Hôm nay tuyên án gian lận thi cử Hà Giang: Nâng điểm 106 thí sinh để 'tạo phúc'?
HĐXX phiên sơ thẩm vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang từng thẩm vấn các bị cáo và cho rằng không thể có chuyện nhờ và nâng điểm cho 106 thí sinh chỉ vì tình cảm, không có lợi ích vật chất. Nhiều ý kiến đồng tình với nhận định này.
Nâng điểm 106 thí sinh chỉ vì “tình cảm”?
Hôm nay (25/10), HĐXX phiên sơ thẩm vụ gian lận điểm thi xảy ra tại Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 dự kiến sẽ tuyên án. Trước đó, phiên tòa ngày 18/10, Viện kiểm sát (VKS) đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương (trưởng và phó Phòng Khảo thí) từ 7-9 năm tù; các bị cáo Triệu Thị Chính (PGĐ Sở GD&ĐT) và Lê Thị Dung (cán bộ công an) từ 2-2,5 năm tù. VKS đề nghị bị cáo Phạm Văn Khuông (PGĐ Sở GD&ĐT) 1,5 năm tù treo.
Đáng chú ý, trong 5 ngày xét xử sơ thẩm, tất cả các bị cáo đều cho rằng việc nâng điểm, xem điểm, giúp đỡ thí sinh chỉ vì tình cảm đối với người nhờ chứ không vì tiền hay lợi ích phi vật chất.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khai trước tòa, khởi nguồn vụ gian lận thi cử này xuất phát từ việc lãnh đạo, cán bộ thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang nhờ bị cáo nâng điểm cho con em họ. Sau đó, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ các ban ngành trong tỉnh Hà Giang nhờ. Trong đó, có ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhờ giúp cho 1 thí sinh, bà Chúng Thị Chiên nhờ giúp cho con, bà Triệu Thị Giang (em gái ông Triệu Tài Vinh) nhờ giúp cho cháu…
Ngoài ra, bị cáo Hoài nhận nâng điểm cho 20 thí sinh mà đa số những trường hợp này đăng ký vào trường công an, cảnh sát. Sau khi tổng hợp, bị cáo Hoài đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Vũ Trọng Lương trực tiếp can thiệp. Khai trước tòa, Nguyễn Thanh Hoài nói bị cáo là chủ mưu nâng điểm nhưng không vì tiền hay lợi ích vật chất mà vì tình cảm với cấp trên, bạn bè, đồng nghiệp. Ngoài danh sách bị cáo Hoài gửi, bị cáo Vũ Trọng Lương cũng nhận nâng điểm cho 14 thí sinh khác cũng với lý do “tình cảm”.
Bị cáo Triệu Thị Chính cho rằng mình không phạm tội mà chỉ vi phạm quy chế khi nhờ xem giúp điểm cho 13 thí sinh, là con em cán bộ, lãnh đạo và một số trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. Còn bị cáo Phạm Văn Khuông thừa nhận nhờ cấp dưới giúp con trai vì sợ con trượt tốt nghiệp, không nói nâng hay xem điểm giúp.
Đáng chú ý, tại tòa bị cáo Lê Thị Dung - nguyên là cán bộ công an tỉnh Hà Giang khai vì ốm đau, quá trình điều trị bệnh được nhiều đồng nghiệp, ân nhân giúp đỡ nên Dung nhờ nâng điểm cho các thí sinh vì tình cảm. Chủ tọa phiên tòa liên tục chất vấn, không thể có chuyện vì tình cảm mà vi phạm pháp luật, nhờ nâng điểm cho hàng chục thí sinh, đặc biệt là những trường hợp thi vào các trường công an, cảnh sát. Thậm chí có nhiều thí sinh tự do từ Thanh Hóa, Tuyên Quang lên tận Hà Giang dự thi. Tuy nhiên, bị cáo Dung một mực khẳng định chỉ vì tình cảm, không có lợi ích tiền bạc, vật chất.
Tạo phúc bất chấp pháp luật?
Được triệu tập tại tòa suốt năm ngày xét xử, gần 100 người làm chứng, liên quan có mặt cũng đều khai báo chỉ nhờ giúp cho con em đỗ đạt, biết trước điểm mà không đưa tiền, vật chất gì cho các bị cáo. Tuy nhiên, nhiều người dân ở TP Hà Giang không tin rằng hoàn toàn không có yếu tố vụ lợi trong vụ gian lận thi cử này.
Là người theo dõi diễn biến phiên tòa từ đầu, ông Phạm Huy Nương (trú phường Trần Phú, TP Hà Giang) nói: “Về góc độ tình cảm, giúp con em lãnh đạo, người thân, đồng nghiệp còn có thể hiểu. Nhưng còn hàng chục thí sinh khác, tôi nghĩ, không ai uống nước lã mà làm không công cho ai. Đặc biệt có cán bộ công an khai nhờ nâng điểm cho hàng chục thí sinh thi tự do có người từ Thanh Hóa, Tuyên Quang dự thi để xét tuyển trường công an, cảnh sát để tạo phúc, liệu có tin được không? Không ai vi phạm pháp luật để làm phúc cả. Thật vô lý”.
Ông Nương cho rằng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cán bộ các sở ban ngành thiếu trách nhiệm trong vụ việc này. Trong đó có ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Hội đồng thi lại trả lời “Ok” - (đồng ý), khi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài bị lộ, nhắn tin cầu cứu.
Bà Nguyễn Hương Giang (ở phố Lý Tự Trọng, TP Hà Giang) cho rằng lời khai của nhiều bị cáo nói “chỉ vì tình cảm” mà sửa chữa bài thi cho các thí sinh là thiếu sức thuyết phục. “Kỳ lạ là tại tòa có sự đồng thuận rất cao của những người đã từng nhờ vả các bị cáo trong vụ gian lận này; họ là những người nhờ các bị cáo và nay được tòa triệu tập với vai trò nhân chứng. Liệu lời khai của các nhân chứng này đáng tin cậy đến mức nào?”.
Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội) - người tham gia tố tụng trong vụ án này cho rằng: Cơ quan tố tụng cần làm rõ có hay không hành vi đưa và nhận hối lộ, đồng thời cần thanh kiểm tra kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2017 của Hà Giang xem có dấu hiệu gian lận không.
“Có người từ Thanh Hóa, Tuyên Quang dự thi để xét tuyển trường công an, cảnh sát để tạo phúc, liệu có tin được không?Không ai vi phạm pháp luật để làm phúc cả. Thật vô lý”.
Ông Phạm Huy Nương