Hòn đảo cua đỏ khổng lồ kỳ lạ nhất thế giới
Có khoảng 43 triệu con cua đang sinh sống trên hòn đảo nhỏ, trong đó có những con cua khổng lồ có thể ăn cả chim, chuột.
Đảo Christmas là một phần lãnh thổ nằm về phía tây Australia. Đây được coi là nhà của một số loài động vật độc đáo nhất trên thế giới. Hòn đảo được phát hiện năm 1643.
Loài vật chiếm số lượng đông đảo và đã trở thành đặc trưng của đảo Christmas là cua đỏ, một loài giáp xác chỉ xuất hiện tại một vài hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Theo ước tính, đảo Christmas có khoảng 43 triệu con cua. Mỗi khi đến mùa sinh sản, những con cua này lại thi nhau bò ra biển sinh sản khiến chính quyền phải đóng cửa toàn bộ hoạt động giao thông trên đảo để đảm bảo cua được sinh sản an toàn.
Những con cua đỏ trên đảo Christmas có màu đỏ tươi đặc trưng. Một số con có thể có màu cam hoặc tím. Có những trường hợp đặc biệt, cua đỏ có thể phát triển mai lớn, dài đến 11,6 cm. Cua đực thường có kích thước lớn hơn, có càng to hơn so với cua cái. Chúng có thể sống đến 30 năm.
Tuy nhiên, từ những năm 1990, một loài kiến lạ xuất hiện trên đảo đã tiêu diệt khoảng 10 – 15 triệu con cua khiến số lượng của chúng giảm mạnh. Chúng còn được gọi là kiến vàng “điên”. Kiến vàng được đưa vào đảo Christmas từ năm 1940. Tuy nhiên, phải đến những năm 1990, loài kiến vàng này mới có ảnh hưởng tiêu cực đến loài cua.
Cua Robber, hay còn gọi là cua dừa, là một trong những loài mới xuất hiện do sự xâm lược của loài kiến. Cua dừa khổng lồ có thể nặng hơn 4kg, dài một mét, có khả năng cắt cây, chặt quả dừa. Ngoài ra, chúng còn ăn tạp, ăn cua khác, ăn chim, ăn chuột. Những con cua nhìn như sinh vật ngoài hành tinh này chỉ cần vỏ cứng để bảo vệ cơ thể. Chúng có thể sống từ 40 – 60 năm.
Khi mới được phát hiện, đảo Christmas có 5 loài động vật bản địa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã có hai loài bị tuyệt chủng là chuột Maclears và chuột bulldog. Chuột chù, dơi pipistrelle đang có số lượng cực ít. Còn lại loài cáo bay Christmas cũng đang sụt giảm số lượng nhanh chóng.
(Nguồn: Dailymail)