Hồng thủy tấn công: Điều khiến Trung Quốc "khóc hận" khi hệ thống hồ chứa cả nước "thất thủ"

Hải Võ,
Chia sẻ

Từ đầu năm nay, nhiều vùng ở miền Nam Trung Quốc đã hứng chịu các đợt mưa lớn, dồn dập trong khoảng thời gian ngắn.

Nguyên nhân đợt mưa lớn bất thường

Theo ông Zhang Boting, Phó tổng thư ký Hiệp hội công trình thủy điện Trung Quốc, nhận định rằng các đợt mưa lũ dữ dội năm nay có nguyên nhân từ những biến động khí hậu tự nhiên cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, và tình trạng này nghiêm trọng hơn những năm về trước.

Ông Zhang nói, việc ngăn chặn hoàn toàn lũ lụt trong khu vực - do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - có thể là điều bất khả thi đối với con người.

Dù vậy, ông cho rằng nếu thực thi được các chương trình tích trữ nước đầy đủ và hiệu quả, nhà chức trách Trung Quốc có thể kiểm soát lũ hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng và tài sản.

Tính đến ngày 6/7, đợt mưa lớn bắt đầu từ cuối tháng 5 đã ảnh hưởng đến đời sống của gần 20 triệu người trên địa bàn dọc theo sông Dương Tử (Trường Giang). Mưa lũ làm ít nhất 121 người chết hoặc mất tích - theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Trung Quốc cần tăng cường năng lực chứa nước

Trung Quốc đã đạt được thành tựu đáng kể trong xây dựng các hồ chứa và đập, giúp giảm thiểu tỷ lệ lũ lụt, cung cấp điện và nước cho người dân. Các số liệu chỉ ra rằng dù đợt mưa lớn năm nay phá kỷ lục lượng mưa thường niên trong 80 năm qua tại nhiều địa phương, tổn thất về người và của ở Trung Quốc là không cao, nhờ có sự quản lý hiệu quả các cơ sở thủy lợi trong mùa lũ.

Nhưng Zhang Boting tin rằng tính mạng và tải sản của người dân cần được bảo vệ tốt hơn. Ông này phân tích, dù các công trình đập lớn ở Trung Quốc những năm gần đây gây ra nhiều tranh cãi về tác động hệ sinh thái, chi phí đắt đỏ hay bất cập trong việc tái định cư, Trung Quốc đến nay vẫn chưa có đủ hệ thống cơ sở chứa nước cần thiết. Dung tích hồ chứa trên các sông lớn và hệ thống thoát nước ở một số thành phố được cho là cần cải thiện nhiều hơn nữa.

"Nước Mỹ có diện tích tương đương Trung Quốc, song dung tích các hồ chứa của họ gấp rưỡi so với Trung Quốc," Zhang viết trên China Daily. "Đặc biệt, [các hồ chứa] Trung Quốc có khả năng tích trữ 900 tỷ m3 nước, trong khi các hồ ở Mỹ chứa được tới 1.3 nghìn tỷ m3."

Ông Zhang cảnh báo, mưa lớn ở Trung Quốc có thể làm ngập tràn các hồ chứa và gây ra lũ lụt, cuốn theo một khối lượng nước sạch trôi ra biển. Còn tại Mỹ, nhờ có khả năng tích trữ lớn, nên lượng nước mưa này có thể biến thành nguồn nước có giá trị.

Hồng thủy tấn công: Điều khiến Trung Quốc khóc hận khi hệ thống hồ chứa cả nước thất thủ - Ảnh 2.

Đập tràn ở hồ chứa trên sông Tân An, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, xả lũ hôm 7/7/2020 (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc cảnh báo da cam, mưa lớn hoành hành chưa dứt

Thành phố Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc đang trải qua một trong những trận lụt tồi tệ nhất những năm gần đây, chủ yếu do năng lực trữ nước của các hồ chứa tại thượng nguồn sông Dương Tử. Mối đe dọa được cho là đáng sợ hơn khi có thông tin các đập thủy điện trên sông Kim Sa - một nhánh của Dương Tử - đã hoạt động hết công suất.

Trong giai đoạn mưa lớn vừa qua, nhiều tin đồn bắt đầu xuất hiện, nói rằng lượng nước dâng cao ở đập Tam Hiệp tại Nghĩa Xương, tỉnh Hồ Bắc - điểm chia tách giữa trung lưu và thượng lưu sông Dương Tử - đã gây ra tình trạng nước lên ở Trùng Khánh. Nhà chức trách và các chuyên gia Trung Quốc khẳng định thông tin này là không có cơ sở.

Zhang Boting nói các số liệu trong lịch sử có thể xóa bỏ những hiểu lầm về vai trò của dự án đập Tam Hiệp trong mùa lũ, đồng thời nhắc nhở chính phủ và người dân Trung Quốc rằng cách tốt nhất để ngăn lũ ở Trùng Khánh là xây thêm cơ sở chứa nước, căn cứ theo nghiên cứu khoa học.

"Trong thế kỷ trước Trung Quốc đã xây dựng có chọn lọc các đập thủy điện bởi sự thiếu hụt về nguồn vốn. Đây là những dự án then chốt mang lại lợi ích xã hội toàn diện: Cung cấp điện năng và giảm rủi ro lũ lụt," ông Zhang đánh giá. "Như vậy, nhà chức trách cần phân bổ thêm nguồn lực, bao gồm ngân sách, để xây thêm các cơ sở tích trữ nước nhằm cải thiện hệ thống kiểm soát lũ lụt."

Trong tình hình mưa lớn tiếp tục đổ vào các sông hồ và dự báo tiếp tục trong những ngày tới, tỉnh Chiết Giang ở miền Đông Trung Quốc ngày 7/7 đã nâng mức phản ứng lũ khẩn cấp lên cao nhất ở khu vực dọc sông Tiền Đường.

Đến 19h ngày 7/7, mực nước ở hồ chứa trên sông Tân An - dự án kiểm soát lũ quan trọng ở vùng thượng du sông Tiền Đường - đã lên đến 108.5m, vượt qua mức tích nước thông thường. Giới chức địa phương cảnh báo mực nước này sẽ tiếp tục dâng cao và dự kiến lập kỷ lục mới.

Hồ chứa kể trên đã phải mở đập tràn lần đầu tiên trong 9 năm để hạ thấp đỉnh lũ. Cơ quan thủy lợi tỉnh Chiết Giang nói nhiều con sông ở khu vực đồng bằng chính của tỉnh đang chứng kiến mực nước dâng lên trên mức cảnh báo.

Tại tỉnh Hồ Bắc, chính quyền cũng kích hoạt ứng phó khẩn cấp cứu trợ thiên tai Cấp 4 từ trưa ngày 7/7, sau khi lũ lụt nghiêm trọng và ngập úng xảy ra trên diện rộng.

Đài quan sát quốc gia của Trung Quốc ngày 8/7 đã đưa ra cảnh báo màu da cam về tình trạng mưa lớn tàn phá trên nhiều địa phương của đất nước.

Từ sáng 8/7 đến sáng 9/7, mưa lớn và bão dự kiến xảy ra ở các tỉnh Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây, trong khi Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC) cảnh báo một số địa phương của tỉnh Giang Tây có thể hứng lượng mưa lên đến 260 mm/ngày.

Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết gồm 4 mức màu sắc, với màu đỏ là cấp nghiêm trọng nhất, sau đó là da cam, vàng, và xanh da trời.

NMC khuyến cáo chính quyền các địa phương cảnh giác với lũ lụt và rủi ro lở đất, đồng thời đề xuất tạm ngưng hoạt động ngoài trời tại những khu vực nguy hiểm.

Chia sẻ