Hot mom Minh Trang: "Hãy là những người lớn văn minh khi tiếp xúc với trẻ nhỏ"
Một hành động, câu nói kém văn minh của người lớn có thể mang đến cả 1 ngày tồi tệ cho trẻ. Thậm chí là những lo lắng, buồn tủi không đáng có suốt nhiều nhiều ngày sau đó.
Vì sao có những người lớn mà trẻ con mới tiếp xúc đã ngay lập tức yêu mến? Nhưng cũng có nhiều người cứ kêu ca "Sao mình không hợp với trẻ con, mới nói vài câu là chúng nó khóc thét?".
Mình nghĩ 99% nằm ở việc người lớn chúng ta có biết cách và có thực sự “văn minh” khi tiếp xúc và trò chuyện với các bạn nhỏ không!
Nhận diện người lớn kém văn minh:
- Bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách truy nã “Chào chú chưa?”; “Không chào cô à?”; “Sao thấy người lớn không chào?”. Rồi tuôn 1 tràng “Không nhớ chú là ai à?”; “Ôi con bé này 5 tuổi mà không biết chào”…
- Nhận xét về vóc dáng/ngoại hình của trẻ, nhất là những nhận xét kiểu chê "Béo quá/gầy quá, bố mẹ ăn hết phần của con rồi hả?" (cái này kinh khủng nhất), "Cái mũi này là bố mẹ lại tốn tiền cho bác sĩ thẩm mỹ rồi" (vô duyên khủng khiếp), "Xinh quá sau này ối anh theo, chân dài thế này mai sau đi thi hoa hậu là cái chắc!".
- Không quen thân nhưng lại hỏi quá chi tiết về thông tin riêng tư của trẻ hoặc thông tin của gia đình trẻ, hỏi liên tục như tra khảo: "Nhà cháu ở đâu? Cháu học lớp mấy, trường nào? Năm vừa rồi được học sinh gì? Bố làm ở đâu, mẹ làm ở đâu?"...
- Doạ ma, doạ chú công an, doạ ông ba bị, doạ chú râu rậm, hoặc doạ với bất cứ thứ gì.. đến nỗi trẻ sợ tím tái mặt mày, khóc thét lên, hoặc ám ảnh mãi sau này; hay cù léc quá đà đến nỗi trẻ đau quặn, cười không nổi mà chỉ khóc không thành tiếng…
- Đưa ra những nhận định “cho vui miệng” nhưng lại khiến trẻ lo lắng, suy nghĩ rất nhiều: "Mẹ sắp có em bé rồi, cháu sẽ bị ra rìa thôi!"; "Con gái rồi lại lượn thôi chứ nhờ vả được gì!".
- Hỏi và bắt trẻ phải so sánh: "Cháu yêu bà nội hơn hay bà ngoại hơn?"; "Yêu bố hơn hay mẹ hơn?" (mình thực sự không hiểu hỏi những câu này để có được thông tin gì?)
- Giật đồ của trẻ, rồi bắt trẻ năn nỉ để xin lại!
- Cho trẻ đồ ăn mà chưa hỏi ý kiến của bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ: Việc này tưởng như là một hành động thân thiện, tuy nhiên nếu chúng ta không phải người thân thiết và cực kỳ hiểu trẻ, hành động này có thể mang đến nguy cơ cho trẻ.
Nhiều gia đình sẽ có những nguyên tắc riêng về thực phẩm (nhất là bánh kẹo, đồ ngọt), một số bé thậm chí bị dị ứng với các loại thực phẩm rất phổ biến như sữa bò, đậu nành, tôm, cua… nên tốt nhất phải hỏi ý kiến bố mẹ của trẻ nhé.
Một số gợi ý để trở thành người lớn thân thiện và văn minh khi tiếp xúc với trẻ nhỏ:
- Tuyệt đối tránh những thứ kém duyên ở trên.
- Chủ động chào hỏi trẻ, đừng quên kèm theo một nụ cười tươi.
- Nên ngồi thấp xuống bằng tầm mắt của trẻ nếu câu chuyện sẽ tiếp tục trong một vài phút. Việc này sẽ khiến trẻ nhỏ cảm giác yên tâm, thân thiện và sẵn sàng trò chuyện hơn.
- Với những trẻ nhút nhát, tính cách hướng nội, không chủ động nói chuyện, chúng ta nên hạn chế hỏi dồn dập, liên tục. Thay vào đó, hãy chịu khó nói/chia sẻ nhiều hơn, thậm chí sẽ cần “tự thoại” mất 1 lúc trước khi trẻ chính thức cảm thấy đủ yên tâm để mở lời với chúng ta.
- Để tạo thêm ấn tượng và sự thân thiện, mình hay chuẩn bị 1 ít stickers hình thù xinh xắn trong túi. Tặng stickers khiến các bạn nhỏ vừa thích thú, nhỏ gọn dễ mang được nhiều, mọi lúc mọi nơi, giá trị vật chất gần như không đáng kể (nhiều khi tặng 1 thứ gì đó quá đắt tiền cũng không nên, có thể khiến bố mẹ ngại/bối rối, mời ăn kẹo bánh, đồ ăn cũng nên tránh).
- Nên hỏi câu hỏi mở (cái gì, vì sao, thế nào…) thay vì câu hỏi đóng (có/không). Hỏi chuyện dưới dạng các câu đố luôn dễ thu hút sự chú ý khiến trẻ hào hứng hơn.
- “Chào Sóc, cô tên là Minh Trang. Đố con biết cô làm nghề gì nào? Gợi ý nhé: Cô hay lên TV nhưng lại không phải diễn viên, cũng không phải ca sĩ!”.
- (Đang trong thang máy) Ô, sao ở đây lại có 1 cái nút hình cái chuông nhỉ? Đố con biết cái nút này để làm gì?
Nhiều thứ trẻ biết, sẽ hào hứng đoán/trả lời. Nếu không thì chúng ta hãy tự gợi ý rồi tự trả lời nhé, các bạn nhỏ dù đứng im không nói gì nhưng đều lắng nghe và quan sát hết.
- Nhìn nhanh ra 1 số điểm chung của mình và trẻ rồi bắt đầu trò chuyện từ điểm chung đó. Nên chọn những điểm chung thực sự thay vì cố tình bịa ra nhé. Ví dụ: "Wow, con có cái balo con mèo xinh quá! Cô cũng thích mèo lắm. Cô tuổi mèo đấy. Con có biết con tuổi con gì không?" hoặc "Nhà cô cũng nuôi 1 em mèo tên là Miu!" (rồi bắt đầu tả về em Miu).
Mình biết nhiều bạn chưa có gia đình, chưa từng có em bé nhưng nói chuyện với trẻ con vui lắm. Đi tới đâu các bạn nhỏ cũng quý mến vô cùng, ngược lại, nhiều người lớn ơi là lớn rồi mà vẫn chẳng có được sự thân thiện văn minh cần thiết.
Việc này có thể bạn sẽ cho là nhỏ thôi, nhưng với các bạn bé thì không nhỏ chút nào. Một hành động/câu nói kém văn minh của chúng ta có thể mang đến cả 1 ngày tồi tệ cho trẻ. Thậm chí là những lo lắng, buồn tủi không đáng có suốt nhiều nhiều ngày sau đó.
Vì vậy, hãy là những người lớn văn minh nhé!
MC Minh Trang sinh năm 1987 tại Hà Nội. Tên tuổi của cô gắn liền với chương trình Tuổi đời mênh mông, Tạp chí MTV, Đồ Rê Mí, Bài hát Việt, Quốc gia & Khởi nghiệp.
Sau khi lập gia đình, MC Minh Trang càng được yêu mến hơn vì thường xuyên chia sẻ những bí quyết nuôi dạy, chăm sóc con cái trên trang cá nhân của mình. Hiện nữ MC có 3 con là Bánh Mì, Daisy, Bơ và chuẩn bị chào đón bé thứ 4 chào đời.