở độ tuổi đang và sắp đi học, hot mom Thủy Anh - bà xã ca sĩ Đăng Khôi cũng rất quan tâm đến những vấn đề giáo dục, học đường. Khi nhìn thấy "bức ảnh giấy khen", cô cảm thấy khá buồn. Bởi cô cũng từng có cảm giác lạc lõng với các bạn khi còn đang đi học, tuy nhiên trường hợp không giống như cậu bé trên.
Nói về trường hợp của "cậu bé không có giấy khen" và cả những kỳ vọng của bản thân đối với 2 cậu con trai nhỏ, Thủy Anh đã có những giãi bày chân thật, khiến nhiều người phải suy ngẫm:
- Chào Thủy Anh! Là một người mẹ, chị có đặt nặng vấn đề thành tích trên lớp với các con hay không? Với bức ảnh "cậu bé không được nhận giấy khen", chị có quan điểm ra sao?
"Phải nói thế này, là một người mẹ, một phụ huynh có con đang tuổi đi học, mình cũng mong muốn con có được điểm 9, điểm 10 và xa hơn là giấy khen, thứ hạng trong lớp. Mong muốn này là chính đáng và có nhiều điểm tích cực đối với trẻ. Hơn nữa, có những cuộc chơi mà nếu muốn “chiến thắng”, chúng ta phải chơi "theo luật" - như trong xã hội nơi thành tích vẫn được kỳ vọng, thành tích và giải thưởng sẽ dẫn con bạn tới nhiều ưu thế.
Thủy Anh không thể nói là mình không quan trọng thành tích của con - nhưng thành tích đó phải đặt trên một bàn cân xem nó có đang khiến cả thế giới của bé chao đảo không. Liệu thành tích đó có khiến con mệt mỏi? Thành tích đó có khiến bố mẹ bị lao theo cuộc đua không có điểm dừng? Thành tích đó có tạo ra được nhiều giá trị tích cực cho con hay chỉ khiến con nhìn xã hội một màu?
Điều thứ hai, tuy rằng "luật chơi" thành tích là điều vẫn phổ biến nhưng hãy thử nghĩ rộng ra xem, điểm số có phải là thước đo duy nhất đánh giá con người? Có 8 loại trí thông minh, tại sao chỉ thấy thành tích điểm số thấp đã buồn bã thay cho trẻ hay phải cảm thấy bực dọc? Thành tích quan trọng, nhưng thành tích mà chúng ta đang đánh giá liệu có quá nhỏ so với khả năng của trẻ?
Khi có được một cái nhìn thấu đáo và hiểu con, Thủy Anh tin một điều rằng: Thành tích quan trọng, thứ hạng quan trọng nhưng năng lực thực sự của con mới là điều quan trọng, trong đó có cả những năng lực thấu cảm, ngôn ngữ… Nếu con không mang về được tấm giấy khen nhưng thể hiện được rằng, con là một đứa trẻ biết cảm thông và yêu thương mọi người thì đó đã là một tấm giấy khen lớn nhất.
Quay về câu chuyện bức ảnh cậu bé buồn thiu không có giấy khen khi cả lớp đều có để chụp ảnh. Bức ảnh mọi người chia sẻ trên mạng cho thấy sự không khéo của người đăng tấm hình.
- Trong trường hợp các con đi học mà không nhận được giấy khen, chị sẽ xử lý ra sao?
Chắc chắn mình vẫn sẽ động viên và khuyến khích con vì 3 lý do:
Thứ nhất, việc học là con đường dài hạn, dù là vì thành tích hay vì năng lực thì cũng cần có thời gian. Tụi nhỏ mới học cấp một, tương lai là quá dài để chỉ vì không có một cái giấy khen mà ngừng động viên con cố gắng.
Thứ hai, như quan điểm của Thủy Anh về thành tích ở trên, không có giấy khen chỉ là một điều rất nhỏ để đánh giá năng lực của con nên việc con không mang về cũng không sao, bố mẹ còn nhiều cơ hội khác để nhìn nhận được đúng con người con hơn.
Và điều thứ ba: Dù rằng đến vài chục năm nữa, khi con đã lớn mà vẫn nói rằng: "Bố mẹ ơi con không có năng lực gì, con thực sự không biết mình đi về đâu" thì mình vẫn sẽ ủng hộ, khuyến khích, vui vẻ với con. Cuộc sống của một đứa trẻ hay bất cứ ai không phải để người khác phán xét - có năng lực hay không, thì đó vẫn là một cuộc sống đáng trân trọng.
Vì chúng ta là bố mẹ, không phải người phán xét các con".