Hot mom đình đám Sài Thành: Lì xì bao nhiêu tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chia sẻ cách xử lý cực khéo khi con trót mở phong bao trước mặt khách
"Thủy Anh không đưa ra mức sàn hay trần cho tiền mừng tuổi, mình cảm thấy sao hợp lý thì mình làm, miễn đừng để tiền mừng tuổi gây áp lực cho cả bố mẹ lẫn con cái", hot mom chia sẻ.
Lại một mùa xuân nữa đang về trên khắp nẻo đường. Ngoài bánh chưng, bánh kẹo, quần áo mới thì người lớn còn chuẩn bị sẵn các phong bao để lì xì tuổi mới cho trẻ. Vấn đề lì xì tuy cũ nhưng vẫn mới. Bởi năm nào, chúng ta cũng băn khoăn một vấn đề: Nên mừng như cho con trẻ bao nhiêu thì đủ? Mừng như nào để mọi người đều vui và con cũng học được những giá trị cổ truyền tốt đẹp.
Có 2 con nhỏ, hot mom Thủy Anh - bà xã ca sĩ Đăng Khôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Nói đến chuyện lì xì cho các nhóc nhà mình nói riêng và trẻ nhỏ nói chung, hot mom đã có những chia sẻ chân thành:
- Chào chị Thủy Anh! Một mùa Tết nguyên đán nữa lại tới. Là một bà mẹ 2 con, ắt hẳn chị cũng rất quan tâm đến những vấn đề như mừng tuổi cho con. Chị có thể chia sẻ một chút về chuyện mừng tuổi mỗi năm cho Ken và Đăng Anh được không?
Tiền mừng tuổi là một câu chuyện thú vị, năm nào cũng bàn nhưng không phải lúc nào cũng đưa ra được cách giải quyết thỏa đáng. Thú vị là vậy nhưng thực sự tiền mừng tuổi cũng là câu chuyện nhạy cảm, nếu không xử lý khéo thì sẽ gây ảnh hưởng tới trẻ.
Thủy Anh nghĩ vài trăm, vài triệu không phải là con số lớn khi số tiền mừng tuổi các con nhận được tương thích với điều kiện kinh tế gia đình nhưng điều chúng ta không nghĩ tới là việc xử lý không khéo có thể khiến trẻ có những suy nghĩ sai lệch về giá trị của đồng tiền và ý nghĩa của việc mừng tuổi.
Với Thủy Anh, của cho không quan trọng bằng cách cho. Tiền mừng tuổi Ken và Đăng Anh đôi khi còn ít hơn mừng tuổi con bạn bè nhưng chắc chắn sẽ nhiều lễ nghi hơn. Ví dụ như mừng tuổi vào thời điểm nào, không khí gia đình lúc đó tưng bừng ra sao, để trong phong bao lì xì cẩn thận chứ không đưa tiền mặt, chúc con cái những điều gì và mong nhận lại được điều gì từ các con,... Thủy Anh nghĩ như vậy mới trọn vẹn câu chuyện mừng tuổi đầu năm.
- Theo chị bố mẹ và người thân nên mừng tuổi cho trẻ bao nhiêu thì đủ? Có nên mừng trẻ quá nhiều tiền với quan niệm “nhiều lộc, nhiều phúc” hay không? Nếu có một “mức sàn” thì mức đó nên là bao nhiêu?
Mừng tuổi bao nhiêu thực sự là một câu hỏi rất khó trả lời vì nó sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, sự thân quen, tâm trạng và cảm xúc của người mừng tuổi, đôi khi là cả động cơ đằng sau.
Thủy Anh không đưa ra mức sàn hay trần cho tiền mừng tuổi, mình cảm thấy sao hợp lý thì mình làm, miễn đừng để tiền mừng tuổi gây áp lực cho cả bố mẹ lẫn con cái. Thủy Anh không cho rằng mừng tuổi quá nhiều là tốt; tiền mừng tuổi phải được đặt trong tương quan với ý nghĩa của việc mừng tuổi.
Nếu số tiền lấn át ý nghĩa của việc mừng tuổi, các con sẽ quên mất đi ý nghĩa thực sự của phong tục tốt đẹp đầu năm mới. Giống như trong một cuốn sách có nói, nếu để đồng tiền chi phối một giá trị tinh thần quá nhiều, ý nghĩa của các bài học tinh thần sẽ biến mất, như cách chúng ta đang làm với văn hóa mừng tuổi đầu năm.
- Nhiều trẻ nhỏ có thói quen mở phong bao lì xì ngay trước mặt khách và ỉu xỉu khi thấy “ruột” không như mong đợi. Hai bé nhà chị có từng rơi vào trường hợp này không? Nếu như Ken và Đăng Anh có hành động này, chị sẽ xử lý tình huống như nào?
Dù đã cố gắng nói chuyện với con về câu chuyện lì xì đầu năm và những điều cần làm/không nên làm khi nhận tiền lì xì nhưng trẻ con mà, Thủy Anh cũng đã từng 1-2 lần phải xử lý các trường hợp tương tự, dù rất hạn hữu.
Nhưng tất nhiên, đấy cũng là cơ hội tốt để các bố mẹ hiểu được phải dạy con như thế nào và thay đổi ra sao. Nguyên tắc thứ nhất là không mắng con trước mặt khách, đặc biệt là trong dịp Tết. Nếu con có thái độ, phản ứng như vậy, mình sẽ nhẹ nhàng xin lỗi khách và tiếp tục câu chuyện dang dở; để mọi chuyện thật tự nhiên để cả hai bên không thấy ái ngại.
Nguyên tắc thứ hai là phải nói chuyện với con ngay sau đó, tránh trường hợp sẽ xảy ra sau đó, con mắc phải lỗi tương tự. Hãy hỏi con những câu hỏi như: "Con thấy việc mình làm đúng hay không? Con có thấy mặt bác/cô lúc con mở ra phong bì không? Con có nghĩ mọi người sẽ buồn không? Tại sao con lại làm như vậy?",...
Đừng áp đặt con, hãy để bé tự khai mở và trả lời trước khi cho con những lời khuyên và mạnh hơn mới là răn dạy - Thủy Anh luôn nghĩ răn dạy một cách nghiêm khắc là điều cuối cùng sẽ làm nếu các con không tự thay đổi.
- Nhiều trẻ nhỏ thường không được cầm tiền lì xì mà sẽ đưa bố mẹ giữ. Vậy Ken và Đăng Anh thì sao?
Với Ken và Đăng Anh, mình vẫn để con nhận tiền mừng tuổi như bình thường, tránh những cảnh giằng co, con gửi mẹ giữ trước mặt mọi người. Sau đó, mình sẽ hỏi lại Ken và Đăng Anh muốn sử dụng tiền mừng tuổi như thế nào và tư vấn như thế nào là hợp lý.
Con có thể gửi bố mẹ giữ cho các khoản đầu tư tương lai, có thể mua món đồ con mong muốn (nếu hợp lý) và nếu muốn giữ thì phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng và báo cáo lại bố mẹ.
Các bố mẹ không nên nói các câu như "Tiền của con cũng là tiền bố mẹ, bố mẹ mừng con nhà người ta thì họ mới mừng các con" - thực sự rất phản cảm! Mọi thứ cần phải rất thành thật giữa bố mẹ và con cái, tiền mừng tuổi cũng là cách để xây dựng niềm tin giữa hai bên.
Từ những việc nhỏ nhất như hành xử với tiền mừng tuổi, con cái và bố mẹ có thể tạo được một mối quan hệ lành mạnh và thấu hiểu hơn.
- Cảm ơn những chia sẻ của chị!