Hơn 5.700 ca mắc tay chân miệng tuần qua
Từ ngày 14/8 - 20/8, cả nước ghi nhận hơn 5.700 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 12% so với tuần trước đó.
Mặc dù không ghi nhận ca tử vong nhưng đây cũng là con số đáng lo ngại khi năm học mới đang cận kề. Còn tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 68.000 trường hợp mắc tay chân miệng. Trong đó, có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tăng 52%.
Các chuyên gia cho hay, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Có hơn 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt, trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ em.
- Cần phải ăn chín, uống sôi; đảm bảo nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn và vật dụng ăn uống chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các dụng cụ, bề mặt tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn/ghế... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế. Không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.